Chính sách thuế “gây khó” ngành cao su

CSVN – Ngoài khó khăn do thị trường, doanh nghiệp ngành cao su còn gặp nhiều vướng mắc do chính sách và cơ chế, đặc biệt là về thuế.
Cẩm Dù vườn cây KTCB chưa cho  sản phẩm, nhưng DN cũng phải nộp thuế đất. Ảnh: Tùng Châu
Dù vườn cây KTCB chưa cho sản phẩm, nhưng DN cũng phải nộp thuế đất. Ảnh: Tùng Châu
Thuế GTGT phải được miễn cho mủ cao su sơ chế

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành cao su đang gặp vướng mắc về việc kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại đối với mặt hàng mủ cao su thiên nhiên sơ chế. Từ đầu năm 2014, Hiệp hội Cao su VN (VRA) đã kiến nghị có chính sách cho DN ngành cao su không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh, thương mại như những nông sản sơ chế khác, nhằm tăng tính cạnh tranh cho ngành cao su VN. Trong khi ngành cao su đã gặp nhiều khó khăn do giá giảm mạnh và thị trường tiêu thụ chậm thì chính sách thuế giá trị gia tăng vẫn còn gây khó khăn, làm DN hạn chế mở rộng kinh doanh và xuất khẩu.

Khi Nhà nước áp dụng thuế xuất khẩu cao su từ 0% lên 3% một số mặt hàng cao su thiên nhiên (gồm cao su ly tâm, crếp và cao su hỗn hợp) vào cuối năm 2011, giá cao su bắt đầu giảm mạnh, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN, làm giảm tính đa dạng mặt hàng do mủ latex bị áp thuế 3% nên DN ngưng sản xuất vì bị lỗ. Ngoài ra, còn tạo sự bất bình đẳng giữa các DN trong và ngoài khu chế xuất do mức thuế suất khác nhau của mặt hàng cao su hỗn hợp: trong khu chế xuất thì được hưởng 0% và ngoài khu chế xuất thì lại là 3%.

Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, Trưởng Ban XNK VRG, cho biết: “Từ những bất cập đó, VRA đã đại diện DN, kiên trì phản ánh, đồng thời vận động và nhận được sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, kiến nghị Bộ Tài chính đưa thuế xuất khẩu cao su về trở lại mức thuế 0% như trước. Kể từ đầu tháng 10/2014, cao su đã trở về mức thuế 0% theo như kiến nghị. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một điểm chưa thông thoáng về thuế giá trị gia tăng, đó là

Mặt hàng cao su sơ chế vẫn phải tính và chịu thuế suất GTGT 5%
Mặt hàng cao su sơ chế vẫn phải tính và chịu thuế suất GTGT 5%. Ảnh: Vũ Phong

, chưa được áp dụng như những mặt hàng nông sản khác là không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết: “Chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT áp dụng từ năm 2014 cho các nông, thủy sản chỉ mới qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm khác đã tạo nhiều thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản. Nhưng chính sách này chưa được áp dụng đối với mủ cao su sơ chế. Lý do là mủ cao su sơ chế lại không được xếp vào mặt hàng nông sản chỉ mới qua sơ chế, mà lại được xếp vào mặt hàng nhựa thông theo quy định của Bộ Công Thương, nên phải chịu thuế 5%. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh những bất cập trong các quy định. Mủ cao su sơ chế phải được điều chỉnh vào mặt hàng nông sản, chứ không phải nhóm hàng nhựa thông”.

Thuế đất cho vườn cao su kiến thiết cơ bản là không hợp lý

Theo ông Võ Hoàng An, việc xây dựng các sắc thuế trước đây như thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế đất trong thời điểm cao su giá cao lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, hiện giá cao su đang bán ở mức gần sát với giá thành, trong khi đó, thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay một số tỉnh công bố cao hơn nhiều so với trước, khiến giá thành mỗi tấn cao su tăng lên, trong lúc xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn.

Khi DN cao su đang tìm cách chống chọi trước tình hình khó khăn của thị trường thế giới, thì từ ngày 1/7/2014 đến nay, phát sinh thêm một gánh nặng làm tăng chi phí, giá thành do thay đổi về chính sách: Theo quy định mới tại khoản 2, Điều 19, Nghị định 46/2014/NĐ-CP, thời gian xây dựng cơ bản của vườn cao su tái canh không được miễn tiền thuê đất; trong khi đó, trước ngày 1/7/2014, vườn cao su trồng mới và tái canh đều được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (Nghị định 142/2005/NĐ-CP, Thông tư 141/2007/TT-BTC).

Từ năm 2015 trở đi, ngành cao su hạn chế trồng mới, chủ yếu là thực hiện tái canh diện tích cao su đã hết chu kỳ khai thác, khoảng 20.000 đến 30.000 ha/năm, trong đó phải đầu tư nguồn vốn cho phục hoang, trồng lại, chăm sóc từ 6 đến 8 năm. Trong thời gian này, vườn cao su tái canh chưa có sản phