CSVN Xuân – Đến thăm khu trưng bày di tích Đồn điền Michelin thời Pháp thuộc, cả một quá khứ đau thương, lầm than, tủi nhục nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng và bất khuất của bao lớp dân công tra ngày xưa như hiện ra trước mắt. Khu di tích là điểm tham quan lý tưởng, một địa chỉ “đỏ” trong hành trình tìm về cội nguồn lịch sử phát triển phong trào công nhân ngành cao su.
Giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử
Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc (lô 50, làng 14) và Nhà truyền thống Cao su Dầu Tiếng là cụm tham quan, tìm hiểu lịch sử trực thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, tiền thân là Đồn điền Cao su Michelin.
Khách đến đây không khỏi bùi ngùi xúc động trước kiếp sống lầm than, cơ cực của người công tra “lỡ lầm vào đất cao su”. Nhiều khách đã không giấu hết cảm xúc, khóe mắt cay cay, khi nghe hướng dẫn viên Ao Thị Mỹ Lệ – cán bộ Ban Tuyên giáo Công đoàn công ty, thuyết minh trong quá trình tham quan. Với chất giọng có “hồn”, cùng kiến thức về lịch sử khá chắc, Mỹ Lệ đưa du khách trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khi chứng kiến những hiện vật lịch sử gắn liền với quá trình lao động và đấu tranh của nhiều thế hệ công nhân Cao su Dầu Tiếng.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong lần đến thăm công ty vào năm 2013, đã ghi vào sổ lưu niệm Nhà truyền thống: “Dầu Tiếng là công ty cao su lâu đời có truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành công nghiệp cao su VN. Công ty xứng đáng là đơn vị 2 lần được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” và “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Tôi vui mừng và đánh giá cao thành tích của công ty trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong suốt thời kỳ đổi mới”.[/stextbox]Ở Nam Kỳ, năm 1917, Công ty Michelin lập Đồn điền Cao su Dầu Tiếng. Đồn điền cao su đầu tiên ở Nam Bộ và trở thành địa ngục trần gian của những công tra ký giao kèo “bán thân đổi mấy đồng xu”. Sau ngày giải phóng, Đồn điền Michelin đổi tên là Nông trường Quốc doanh Cao su Dầu Tiếng, đến năm 1981 chuyển thành CTCS Dầu Tiếng.
Ngày nay, một phần Đồn điền Michelin được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đầu tư, phát triển và xây dựng thành khu di tích, đón khách tham quan. Dưới tán cây cao su già hàng trăm năm tuổi, ngoài căn nhà gỗ dùng làm nơi trưng bày và triển lãm hiện vật của phu công tra làng 14. Vài căn nhà xây bằng đá hiếm hoi còn sót lại, lấy từ trong làng, được phục dựng nguyên trạng trong khu di tích.
Đến làng 14, mọi tình cảnh sinh hoạt của người phu cao su được tái hiện sinh động. Du khách sẽ cảm nhận một xã hội thu nhỏ về một thời đau thương, mất mát của những kiếp người bị bóc lột tàn bạo bởi bọn chủ Tây thực dân và tay sai bản xứ. Đó là cảnh bàng bạc nỗi nhớ quê cha đất Tổ trong những ngày giáp Tết. Hình ảnh một gia đình phu cao su đang dâng lễ và cúng trước bàn thờ ngoài hiên trong thời khắc cuối năm. Ánh mắt người phu già đau đáu nỗi nhớ quê xa thăm thẳm. Cảnh hai người đàn bà gầy gò đang đứng chăm một người phu lên cơn sốt rét. Cảnh hai tên lính mũ đỏ, một tên tay súng, tay roi, trút những trận đòn tàn bạo vào thân thể còi còm của người phu bị trói chặt, một tên khác đang chĩa súng uy hiếp một người đàn bà bụng mang dạ chửa. Cảnh hậu tàn cuộc nhậu của 3 người đàn ông, một người say quắc nằm vắt tay lên trán ra chiều đang suy nghĩ…
Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Bạn Trần Như Trang – Đoàn viên NT Trần Văn Lưu, bày tỏ: “Khi còn đi học em chỉ biết qua lời giảng của thầy cô. Nhưng khi đến đây, tận mắt nhìn thấy những hình ảnh được phục dựng, mới thấy được ngày xưa cha ông mình đã sống, lao động và chiến đấu rất cực khổ để có nền độc lập như ngày hôm nay. Là người Đoàn viên trẻ, thế hệ trẻ, em sẽ cố gắng phấn đấu lao động, học tập thật tốt để xứng đáng với những hi sinh to lớn mà các thế hệ cha ông đã dày công xây dựng”.
Theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, khu di tích được phục dựng là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập công ty (21/5/2011). Trước đó, năm 2009, vườn cây cao su cổ thụ thuộc lô 50, làng 14, NT Trần Văn Lưu, được UBND tỉnh Bình Dương công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Việc tái hiện hình ảnh tại di tích chính là ý thức coi trọng và giữ gìn truyền thống cách mạng giai cấp công nhân cao su nơi đây.
“Nhìn lại lịch sử, thấy rằng hết chống Pháp đến chống Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, công nhân Cao su Dầu Tiếng liên tục đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Với truyền thống cao đẹp đó, công ty thấy rằng, một điều hết sức cần thiết phải có một khu trưng bày di tích của người công nhân xưa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang cho thế hệ mai sau. Chúng tôi mong muốn, thế hệ trẻ hôm nay lấy những hình ảnh đó để tự giáo dục cho mình truyền thống của người công nhân cao su. Đồng thời, nhắc nhở lớp trẻ, có cách nghĩ, cách làm, chắc chắn rằng thế hệ công nhân cao su trong tương lai sẽ nối bước truyền thống của cha anh”, ông Minh bày tỏ.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934 (tt)
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Thêm 5 nghề mới tuyển sinh trong năm 2021
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- Thay đổi cần biết về Hội thi 85 năm
- "Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ, những dấu ấn và giá trị trường tồn"
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- “Nóng” Nghị định 100
- Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc
- Nông trường 9 đạt giải nhất Hội thi Tiếng hát Cao su Phú Riềng
- Khi biển lên đèn