CSVN – Ít ai biết, ngoài sự hào nhoáng với thể hình đẹp, điệu nhảy sôi động trên sân khấu mờ ảo thì thù lao bình quân của các vũ công chỉ khoảng 80 – 100.000 đồng/bài/người, trong khi phải luyện tập 4-5 giờ mỗi ngày, chưa kể tự đầu tư trang phục, phấn son…
Đến với nghệ thuật không hề dễ
Múa minh họa hiện là nghề được giới trẻ yêu thích. Đó cũng là nhu cầu có thực sau khi các bạn trẻ đã học qua các khóa múa dân gian, múa hiện đại, hip-hop, breakdance…tại các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Thực tế lại cho thấy còn có một bộ phận không nhỏ các “vũ công” thừa nhận họ không hề kinh qua lớp đào tạo bài bản nào cả mà chỉ cần học lấy vài ba vũ điệu căn bản làm nòng cốt rồi bước lên sân khấu ngay.
Hiện thời, để từng bước tạo nên tên tuổi, các nhóm múa đều phải “tự thân vận động”, tự đầu tư trang phục, tập luyện biểu diễn, kỹ thuật dàn dựng, xây dựng vũ đạo, kịch bản và tự đi “móc show”. Cạnh đó, quan điểm chung của các nhóm múa là phải xuất hiện nhiều trong các show của các đài truyền hình, các tụ điểm ca nhạc, quán bar, nhà hàng, hội nghị khách hàng của các doanh nghiệp… để kiếm sống, cũng như khẳng định đẳng cấp riêng của mình. Song khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều nhóm mới, việc nhà tổ chức chương trình ép giá cũng thường xảy ra.
Chính điều này đã tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các nhóm. Đa số các nhóm múa, vũ đoàn phải tìm mọi cách có show để có kinh phí, tạo được mức sống tương đối cho thành viên, để tồn tại cũng như giữ người. Chưa hết, việc tập luyện rất vất vả nhưng thu nhập thấp là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều thành viên các vũ đoàn, nhóm nhảy.
Anh Lê Việt (vũ đoàn Phương Việt) cho biết: “Tuổi nghề của các diễn viên múa thường ngắn. Có những bạn xuất thân từ trường múa chính quy phải bỏ công sức, tiền bạc đầu tư cho việc học tập đến 4-5 năm. Tới khi ra trường, các bạn gắn bó với nghề múa minh họa, dù thu nhập không cao nhưng phải cố theo để có nơi rèn luyện, được biểu diễn và có tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ thế, các nhóm múa dân gian, múa ba-lê thường khó sống hơn các nhóm múa hiện đại”.
Tương tự, nói về lĩnh vực nghệ thuật, việc dàn dựng các tiết mục múa độc lập thì dễ nhưng khi dàn dựng theo bài hát của từng ca sĩ rất khó. Minh chứng là có không ít nhóm múa thường bị “phô” vì dàn dựng bài múa không phù hợp, thậm chí là chẳng dính líu với nội dung ca khúc.
Có nhóm múa lại muốn tạo dấu ấn với khán giả bằng cách bắt chước rập khuôn hình ảnh các nhóm múa nước ngoài, ăn mặc quá “thiếu vải”, biểu diễn các động tác kỳ quái, phô diễn những kiểu nhảy “sốc”, dung tục gây nên sự phản cảm từ phía khán giả. Điều đó cho thấy nghề múa minh họa không hề dễ mà nó đòi hỏi tầm nhìn và sự sáng tạo lớn từ phía người dàn dựng, biên đạo và các diễn viên…
Mức cát-sê chưa tương xứng
Mặc dù nhọc nhằn là vậy, nhưng một số “dân trong nghề” cho biết, mức cát-sê cho các “vũ công” cũng thường chưa mấy tương xứng. Ví dụ, nếu biểu diễn ở các phòng trà, quán bar, tụ điểm sân khấu cá nhạc…thù lao bình quân chỉ khoảng 80-100.000 đồng/bài/người. Hôm nào các nhóm nhận show diễn cho các chương trình lớn, mức cát-sê có nhích lên chút ít, khoảng 120.000 đồng/bài. Cũng có những vũ đoàn, nhóm nhảy trả thù lao theo “lương tháng”, bình quân khoảng 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Thụy My, một “vũ công” có thâm niên 6 năm của nhóm múa Sài Gòn nói: “Mỗi ngày các vũ công cùng tập luyện kỹ thuật nâng cao, ôn bài diễn từ 9 giờ đến 13 giờ. Nếu chuẩn bị đi trình diễn ở các chương trình ca nhạc lớn thì mang theo cơm hộp ăn tại chỗ để tập thêm đến 15 giờ. Còn bình thường, các nhóm múa tập trung diễn vào các ngày cuối tuần, chạy một lèo qua nhiều sân khấu ca nhạc theo yêu cầu của nhà tổ chức hoặc ca sĩ. Vào những ngày cao điểm, nhất là dịp lễ, Tết chúng tôi cũng buộc phải chạy show không kém ca sĩ với khoảng 5-6 show/đêm!”
Nguyễn Sinh
Related posts:
- Sức lan tỏa và hiệu ứng Cuộc thi “Cao su Đất và Người”
- Làng hoa...dĩ vãng
- Biến đất hoang thành vườn hoa
- Có một “Pleiku xưa” trong lòng thành phố
- Doanh nghiệp ứng phó với sự cố truyền thông
- 16 đơn vị tham gia Hội diễn khu vực II
- Đồ bảo hộ lao động nên được cấp đúng số!
- “Cồng chiêng cuối tuần” - nét đẹp văn hóa ở phố núi Pleiku
- Nông trường Cẩm Mỹ giải nhất Tiếng hát CNVCLĐ Cao su Đồng Nai
- Người “giữ lửa" cho dệt thổ cẩm Glar