CSVN – 18.204 ha đất rừng tạp thuộc địa phận 3 tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp và Preh Vihear, Vương quốc Campuchia chỉ trong vòng 5 năm đã được biến thành một vùng cao su bát ngát, xanh rì. Một kỳ tích mà không phải ai cũng nghĩ đến được.
Vậy mà với những con người, bàn tay lao động và lòng nhiệt huyết của CBCNV Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom, đã biến điều không thể thành có thể. 5 năm, mỗi năm là một mảng cao su vươn lên thẳng tắp là minh chứng cho điều này. Năm 2010 khởi đầu với 2.028 ha, năm 2011 là 3.501 ha, năm 2012 tăng lên 3.814 ha, năm 2013 nhiều nhất với 4.539 ha và năm 2014 kết thúc dự án với 2.385 ha. Tổng cộng 16.268,68 ha cao su bạt ngàn là thành quả đáng tự hào, là niềm khâm phục khi nhắc đến Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom.
Công ty đã được VRG đánh giá là điểm sáng về tốc độ khai hoang trồng mới. Hay còn được gọi là dự án được triển khai nhanh nhất từ trước đến nay của Tập đoàn. Diện tích mỗi năm công ty trồng còn tương đương với cả một dự án của đơn vị bạn. Nhiều người chỉ mới nghe còn không tin được điều này. Chỉ khi đến nơi, tận mắt chứng kiến từng lô, từng hàng cao su đều tăm tắp xa tít chân trời mới thật sự ngưỡng mộ. Ngay cả chính những người tận tay trồng, khi kết thúc dự án nhìn lại còn không tin với những gì mình làm được.
Thành quả nào cũng là kết tinh của những giọt mồ hôi đổ xuống. 5 năm đã qua là những thước phim ghi lại bao khó khăn vất vả của những ngày đầu khai hoang trồng mới. Năm 2008, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê bắt đầu thành lập đoàn khảo sát sang nước bạn tìm vùng đất thích hợp thổ nhưỡng để trồng cao su. Ban đầu đoàn xuất phát từ tỉnh Kratie, rồi sang Modokiri, đến tận Ratanakiri và cuối cùng mới dừng chân tại vùng đất Kampong Thom này. Đất lành, chim đậu. Năm 2010, công ty đã ký kết hợp đồng tô nhượng với Chính phủ Campuchia với tổng dự án 18.204 ha đất để trồng cao su. Theo quy định của Chính phủ nước bạn, một dự án chỉ quy mô tối đa 10.000 ha, với diện tích này, công ty phải chia thành 2 dự án để quản lý.
Với thuận lợi là toàn bộ vùng đất liền vùng liền khoảnh, công ty bắt tay ngay vào công tác khai hoang trồng mới. Đoàn cán bộ khảo sát cơm đùm tay nắm vạch rừng cắm mốc, phân lô để xe ủi khai hoang tiến vào. Không thể kể xiết bao khó khăn vất vả những ngày đầu. Các cán bộ trẻ xa nhà, xa quê hương, thiếu thốn đủ bề. Anh em phải lập lán trại ngủ ngay trong rừng với điều kiện sinh hoạt không có, đối diện với muỗi, vắt, sốt rét rừng. Vậy mà, với lòng nhiệt huyết, quyết tâm gầy dựng màu xanh cao su trên vùng đất mới, họ đã không quản ngại gian lao đối diện với thử thách.
Thành quả hôm nay còn là kết tinh của trí tuệ, từ công tác điều hành khoa học của những người quản lý.
Để trồng trên một diện tích lớn như vậy đòi hỏi việc bố trí, chuẩn bị thật kỹ càng, chu đáo, đồng bộ. Toàn bộ công tác trồng mới được lên kịch bản thực hiện như một bộ phim với đầy đủ các khâu. Tổng đạo diễn là Ban chỉ đạo trồng mới được thành lập với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Tiếp đó là các bộ phận như tổ khai hoang, tổ giống, tổ lao động…Các khâu phải có kế hoạch thật chi tiết, phối hợp nhịp nhàng với khâu khác để đảm bảo đúng tiến độ. Trong kịch bản đều ghi rõ từng lô nào, giống nào, ngày giờ giao nhận giống, người phụ trách, đảm bảo không xảy ra sai sót.
