Nên có phương án bảo vệ sức khỏe lâu dài

CSVN – Do đặc thù công việc, công nhân cao su dễ mắc các bệnh lý liên quan đến dị ứng da, hô hấp, cột sống, mắt… Khám sức khỏe định kỳ để có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe bản thân là phương án bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Công nhân cao su thường xuyên bưng bê thùng mủ nên dễ bị bệnh về cột sống Ảnh: Tùng Châu
Công nhân cao su thường xuyên bưng bê thùng mủ nên dễ bị bệnh về cột sống Ảnh: Tùng Châu

Với công nhân lao động (CNLĐ) tại các CTCS Nhà nước, hàng năm được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc, nên có thể phòng ngừa sớm các loại bệnh có thể gây ra. Riêng với những người làm việc cho các đơn vị tư nhân hay người cạo thuê cho các chủ vườn cao su tiểu điền thì khác hẳn.

Những NLĐ tự do này, vì nhận thức còn hạn chế hoặc do chủ quan về các tác hại của môi trường làm việc, cũng như chưa được người sử dụng lao động chú ý quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ sức khỏe lao động, trong quá trình làm việc ít chú ý đến trang bị bảo hộ lao động, nên dễ mắc các loại bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trường hợp chị Trần Ngọc Quế – 52 tuổi, ngụ xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một ví dụ.

Chị Quế cho biết: “Hai vợ chồng tôi chuyên đi cạo mủ thuê cho các vườn cao su tư nhân gần chục năm qua. Hiện nay, tôi cảm thấy xương cột sống của mình thường xuyên xuất hiện những cơn đau nhức khi đi ngủ. Tôi không có điều kiện và thời gian đến các bệnh viện lớn để kiểm tra mà chỉ có thể đến mấy tiệm thuốc Nam ở chợ huyện mua thuốc thang về nấu uống. Nếu bác sĩ có bảo tôi phải mổ cột sống tôi cũng không dám mổ, vì mổ thì sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm sức khỏe để tiếp tục cạo mủ”.

Chị Quế bị ảnh hưởng đến cột sống cũng dễ hiểu vì một thời gian dài chị phải gánh những thùng mủ khá nặng, di chuyển trên chặng đường xa, việc tổn thương đến cột sống là điều tất yếu.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Những loại bệnh lý mà người làm cao su hay mắc phải như dị ứng da, do mủ cao su, hay do nhiễm phải hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh hô hấp, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, các bệnh về mắt, đau vai gáy, chóng mặt, rối loạn cột sống thắt lưng, suy van tĩnh mạch cẳng chân, đau nhức khớp háng, khớp gối….[/stextbox]

Tiếp xúc với nhiều CNLĐ làm nghề cao su, chúng tôi biết không ít người gặp các vấn đề về sức khỏe. Không riêng gì những người làm việc tại các vườn cao su tư nhân, ngay cả những người làm cho công ty Nhà nước, được thăm khám sức khỏe định kỳ nhưng vẫn gặp phải những bệnh về nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Vân – 59 tuổi, ngụ xã Xuân Lộc (huyện Long Khánh, Đồng Nai) cho biết: “Trong thời gian làm việc tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai do yêu cầu công việc nên tôi phải cố gắng làm cho đạt theo các yêu cầu. Lúc ấy chưa nhận ra dấu hiệu bệnh tật nào. Đến nay, khi đã sắp làm thủ tục nghỉ hưu rồi tôi mới thấy. So với những người bạn cùng tuổi không làm nghề cao su thì mắt tôi kém hơn họ rất nhiều. Tôi cũng bị chứng viêm xoang nên buộc phải dùng thuốc thường xuyên”.

Theo quan điểm chung, bệnh nghề nghiệp là những loại bệnh phát sinh do các tác hại của điều kiện lao động, sản xuất, tác động xấu đến sức khỏe NLĐ. Thường, mọi người hiểu rằng bệnh nghề nghiệp mang tính chất đặc trưng của một nghề nào đó do yếu tố độc hại trong nghề tác động thường xuyên vào thể trạng, sức khỏe NLĐ. Sau đó, gây ra những rối loạn bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính.

Cụ thể, môi trường lao động trong ngành cao su không phải nơi nào cũng thuận lợi. Đối với người làm công việc cạo mủ, trong quá trình làm việc luôn phải dậy sớm, khi cạo mủ phải nhờ vào ánh sáng đèn điện, mắt phải tập trung cao độ nên khoảng từ 40 tuổi trở đi, sức khỏe bắt đầu giảm sút rõ rệt, nhất là thị lực.

Tóm lại, với đặc thù của ngành nghề cao su, nếu NLĐ không quan tâm, chú ý đến các tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của môi trường lao động thì sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe của họ. Người làm nghề cao su, nhất là những người cạo mủ tự do, làm việc cho khối cao su tư nhân, cao su tiểu điền cần chú trọng hơn đến sức khỏe. Bằng việc thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ từ 1 đến 2 lần/năm để có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe bản thân, nhằm có phương án bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Nguyễn Sinh