CSVN – Đối với công nhân cao su khu vực miền Đông Nam bộ, trồng tiêu nâng cao thu nhập trong thời điểm khó khăn như hiện nay là việc bình thường. Nhưng với vùng đất khó miền Trung như Quảng Trị, cây tiêu phát triển được, mang lại thu nhập cao là một cứu cánh cho người công nhân nơi đây.
Mạnh dạn đầu tư trên vùng đất đỏ bazan
Giữa cái nắng oi bức, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Lan Anh, là công nhân chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản của NT Cồn Tiên, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Đập vào mắt chúng tôi là bạt ngàn vườn tiêu rộng lớn với một màu xanh trùng điệp hàng nối hàng dài tít tắp trông thật đẹp mắt. Được biết, gia đình chị Lan Anh có gần 1.000 gốc tiêu đang cho thu hoạch, nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, vườn tiêu của 2 vợ chồng chị đang phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao.
Năm 1997 sau khi lập gia đình, anh chị ra ở riêng, được bố mẹ nhượng cho mảnh đất khoảng gần 10.000 m2 đất để xây nhà và làm vườn. Trên vùng đất đỏ bazan, anh chị quyết định trồng tiêu. Anh Tình, chồng chị Lan Anh tâm sự: Ngày đó trên vùng đất này cũng chẳng biết trồng cây gì để có hiệu quả, sau đó nhờ một số người quen hướng dẫn về cách trồng tiêu, anh chị đã mạnh dạn đầu tư ít vốn để mua choái tiêu về trồng. Để tiết kiệm được vốn đầu tư, ban đầu choái tiêu mà anh chọn chủ yếu là cây lồng mức (mớc – theo tiếng địa phương) và cây núc nác mọc hoang dại ở ven đồi.
Về kỹ thuật trồng, anh chị chia sẻ, tiêu là giống cây thích ẩm, canh tác trên tầng đất dày và tơi xốp, phì nhiêu nhưng không chịu được úng, do vậy công tác đào rãnh để thoát nước cũng rất quan trọng. Đặc biệt nếu không biết cách phòng trừ thường dễ hay bị bệnh về mùa mưa, do vậy người trồng tiêu cũng cần am hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật trồng. Lúc đầu thì tìm hiểu cách trồng tiêu và phòng trừ sâu bệnh qua sách, báo, về sau có kinh nghiệm nên mọi việc cũng đơn giản rất nhiều.
Các khâu công đoạn chọn giống, ươm bầu cũng được thực hiện một cách khoa học và tỉ mỉ. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ vườn tiêu ban đầu của gia đình khoảng 100 gốc, anh đầu tư thêm vốn để trồng choái tiêu rồi ươm giống nhân lên thành một vườn tiêu đồ sộ như ngày hôm nay.
Chấp nhận được mùa mất giá để tranh thủ thời cơ
Trao đổi với chúng tôi, chị Lan Anh chia sẻ: Phát triển kinh tế bằng cách trồng tiêu cũng vất vả và lắm gian truân, được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa. Có nhiều năm vừa mất mùa lại vừa mất giá, 2 vợ chồng chỉ biết ngậm ngùi và mong chờ vào năm sau. Tuy vậy, nhờ 2 vợ chồng cùng đồng lòng đồng sức nên có động lực để vượt qua tất cả.
Mấy năm gần đây, tiêu được giá nên vợ chồng anh chị mạnh dạn tiếp tục đầu tư trồng mới và củng cố lại vườn tiêu của gia đình, đầu tư thêm phân chuồng, phân vô cơ để bón và thuốc phòng trừ bệnh cho vườn tiêu, chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Vụ tiêu 2015 vừa rồi, vườn tiêu của gia đình anh chị thu hoạch được 1 tấn tiêu khô, trừ chi phí đầu tư vợ chồng anh chị lãi ròng khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn tiến hành trồng xen cây nghệ giữa vườn tiêu, mỗi năm thu nhập từ cây nghệ khoảng từ 20 – 30 triệu đồng.
Trong tình hình khó khăn chung của ngành cao su như hiện nay, thu nhập của người lao động giảm mạnh. Việc công nhân phát triển kinh tế hộ gia đình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Bên cạnh việc nâng cao đời sống thì đây còn là động lực giúp người lao động có cuộc sống ổn định để gắn bó lâu dài với công việc công nhân cao su của mình.
Thiết nghĩ việc làm này cần được phát huy, tuyên truyền và nhân rộng, bởi chỉ có cải thiện được đời sống thì người lao động mới có cuộc sống ổn định – đó là nền tảng giúp họ gắn bó lâu dài với vườn cây, đồng lòng đồng sức cùng công ty vượt qua mọi khó khăn và thử thách.
Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Sỹ
Related posts:
- NT Bãi Lau (Cao su Sa Thầy): Hà Văn Duyên đoạt Bàn tay vàng
- Thành lập Hội Cựu chiến binh Cao su Lộc Ninh
- Đại sứ quán Việt Nam luôn sát cánh cùng các công ty cao su
- Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ cho các đơn vị thành viên
- VRG và Báo Thanh niên tuyên dương 10 gương sáng biên cương
- Cao su Lộc Ninh tặng quà cho 15 đồn biên phòng
- Điều chỉnh cơ cấu cổ phần Công ty mẹ - VRG
- Cao su Phước Hòa trả cổ tức 23%/mệnh giá
- Ông Đặng Công Thoại giữ chức Chủ tịch HĐQT Cao su Sa Thầy
- Cao su Dầu Tiếng có nông trường đầu tiên về trước kế hoạch 43 ngày