Vào mùa trồng mới, tất cả cán bộ văn phòng công ty đều được huy động 100% xuống dự án, bám rừng, bám lô kiểm tra giám sát. Mỗi buổi chiều kết thúc ngày trồng mới, tất cả đều phải tập trung họp, đánh giá lại công việc đã thực hiện, kịp thời điều chỉnh nếu thiếu sót.
Những ngày này, cả một vùng dự án giống như một đại công trường với hàng trăm lao động tất bật, hăng say trồng mới. Có ngày cao điểm trồng đến 200 ha. Trong công tác trồng mới, lao động là yếu tố quan trọng nhất. Để chuẩn bị, công ty đã huy động lao động là người dân Campuchia từ nhiều nguồn, không những địa phương lân cận mà từ các nơi khác, thông qua những đấu mối, hay còn gọi là mê -ka.
Nhờ vậy lực lượng lao động luôn ổn định, sẵn sàng và là nhân tố quan trọng góp phần nên kết quả hôm nay. Đối với các công ty khác, khó khăn do thiếu nguồn lao động ảnh hưởng đến trồng mới thường xuyên diễn ra. Nhưng với Công ty Chư Sê Kampong Thom, nhờ sự nhạy bén trong thu tuyển lao động trực tiếp nên đã khắc phục được khó khăn này.
Một điểm khác thể hiện sự sáng tạo trong cách làm của công ty là linh hoạt trong cách trồng. Thay vì trồng xong mới tủ bồn như các đơn vị khác, công ty tiến hành làm bồn trước, lấp đất phẳng sau đó mới tiến hành trồng. Phương pháp này vừa giúp vườn cây đồng đều, đạt chất lượng cao vừa tận dụng được nguồn lao động tranh thủ làm bồn trong lúc ngưng trồng do thời tiết không thuận lợi.
Trong công tác trồng mới, chất lượng vườn cây là yếu tố sống còn.Theo đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật Tập đoàn, chất lượng vườn cây công ty thuộc diện đồng đều nhất với 93% vườn cây đạt loại A. Mặc dù trồng trên đất xám nhưng mật độ vườn cây bình quân đạt đến 99,87%. Với chất lượng vườn cây này, công ty hoàn toàn có khả năng đưa vào khai thác sau 6 năm trồng, vượt 1 năm so với quy trình Tập đoàn ban hành.
Sắp tới, khi vườn cây được đưa vào khai thác, công ty sẽ xây dựng khu dân cư trung tâm với diện tích 400 ha, nhằm tạo cho người lao động có chỗ ở ổn định. Đây là chiến lược lâu dài để thu hút cũng như giữ chân người lao động. Ngoài khu dân cư sẽ là trạm xá, trường học, chùa, điện, nước cùng với các chế độ đãi ngộ như phương tiện sinh hoạt, các hoạt động văn hóa theo phong tục của người Campuchia để công nhân gắn bó với vườn cây, gắn bó với công việc…
Không chỉ thế, công ty còn xây dựng hoàn chỉnh 8 cụm nông trường, ổn định nơi làm việc, ăn, ở, sinh hoạt cho CBCNV nông trường. Hiện công ty đã xây dựng hoàn thành khu phụ trợ trụ sở công ty khang trang sạch đẹp với dãy nhà vừa ở vừa làm việc cho cán bộ chuyên môn người Việt.
Hiện công ty có 164 CBCNV người Việt sang làm việc tại đây, hầu hết là cán bộ trẻ, xông pha nơi vùng đất mới để gầy dựng màu xanh cao su trên nước bạn. Dự kiến khi vườn cây được khai thác, công ty sẽ xây dựng trụ sở làm việc hoàn chỉnh, xứng với quy mô, tầm vóc dự án. Lãnh đạo Tập đoàn từng đánh giá đây là dự án điểm, là mô hình mà từ trước đến nay chưa có một đơn vị nào
làm được.
Trước đây, vùng đất của dự án chỉ là rừng rậm hoang vu, không một bóng người. Từ khi dự án công ty được triển khai, các vùng dân cư lân cận tại các đầu dự án cũng được hình thành. Nhà cửa người dân xây dựng san sát mặt đường dẫn vào dự án, do công ty xây dựng. Những khu chợ, khu dân cư tấp nập mọc lên vừa góp phần phát triển đời sống người dân vừa là nguồn lao động dồi dào cho công ty. Đến nay dự án của công ty được triển khai thuận lợi cũng nhờ chính quyền địa phương tỉnh Kampong Thom quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty phát triển, để đời sống người dân phát triển.
