CSVN – Từ chủ trương chung quản lý suất đầu tư (SĐT) của ngành và thực tiễn của đơn vị, các công ty đã chủ động điều chỉnh, quản lý chặt SĐT để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và đảm bảo có lợi nhuận. Theo lãnh đạo VRG, sẽ quyết liệt quản lý SĐT hơn nữa trong năm 2016.
Nhiều công ty tiết giảm chi phí trên 30%
Cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì quản lý SĐT là chủ trương lớn, dài hơi và xuyên suốt trong năm 2015. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Trong tình hình khó khăn buộc mọi hoạt động phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế, đảm bảo hoạt động SXKD có lãi. Chủ trương giảm 30% SĐT nông nghiệp tuy khó nhưng các đơn vị đã năng động, sáng tạo thực hiện bằng nhiều giải pháp tích cực, thậm chí nhiều đơn vị làm rất tốt, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ”.
Trong suốt năm 2015, lãnh đạo, các ban chuyên môn VRG và Viện Nghiên cứu CSVN cũng đã đồng hành cùng các đơn vị để nhất quán triển khai thực hiện đúng chủ trương. Các đơn vị cũng nắm bắt thế mạnh của mình để điều chỉnh hợp lý bằng nhiều giải pháp tích cực.
Ngay từ đầu năm, Công ty CPCS Phước Hòa đã rà soát và cắt giảm các hạng mục không cần thiết. Công ty cũng là đơn vị có nhiều ứng dụng những tiến bộ KHKT trong sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, để ứng phó với biến động nhân công, công ty đã chuyển 55% diện tích khai thác từ D3 – D4, và trong thời gian sắp tới sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích sang chế độ cạo D4.
Các công ty khác ở miền Đông như Phú Riềng, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Bình Long, Tân Biên, Đồng Phú, Lộc Ninh… rất tích cực và quyết liệt trong tiết giảm SĐT, rà soát lại các chi phí, cắt giảm những gì không cần thiết, sử dụng cơ giới hóa tối đa nhằm giảm nhân công, giảm chi phí đầu tư.
Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng có tổng diện tích trồng mới, tái canh năm 2015 là hơn 1.202 ha và tổng diện tích chăm sóc KTCB từ năm 2008 đến năm 2014 là 5.539 ha. Sau khi thực hiện chủ trương tiết giảm suất đầu tư của Tập đoàn, từ suất đầu tư bình quân 1 ha theo định mức trên 103 triệu đồng, công ty giảm suất đầu tư bình quân 1 ha còn 71 triệu, tỷ lệ tiết giảm chi phí là 31,3%.
Để tiết giảm chi phí đầu tư, Phú Riềng sử dụng cơ giới hóa tối đa vào các phần công việc có thể thay thế để giảm chi phí nhân công, phân tích các hạng mục công việc không thực sự cần thiết, kết hợp trong các công đoạn để giảm chi phí. Đồng thời, xuống giống đúng thời vụ để giảm chi phí cây giống trồng dặm; tổ chức lại công tác quản lý để tiết giảm chi phí chung và chi phí dự phòng.
Qua đó, tổng chi phí nhân công giảm 36%, từ 258,5 công theo định mức của Tập đoàn xuống còn 165,5 công (giảm 93 công); giảm cây trồng dặm 50% (từ 10% xuống 5%, tương ứng với 28 cây), áp dụng cho mật độ 555 cây/ha; giảm đơn giá cây giống bình quân 1.000 đồng/cây so với đơn giá năm 2014; giảm vật tư phân bón, vườn cây năm thứ 7 và thứ 8 không bón phân…
[stextbox id=”stb_style_259398″]Để các đơn vị có mức căn cứ thực hiện, VRG đã ban hành SĐT bốn khu vực. Cụ thể, khu vực 1 tại Đông Nam bộ 70 triệu đồng/ha, khu vực 2 gồm các công ty khu vực Tây Nguyên, Công ty Hòa Bình, Bình Thuận, các đơn vị tại Campuchia, Nam Lào 80 triệu đồng/ha, khu vực 3 gồm Bắc Trung bộ, Trung Lào 90 triệu đồng/ha, khu vực 4 gồm miền núi phía Bắc, Bắc Lào 115 triệu đồng/ha.[/stextbox]Tại Cao su Dầu Tiếng, sau khi thực hiện các giải pháp: Giảm chi phí nhân công trên vườn cây, tận dụng tối đa biện pháp cơ giới hóa và hóa học hóa; tiết giảm hợp lý các chi phí vật tư trên vườn cây; giảm bớt các công đoạn không cần thiết trong công tác phục hoang, tái canh… Tổng hợp các giải pháp, công ty xây dựng suất đầu tư bình quân năm 2015 là khoảng 70 triệu đồng/ha, giảm 32% so với suất đầu tư năm 2014. “Năm 2015, công ty thực hiện chủ trương giảm định mức suất đầu tư được 30%, đúng với chủ trương mà Tập đoàn ban hành, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ cho biết.
