CSVN Xuân – Đã trở thành thông lệ, vào những ngày cuối năm, mọi người ai ai cũng tất bật hơn, hối hả hơn, khiến lòng náo nức và nôn nao kỳ lạ. Dù bận, nhưng mẹ vẫn dành thời gian gói những đòn bánh tét thơm mùi nếp hương để bày mâm cỗ dâng lên ông bà tổ tiên.
Mẹ kỹ lưỡng chọn loại nếp dẻo và loại đậu đen thuộc diện ngon nhất đem đãi thật sạch rồi hong cho ráo, thêm vào ít muối để có độ đậm nhạt vừa phải. Các đòn bánh tét đã gói xong hệt như cánh tay bụ bẫm của những em bé con nhà giàu, mẹ nhẹ nhàng cho vào nồi đồng, đổ ngập nước bắc lên bếp lửa đỏ hồng trước hiên nhà mà ba vừa nhóm xong. Mẹ thường gói hai loại bánh tét đậu đen và bánh tét thịt hay còn gọi là bánh tét có nhân. Tôi thì thích loại bánh tét thứ nhất, vì mỗi khi ăn vào có cảm giác như được hít thở không khí hương đồng gió nội, và tất cả những nguyên liệu đó do mồ hôi công sức của ba mẹ gian nan vun bồi trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn.
Sau những ngày đoàn viên sum họp bên gia đình, anh em chúng tôi cũng sẽ phải xa mẹ để tiếp tục rong ruổi kiếm tìm cuộc hành trình trên con đường mưu sinh. Mẹ lặng lẽ đặt vào túi xách mỗi đứa đòn bánh tét mà nước mắt như chực lăn trên gò má xương xương, hốc hác, gọi là quà quê mẹ gửi bạn con phương xa.
Mỗi độ Xuân về, dù không còn xác pháo vương vãi nằm chỏng chơ trên mặt đất, nhưng trước mắt tôi là một bức tranh màu hồng đầy ý nghĩa. Dù đi đâu, làm gì, mùi vị bánh tét quê nhà vẫn cứ đậm trong ký ức, quyện lại thoang thoảng đâu đây.
Đặng Thị Thiên Thu
Related posts:
- Kỳ đại hội khó quên
- Phun thuốc
- Tự hào mùa thu độc lập
- Hát lên tình yêu nghề
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Nguồn vốn người Pháp trồng cao su
- Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson
- Những tiết mục công diễn Hội thi "Tiếng hát công nhân cao su" KV III
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Những bài thơ Bác Hồ viết năm Canh Dần - 1950
- Lợi ích của học bóng rổ đối với trẻ em