Sau 5 năm, toàn bộ diện tích vườn cây cao su trên 16.000 ha đã được định hình, vươn lên xanh tốt như khẳng định công sức của bao năm tháng vất vả của lớp CBCNV Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom cũng như hàng nghìn lao động người Campuchia, đã được đền đáp. Nhìn lại 5 năm qua, như một cái nháy mắt, như có một phép màu hô biến toàn bộ vùng đất rừng rậm hoang vu trở thành rừng cao su xa tít tầm mắt, không thấy bóng chân trời.
Tổng cộng 700 km đường lô, liên lô. Bán kính của dự án từ 5-6km. Đi một ngày bằng ô tô không giáp hết toàn bộ dự án. Đó là những gì mà công ty đã làm được. Phép màu của thành công này chính là con người, là công sức lẫn trí tuệ cùng lòng nhiệt huyết, say mê với khát vọng tạo dựng màu xanh cao su vươn lên, cho đời sống người dân nơi đây phát triển.
Có thể nói đây là một trong những dự án có tốc độ trồng mới nhanh nhất, kỷ lục nhất từ trước đến nay; tốc độ sinh trưởng tốt, theo đúng quy trình kỹ thuật. Tôi mong rằng, những năm tới đây, CBCNV công ty tiếp tục quản lý tốt các hạng mục đầu tư của dự án để khẳng định dự án của Chư Sê – Kampong Thom là một trong những dự án có hiệu quả toàn diện nhất tại Campuchia
TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận
Chỉ mới 5 năm, quãng thời gian ngắn ngủi nhưng công ty đã lập nên một kỳ tích. Tuy nhiên đây chỉ là bước khởi đầu cho một chu kỳ của cây cao su. Hiện công ty vẫn đang nỗ lực tập trung công tác chăm sóc vườn cây KTCB, nâng niu thành quả của mình, chờ ngày khơi những giọt mủ đầu tiên.
Và thời điểm ấy không còn xa. Chỉ 2 năm nữa thôi, năm 2017 công ty sẽ đưa diện tích 2.000 ha cao su đầu tiên vào khai thác. Nếu giá mủ thuận lợi sẽ mở miệng cạo lên đến 5.000 ha bởi diện tích trồng năm 2011 đã đủ tiêu chuẩn đưa vào khai thác. Hiện tại công ty đang chuẩn bị quy hoạch mặt bằng để xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Nhà máy có tổng công suất 35.000 tấn/năm, nếu hoạt động hết công suất sẽ lên đến 45.000 tấn/năm, sẽ là nhà máy có công suất lớn nhất ngành.
Theo dự kiến, công ty sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất mủ tờ, sau đó là mủ cốm, đảm bảo chế biến hết sản lượng cả một vùng dự án trên 16.000 ha cao su.Với nền tảng một diện tích cao su rộng lớn, trù phú hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc, giúp đổi đời cho bao người dân Campuchia xung quanh vùng dự án. Đây sẽ là một kỳ tích thứ hai của Cao su Chư Sê Kampong Thom. Kỳ tích đó đang đến gần…
Bài, ảnh: Nguyên Khánh – Nguyễn Cường
Related posts:
- Cao su Tân Biên: Đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 35 năm
- Tỉnh trưởng Tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia tặng quà công nhân cao su
- Niềm tin vào vùng đất mới
- Cao su Mang Yang tổ chức tham vấn cộng đồng về quản lý rừng bền vững
- Cao su Phú Riềng: Đổi mới phương pháp giao kế hoạch sản lượng đem lại hiệu quả
- 40 năm cây cao su thay đổi những bản làng
- Bình Phước: Lập vòng tuyến bảo vệ bằng được những người khơi thông dòng "vàng trắng"
- Các công ty cao su Duyên hải miền Trung ổn định sản xuất, chăm lo cho người lao động
- Nông trường An Lộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
- Cao su Bình Long tuyên dương, khen thưởng 184 học sinh giỏi tiêu biểu