Còn tại Cao su Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch CĐ công ty cho hay, sau khi điều chỉnh chi phí và thực hiện một số giải pháp, đã tiết giảm được trên 35% so với suất đầu tư xây dựng ban đầu. Công ty thực hiện giải pháp: Giảm chi phí nhân công trong cả chu kỳ KTCB, giảm được 90 công, tỷ lệ giảm 35,8%; giảm chi phí vật tư trong suất đầu tư được trên 7 triệu đồng/ha (tỷ lệ giảm 20%); giảm chi phí về máy móc trong suất đầu tư…
Thực hiện đồng bộ chủ trương dài hơi
Nếu như trước đây các đơn vị ở Tây Nguyên, Campuchia vẫn chưa triệt để thực hiện cơ giới hóa thì nay thực hiện chủ trương giảm 30% SĐT các đơn vị đã đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công, thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh trên vườn cây, hạn chế tình trạng để tràn lan trên vườn cây mới trị bệnh sẽ mất chi phí khá lớn.
Ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV CS Kon Tum cho biết: “Chủ trương giảm 30% SĐT của lãnh đạo VRG rất đúng đắn, vì căn cứ vào tình hình cụ thể để đầu tư, những năm gần đây ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn vì giá bán giảm sâu, để đảm bảo ổn định hoạt động SXKD và có lãi, chăm lo tốt đời sống NLĐ thì bắt buộc các đơn vị phải giảm SĐT. Công ty chúng tôi đã rà soát và thực hiện theo đúng chủ trương của VRG. Cắt giảm một số hạng mục như giảm chi phí nhân công, giảm trồng dặm, quét vôi chống nắng… Bên cạnh đó, khuyến khích công nhân trồng xen lúa, bắp để nâng cao thu nhập”.
Đối với khu vực miền Trung và Bắc Trung bộ còn nhiều khó khăn trong việc tiết giảm SĐT do đặc điểm địa hình, thời tiết. Tuy nhiên, các đơn vị cũng đã có nhiều nỗ lực để quản lý và tiết giảm SĐT theo chủ trương của VRG.
Ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban Kế hoạch đầu tư đánh giá: “Các công ty ở miền Đông Nam bộ thực hiện rất tốt về việc quản lý, tiết giảm SĐT, nhiều đơn vị sau khi rà soát đã giảm hơn 30%, ở khu vực Tây Nguyên cũng thực hiện đảm bảo theo chủ trương của VRG nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa. Khó khăn nhất trong việc tiết giảm đó là các đơn vị ở miền núi phía Bắc, theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG nếu như năm 2016 các đơn vị nào không thực hiện đúng theo chủ trương tiết giảm SĐT thì đơn vị đó sẽ ngừng trồng mới, chỉ tập trung vào chăm sóc vườn cây. Năm 2016 VRG sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc điều hành, chỉ đạo tiết giảm SĐT”.
Đẩy mạnh trồng xen, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Bên cạnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm suất đầu tư, các công ty còn nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng việc phát triển trồng xen canh cây ngắn và dài ngày, góp phần tăng thu nhập cho CNLĐ. Tại Cao su Hà Tĩnh, phát triển kinh tế gia đình đã trở thành truyền thống trong nhiều năm qua. Công ty thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá hồ; trồng cây ăn quả; cây keo, cây tràm…
Giai đoạn 2011 – 2014, từ nguồn vốn vay của VRG, công ty đã triển khai cho CNLĐ vay phát triển kinh tế hộ gia đình, mỗi suất 10 triệu đồng/hộ. Hiện nay, cũng từ nguồn vốn vay của VRG, công ty thành lập Ban Quản lý dự án chăn nuôi, triển khai cho người lao động vay phát triển kinh tế hộ gia đình với mức 20 triệu đồng/ hộ. Giai đoạn 2014 – 2019, có 3 mô hình tập thể và 90 mô hình hộ gia đình đang sử dụng nguồn vốn vay, bước đầu khẳng định hiệu quả tốt.
Tại Cao su Điện Biên, ông Hoàng Xuân Lợi – Chủ tịch CĐ công ty, cho biết một số mô hình như phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt rất phát triển, được nhiều CNLĐ thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Đức Khương – Trưởng phòng Thanh tra Bảo vệ công ty, với quy mô diện tích 2 ha đã quy hoạch trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm bước đầu tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Mô hình làm vườn cà phê của anh Trần Xuân Định – Đội trưởng Sản xuất, NT Tuần Giáo với diện tích 7 ha đã cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài ra, các đơn vị như Cao su Hòa Bình phát triển mô hình trồng xen cây hoa màu ngắn ngày như đậu, bắp với diện tích 250 ha, trồng xen keo lai hơn 265 ha và liên kết đầu tư trồng cây gió bầu gần 276 ha. Cao su Phước Hòa phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, trồng xen canh bắp, bí đỏ, đậu xanh, dưa hấu, mè, gấc…
Bình Nguyên – Lâm Khanh
Related posts:
- Cao su Lộc Ninh tuyên dương 49 công nhân về trước sản lượng sớm nhất
- Cơ chế đặc thù cổ phần hóa Công ty mẹ - VRG
- 325 thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên
- Đầu tư khu công nghiệp tiếp tục hiệu quả
- Những điểm nổi bật nhất Hội thi "Bàn tay vàng" lần thứ X
- Xem xét lại việc thu hồi đất ở Cao su Kon Tum
- Nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình phát triển bền vững
- Dorufoam tích cực ra mắt sản phẩm mới
- Cao su Chư Prông khen thưởng thợ giỏi và công bố hoàn thành sản lượng
- VRG sẽ thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19