CSVN Xuân – Wat Phou (Vat Phu) hay chùa Núi, chùa trên núi là di tích một quần thể đền thờ Khmer ở phía Nam CHDCND Lào. Wat Phou tọa lạc dưới chân núi thiêng Phou Cao (núi Voi), tỉnh Champasak, cách sông Mê Kông 6 km, cách thủ đô Vientiane 670km về phía nam. Bao bọc xung quanh di tích là 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong mang tên Siphandone (Siphan là 4.000, done nghĩa là đảo).
Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, Wat Phou trở thành đền thờ Phật và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.
Ngôi đền có kết cấu độc đáo dẫn đến một điện thờ, nơi có một linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao… mới thấy những người thợ tài hoa xưa đã đổ biết bao công sức, trí tuệ mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ.
Cổng chính và mặt trước của ngôi đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần Ấn Độ giáo. Qua cổng, theo con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng với nhau, trên một gò cao. Cả hai ngôi đền này đang được trùng tu. Truyền thuyết và lịch sử Lào xác định đó là đền thờ Thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học luận giải rằng, thời kỳ đó đã từng tồn tại một con đường nối Wat Phou với kinh đô Angkor, cách đó khoảng 100km.
Ngày nay, lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp Rằm tháng 3 Âm lịch. Hồ Noòng Viêng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội.
Không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian nhưng Wat Phou hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm đến hấp dẫn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo; bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người. Dẫu là phế tích do thời gian tàn phá, nhưng Wat Phou vẫn tỏa sức sống uy nghi một thời phồn thịnh của Hindu giáo.
Minh Tâm – Quỳnh Trang
Related posts:
- Chế nhạc là hành vi vi phạm pháp luật
- Sôi nổi trại hè “Hoa phượng đỏ” Cao su Dầu Tiếng
- Cao su Bà Rịa trao 45 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh
- Giọng ca lắng đọng, đong đầy xúc cảm
- Tác phẩm “Thu hoạch trên vườn cây xen canh” của tác giả Bùi Việt Hưng đạt giải Nhất Cuộc ...
- Tranh dân gian treo Tết - Xưa và Nay
- Sá gì gian khổ
- Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc
- Cao su Bình Long: Nông trường Xa Trạch nhất toàn đoàn hoạt động thể thao năm 2023
- Nơi địa đầu Tổ quốc