Tết Mậu Thân 1968 – Chiến công của quân dân vùng cao su Dầu Tiếng

CSVN Xuân – Từ năm 1917, nằm trong chiến lược tận thu tài nguyên các nước thuộc địa, tư bản Pháp đã đến vùng Dầu Tiếng mở Đồn điền Cao su Michelin với chính sách bóc lột hà khắc … Có áp bức có đấu tranh, công nhân Cao su Dầu Tiếng từ tự phát vùng lên, rồi sau đó dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước chống lại ách áp bức của bọn chủ Pháp. Chẳng những vậy còn đóng góp nhiều công sức vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, được Trung ương Cục miền Nam tặng lá cờ mang tên: “Lá cờ đầu phong trào đấu tranh cách mạng các đồn điền miền Nam”, rồi sau này đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Trong quá trình gian khổ của cuộc đấu tranh, chiến công kết hợp với bộ đội đánh địch dịp Tết Mậu Thân 1968 là một dấu son ngời thắm.
Lực lượng vũ trang đồn điền Dầu Tiếng trong tiến công giải phóng Dầu Tiếng
Lực lượng vũ trang đồn điền Dầu Tiếng trong tiến công giải phóng Dầu Tiếng
Tăng cường lực lượng đánh địch, lập chiến công trong Tết Mậu Thân

Cuối năm 1967, Trung ương Cục miền Nam ra “Nghị quyết Quang Trung” về tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Huyện ủy và Huyện đội Dầu Tiếng khi ấy trực thuộc Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 1. Huyện ủy Dầu Tiếng với Thường vụ gồm các đồng chí Tư Thứ (Bí thư), Hai Tiến, Tư Cao, Út Oanh, Hai Đức, Tám Núi; Ban chỉ huy Huyện đội gồm các đồng chí Ba Minh, Tư Hùng, do đồng chí Nguyễn Việt Trân tức Bảy Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự đảm nhiệm. Đầu tháng 12 năm 1967, đồng chí Nguyễn Việt Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự triển khai Nghị quyết Quang Trung tại Dầu Tiếng. Phân khu giao cho Dầu Tiếng phụ trách vùng thị trấn, đảm trách tấn công các cơ quan đầu não của ngụy. Tại cuộc họp với các đồng chí Thường vụ và Huyện ủy Dầu Tiếng do đồng chí Bảy Trân chủ trì, việc tiến công và nổi dậy đã được bàn cụ thể.

Cuộc họp quyết tâm phát triển 1.000 nòng cốt (600 ở thị trấn, 400 ở các làng công nhân cao su) làm lực lượng đấu tranh thường trực; xây dựng 70 tổ với trên 200 người làm công tác binh vận; lên danh sách những tên tề ngụy, thám báo ác ôn nhiều nợ máu để trấn áp… Cuộc họp cũng quyết tâm xây dựng thêm một đại đội bộ binh cùng hàng trăm dân công tăng cường trợ chiế n. Tinh thần cuộc họp trên đã được nhanh chóng triển khai trên khắp vùng cao su Dầu Tiếng, từ thị trấn đến các xã, các làng. Nghe nói kỳ này đánh lớn, quyết giành chính quyền về tay nhân dân, công nhân ở các làng cao su Dầu Tiếng vô cùng háo hức, hàng trăm người ghi tên tòng quân.

Đại đội mới vì thế nhanh chóng hình thành, được huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ. Đại đội mới mang tên C2 do đồng chí Sáu Lâm làm Đại đội trưởng, đồng chí Hai Thanh làm Chính trị viên. Cùng với Đại đội C1 do đồng Chí Xê làm Đại đội trưởng, đồng chí Mười làm Chính trị viên, quân của ta lên tinh thần, khí thế thấy rõ. Giáp Tết Mậu Thân năm ấy, công nhân các làng cao su Dầu Tiếng hết lòng dồn sức chuẩn bị cho cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Ai vào lực lượng vũ trang thì nỗ lực tập luyện, ai chưa vào thì chia nhau cạo gánh, cạo choàng ở vườn cây cao su. Bà con chắt chiu dành dụm lương thực, thực phẩm, thức ăn khô, cả bông băng y tế, thuốc men cho cuộc chiến quan trọng sắp tới.

Chiều tối Mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch của ta), tại căn cứ Bàu Cây Cám ở phía nam làng 4, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện và công nhân cao su Dầu Tiếng đã tập họp nghe đồng chí Nguyễn Việt Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự đọc nhật lệnh của Trung ương Cục miền Nam. Sau khi triển khai tinh thần nhật lệnh, đồng chí hô vang: “Thời cơ cách mạng đã đến rồi! Toàn thể đồng chí, đồng bào hãy một lòng sát cánh, tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân!”.

