CSVNO – Ngày 11/12, tại TP.HCM, Cục chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), Cục Hóa chất (Bộ Công thương) kết hợp với Hiệp hội Cao su VN (VRA) và VRG tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ cao su thiên nhiên.
>> Cần bộ tiêu chuẩn quốc gia để quản lý chất lượng cao su
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (NLTS&NM) nhấn mạnh: “Cao su là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi sản xuất hầu hết các ngành nông nghiệp của VN còn nhỏ, manh mún thì ngành sản xuất, chế biến cao su thực sự là sản xuất nông sản hàng hóa và ngày càng khẳng định vị trí của ngành trên thị trường cao su thế giới.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cao su, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ cao su thiên nhiên cần được chú trọng hơn nữa. Ngành cao su cần phải xem xét, xây dựng chiến lược dài hạn, giảm xuất khẩu thô, tập trung cắt giảm giá thành, đa dạng hóa xen canh trên vườn cây. Đồng thời, tiếp cận phân khúc thị trường có giá trị cao, đón đầu cơ hội khi VN gia nhập tổ chức TPP…”
Hội nghị tập trung vào các báo cáo xoay quanh các vấn đề chính: Thực trạng sản xuất chế biến, tiêu thụ cao su thiên nhiên. Định hướng và giải pháp đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ; Đánh giá thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm cao su và định hướng phát triển sản xuất sản phẩm cao su VN đến năm 2025 và tầm nhìn 2035; Kết quả hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cao su thiên nhiên của VRG và định hướng đến năm 2030; Giới thiệu Quy chế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu ngành.
Tại Hội nghị, tiến sỹ Trần Thị Thúy Hóa – Chánh Văn phòng VRA, khẳng định thương hiệu Ngành Cao su VN là giải pháp để góp phần nâng cao uy tín của ngành cao su VN, tăng cường năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc ngành theo hướng đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, cuối năm 2014, VRA đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber” tại Cục Sở hữu trí tuệ với Logo và Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
“Sau khi nhận được văn bằng bảo hộ tại VN về quyền sở hữu Nhãn hiệu, VRA đã nghiên cứu đăng ký quốc tế phù hợp với tình hình thực tiễn và tiềm năng xuất khẩu cao su của VN. Hiệp hội đã xây dựng lộ trình và hiện đang tiến hành đăng ký quốc tế để bảo hộ quyền sở hữu Nhãn hiệu tại các quốc gia thuộc các thị trường mục tiêu của VN”, tiến sỹ Hoa cho biết.
Theo tiến sỹ Lưu Hoàng Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trên quan điểm phát triển sản xuất các sản phẩm cao su trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tăng cường và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, phát huy những lợi thế và tiềm năm phát triển.
“Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su giai đoạn 2015 – 2020 đạt 14 – 15%; giai đoạn 2021 – 2025 đạt 15% và 12% trong giai đoạn 2026 – 2035. Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su có nhu cầu sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất”, ông Ngọc đề xuất.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị giữa cơ quản quản lý Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp, Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe cho rằng những báo cáo trình bày từ các đại biểu với chủ đề thiết thực và mang lại cái nhìn khái quát về thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ cao su thiên nhiên và đánh giá tình hình phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp. Từ đó, tìm ra những giải pháp đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ và xây dựng định hướng phát triển cho Ngành Cao su VN trong những năm sắp tới.
VN là quốc gia có tốc độ tăng năng suất đứng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên sản lượng cao su thiên nhiên sơ chế cung cấp cho chế biến sản phẩm công nghiệp cao su trong nước tăng trưởng chậm. Trong khoảng thời gian 2009 – 2014, tiêu thụ cao su trong nước chiếm khoảng trên 17% sản lượng khai thác trong nước. Nguyên nhân dẫn đến tình hình này là do quy mô sản xuất trong nước chưa cao, chất lượng cao su thiên nhiên không phù hợp và chất lượng không ổn định. Đây là vấn đề được các nhà sản xuất và nhà tiêu thụ cao su quan tâm hàng đầu.
Theo đánh giá của lãnh đạo các Bộ, ngành và các chuyên gia, cao su VN có chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền nhà máy hiện đại, quản lý chặt chẽ đầu vào nguyên liệu để đảm bảo sản xuất ra lượng cao su đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, chất lượng cao su VN vẫn chưa ổn định, có nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su tiểu điền vẫn chưa thực tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cao su VN cần có sự đồng bộ trong việc thực hiện các giải pháp về quy hoạch, thuế, thị trường, đầu tư, phát triển chế biến sản phẩm cao su sơ chế, quản lý chất lượng – xây dựng thương hiệu để nâng tầm thương hiệu Cao su Việt Nam.
Bài, ảnh: Quỳnh Mai – Anh Quân
Related posts:
- Tổ chức kỷ niệm 10 năm phát triển cao su miền núi phía Bắc tại tỉnh Sơn La
- Công tác nông nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực
- VRG chỉ hoàn trả tiền cọc hợp đồng chuyển nhượng với Thủy điện Đắk R’Tih
- Bắc Đồng Phú tiếp tục mở rộng diện tích 2 khu công nghiệp
- Cao su Ea H'Leo: Khó chuyển chế độ cạo do lao động một lòng bám trụ
- Cao su Bình Long phấn đấu khai thác vượt 16.500 tấn mủ
- Chia sẻ khó khăn của VRG
- Cổ phiếu cao su thiên nhiên ghi nhận đà tăng tích cực
- Hướng đến thương hiệu bền vững: Cần sự nỗ lực của các đơn vị
- Cao su Chư Păh trao thưởng 444 học sinh
Tôi cho rằng , xây dựng và phát triển thương hiệu Cao su Việt Nam là việc làm cần thiết và cấp thiết. Sản lượng cao, chất lượng tốt mà chưa có thương hiệu Quốc gia, nhãn hàng và logo riêng gây thiệt thòi cho người trồng cao su do giá bán không cao bằng các nước khác.
Hoan nghênh việc làm của Hiệp hội Cao su VN dù muộn còn hơn không