Nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế gia đình

CSVN – Ngày 27/7, Ban Thường vụ CĐ Cao su VN triển khai Nghị quyết 6a/NQ-CĐCS về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNVC-LĐ. Sau 4 tháng triển khai, nhiều mô hình hay, cách làm mới lạ được thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Cán bộ CĐ Cao su Tân Biên kiểm tra trồng xen canh bí đỏ trên vườn cây KTCB của công ty.  Ảnh: CTV
Cán bộ CĐ Cao su Tân Biên kiểm tra trồng xen canh bí đỏ trên vườn cây KTCB của công ty.
Ảnh: CTV
Đa dạng mô hình phát triển kinh tế gia đình

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình trong CNLĐ nên triển khai thực hiện Nghị quyết 6a thuận lợi. Theo ông Nguyễn Hữu Tuất – Chủ tịch CĐ công ty, mô hình phát triển kinh tế gia đình của đơn vị là vườn–ao–chuồng. Từng hộ gia đình CBCNVC-LĐ chủ động quản lý, vừa chăn nuôi gia súc, vừa trồng các loại cây ngắn ngày như: rau sạch, đậu, bắp, mè, lúa, bobo…

Trong năm 2015, công ty đã trồng xen canh trên 1.169 ha, chiếm 97% diện tích tái canh. Trồng các loại cây như bobo chiếm trên 33%; mè (21%); đậu các loại (13%); bắp (12%); rau sạch và các loại cây khác (18%). Nguồn vốn thực hiện đầu tư chăn nuôi, trồng xen từ Quỹ phúc lợi, công ty cho công nhân vay không tính lãi và các nguồn khác như: vốn xoay vòng; quỹ trợ vốn; phong trào giúp nhau bằng cây con giống…

Tương tự Phú Riềng, tại Cao su Dầu Tiếng, mô hình phát triển kinh tế gia đình cũng được thực hiện trong CNLĐ nhiều năm qua. Tuy nhiên, để triển khai Nghị quyết 6a chặt chẽ và đạt hiệu quả cao hơn, lần này CĐ công ty đã tiến hành khảo sát mô hình làm kinh tế gia đình trong CNVC-LĐ.

Công nhân Cao su Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: Văn Vĩnh
Công nhân Cao su Mang Yang thu hoạch chanh dây. Ảnh: Văn Vĩnh

Bà Lý Thiện Nữ – Phó Chủ tịch CĐ công ty, cho biết qua khảo sát ở cơ sở, đến từng hộ gia đình CN và khảo sát được 711 hộ. Trong đó, có 273 hộ chăn nuôi, 387 hộ trồng trọt và 51 hộ kinh doanh buôn bán. Về quy mô, có 254 hộ quy mô nhỏ (dưới 10 triệu đồng), 457 hộ quy mô lớn (trên 20 triệu), thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/hộ/năm, nguồn vốn chủ yếu tự có và một số hộ vay ngân hàng.

Sau khi có kết quả khảo sát, CĐ công ty tổ chức Hội nghị chuyên đề đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong công nhân lao động. Tại Hội nghị đã chọn được 9 mô hình điển hình để nhân rộng trong toàn công ty. Đó là các mô hình nuôi: bồ câu Pháp (NT Phan Văn Tiến); bò sữa, heo giống và cao su giống (Long Tân); nuôi thỏ, cá sấu (Thanh An); bò sinh sản (An Lập); nuôi trâu (Trần Văn Lưu); chăn nuôi heo (Minh Tân).

Tăng thêm thu nhập 25 triệu đồng/năm

Tại Cao su Tân Biên, hiện nay một số diện tích trồng xen canh còn lại đang được thu hoạch và triển khai trồng xen vụ 2, còn phần lớn cây hoa màu ở vụ 1 đã thu hoạch xong. Ông Đỗ Thành Nghiệp – Chủ tịch CĐ công ty, cho hay diện tích trồng xen canh năm nay là 235 ha. Trong đó, trồng đậu xanh 99 ha; bắp cao sản 63 ha; mè 38 ha; lúa 22 ha và các loại cây khác như đậu phộng, bí đỏ, kim tiền thảo, khoai môn… “Hiệu quả lợi nhuận bình quân 5 triệu đồng/ha/vụ”, ông Nghiệp cho biết.

Còn tại Cao su Quảng Nam, đang phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trồng xen canh cây gừng và cây nghệ được 2,5 ha, thu nhập bình quân 25 triệu đồng/năm đối với nhiều hộ gia đình CNLĐ tham gia trồng. Đặc biệt, công ty phát triển mô hình trồng cây dược liệu như: cà gai leo 2 ha, sâm ba kích 0,5 ha, chăn nuôi gia súc, trồng keo… Tại NT Đức Phú, bình quân mỗi hộ gia đình CN trồng từ 1 đến 2 ha cây keo cho thu nhập rất đáng kể, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Phát triển trồng xen canh không những tăng thêm thu nhập cho người lao động mà còn góp phần đáng kể giảm suất đầu tư cho công ty. Theo tính toán, tại Cao su Tân Biên, nhờ giảm công chăm sóc bằng cách cho CNLĐ trồng xen canh cây ngắn ngày, suất đầu tư cho cả chu kỳ trồng và chăm sóc cao su còn lại khoảng 68 triệu đồng/ha.

Bình Nguyên