Sẽ bổ sung, điều chỉnh Thỏa ước lao động tập thể ngành

CSVN – BTV CĐ Cao su VN cho biết sẽ phối hợp với Ban TGĐ VRG rà soát, xem xét bổ sung, chỉnh đổi một số điều khoản trong Thỏa ước lao động tập thể ngành (TƯLĐTTN) cho phù hợp với tình hình hiện nay, khi bản TƯLĐTTN sẽ được thương lượng và ký kết lại vào đầu năm 2016.
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận và Chủ tịch CĐ Cao su VN Phan Mạnh Hùng ký kết TƯLĐTTN tại Hội nghị đại biểu NLĐ VRG năm 2014. Ảnh: Tùng Châu
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận và Chủ tịch CĐ Cao su VN Phan Mạnh Hùng ký kết TƯLĐTTN tại Hội nghị đại biểu NLĐ VRG năm 2014. Ảnh: Tùng Châu
Vì sao phải điều chỉnh?

Có thể nói, việc bổ sung, chỉnh đổi một số điều khoản trong TƯLĐTTN là hết sức cần thiết. Điều này xuất phát từ thực tiễn ngành cao su trong hai năm qua có nhiều thay đổi và diễn biến mới. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là giá bán mủ liên tục giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp (DN) và việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ).

Thực trạng này đã ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của DN, tổ chức CĐ và NLĐ. Thực hiện chỉ đạo của VRG, các DN cao su đã đẩy mạnh rà soát siết giá thành; tiết giảm suất đầu tư, cắt giảm các chi phí khác. Dù quán triệt phương châm: “tiền lương là yếu tố cắt giảm sau cùng và ít nhất”, nhưng với cơ chế trả lương theo doanh thu, thì việc giá bán cao su giảm sâu đã khiến thu nhập của NLĐ giảm theo. Thêm vào đó, một số đơn vị cũng đã cắt giảm một số chế độ dành cho NLĐ, như tiền ăn giữa ca, bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại…

Mặc dù chính quyền và tổ chức CĐ đã nỗ lực quan tâm, hỗ trợ, nhưng do thu nhập giảm và sự cạnh tranh, sức hút lao động từ các khu công nghiệp, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay đã có trên 6.500 CNLĐ nghỉ việc hoặc xin nghỉ hưu trước tuổi. Tình trạng này khiến DN phải chi hàng trăm tỉ đồng để giải quyết trợ cấp thôi việc và dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động tay nghề cao.

Ổn định đời sống NLĐ, nâng cao uy tín tổ chức CĐ

Thực hiện TƯLĐTTN, với vai trò, nhiệm vụ của mình, thời gian qua CĐ Cao su VN đã tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại các bản TƯLĐTT của các đơn vị tham gia thỏa ước. CĐ các đơn vị thường xuyên phối hợp cùng chuyên môn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, trả lương-thưởng, giao khoán vườn cây, khoán sản lượng và các chế độ dành cho NLĐ.

Ảnh: Hoàng Công Hùng
Ảnh: Hoàng Công Hùng

CĐ Cao su VN tham gia cùng Ban lãnh đạo VRG góp ý điều chỉnh kế hoạch SXKD, phương án trả lương, xây dựng thang bảng lương mới, giám sát xây dựng định mức lao động. Cùng với đó, cụ thể hóa chế độ chính sách cho NLĐ như: việc làm, tiền lương-thưởng, nâng lương, BHXH, BHYT, BHLĐ… Bên cạnh tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, CĐ Cao su VN cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho NLĐ.

CĐ phối hợp cùng chuyên môn tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của NLĐ liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ…

Đánh giá về việc thực hiện TƯLĐTTN, ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch CĐ Cao su VN, khẳng định: “Sau hơn 1 năm ký kết và thực hiện, TƯLĐTTN đã phát huy tác dụng, bảo đảm thu nhập cho hơn 100.000 CN trồng và khai thác, chế biến mủ cao su. Việc ký kết TƯLĐTTN không chỉ giúp ổn định đời sống NLĐ mà còn nâng cao uy tín của tổ chức CĐ”.

Điều chỉnh, bổ sung nội dung gì?

Nói về việc xem xét, bổ sung, điều chỉnh TƯLĐTTN khi ký kết lại, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ Cao su VN, cho biết CĐ ngành sẽ cố gắng thương lượng nhằm duy trì những nội dung có lợi cho NLĐ, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh tái cấu trúc và cổ phần hóa các DN. Theo đó, những nội dung về tiền lương, hình thức trả lương, mức hỗ trợ đối với CN đến tuổi nghỉ hưu vẫn được duy trì trong thỏa ước. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất nâng hỗ trợ từ 1 tháng lên 3 tháng lương và các chế độ thăm hỏi, tặng quà Tết đối với CN đến tuổi nghỉ hưu nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài.

Ngoài những nội dung đã có, khi xây dựng TƯLĐTT mới, CĐ Cao su VN sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới phù hợp hơn với tình hình thực tế. “Sắp tới, CĐ ngành cũng sẽ phối hợp với các ban chuyên môn của VRG xây dựng TƯLĐTT ngành đối với các đơn vị ngoài khu vực trực tiếp sản xuất cao su – nơi tập trung khoảng 30.000 lao động. Chắc chắn mục tiêu chúng tôi hướng đến là bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho NLĐ” – ông Hùng cho biết thêm.

C.Đ