Vào 0 giờ Mùng 2 Tết – đêm 31 tháng 1 rạng ngày 1/2/1968 (tức 0 giờ Mùng 1 Tết, nhằm đêm 30 tháng 1 rạng ngày 31/1/1968 theo lịch của ngụy quyền), loạt pháo đầu tiên của Tiểu đoàn 5 pháo Biên Hòa chụp xuống căn cứ Lữ 3, Sư 25 Mỹ. Đó chính là hiệu lệnh tấn công. Bộ đội Dầu Tiếng phối hợp các lực lượng quần chúng tấn công các vị trí thuộc khu vực chi khu, dinh quận, chi cảnh sát ngụy. Lực lượng gan góc nhất của ta là gần 100 biệt động, du kích là công nhân cao su Dầu Tiếng có vũ trang, đã phối hợp với lực lượng mật tại chỗ, tấn công khống chế các cơ sở ngụy quyền quận. Ta làm chủ trận địa suốt 5 giờ đồng hồ, cho đến 5 giờ sáng ngày Mùng 2 Tết có lệnh tạm lui khỏi thị trấn.

Các mẹ VN Anh hùng và liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh ở Cao su Dầu Tiếng, trưng bày tại Phòng truyền thống Cao su Dầu Tiếng.
Các mẹ VN Anh hùng và liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh ở Cao su Dầu Tiếng, trưng bày tại Phòng truyền thống Cao su Dầu Tiếng.

Sau đó, ta lại tiến vào thị trấn ba đêm liền làm nhiều đồn ngụy quân tháo chạy, tề ngụy lẩn trốn. Đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân của ta đã làm cho địch choáng váng, tinh thần chiến đấu bị suy sụp rất nhiều. Nhưng sau đó chúng kịp hoàn hồn, huy động đến trên 30.000 quân Ngụy, quân Mỹ và chư hầu quyết đẩy lùi chiến sự ra khỏi vùng thị trấn. Trước lực lượng quá đông đảo với vũ khí trang bị tận răng của địch, ta tạm rút lui. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tuy chưa mang lại chiến thắng cuối cùng nhưng cũng là một cuộc thao dượt đầy giá trị cho đại thắng1975 sau này.

 Tiêu diệt tề ngụy ác ôn

Một trong những cái “đã” nhất, “hả hê” nhất của quân dân Dầu Tiếng là trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, ta đã tiêu diệt khá nhiều tên tề ác, từng gây nhiều nợ máu với nhân dân. Ở vùng này có Trần Dung Tiên, một tên CIA ác ôn nắm chức Bí thư Đảng Cần lao nhân vị tại Dầu Tiếng. Tên này từng nói “Cộng sản như cỏ lan vậy, nên muốn diệt thì phải nhổ tận gốc”.

Nhận thức dữ dằn như vậy nên tên này thường cho tay chân đi lùng sục tìm diệt cán bộ cách mạng. Mùng 2 Tết Mậu Thân, đồng chí Trương Văn Cao tức Tư Cao, Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng (sau này là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam) cùng với một số anh em an ninh huyện đã bắt được tên Trần Dung Tiên tại nhà y, sau đó đưa ra tuyên án tử hình và thi hành án tại sân banh thị trấn. Lực lượng an ninh huyện do đồng chí Tư Cao phụ trách xây dựng được một mạng lưới từ thị trấn đến các làng.

Việc trừng trị ác ôn, tề ngụy, mật vụ được tiến hành theo ba bước. Bước một ném thư vào nhà đối tượng buộc thôi việc, từ bỏ chức vụ đang đảm trách; bước hai ném thư kèm đạn cảnh cáo nếu không chấp hành thôi việc; bước ba là thi hành án nếu đối tượng không làm theo các cảnh báo. Ở thị trấn Dầu Tiếng có tên Nguyễn Văn Ân là Trưởng ấp 2 chuyên làm khó, hành hạ những gia đình có người thân tham gia cách mạng. Anh em an ninh của ta kiên trì thực hiện bước một bước hai đến ba bốn lần nhưng tên này vẫn chẳng hề lay chuyển. Y còn ngạo nghễ nói: “Tao ăn lương quốc gia chứ có ăn lương của Việt cộng đâu mà nó bắt tao thôi việc?!”. Do y quá ngoan cố nên lực lượng an ninh đã buộc phải thi hành án tử hình tại nhà.

Tạ Tuyên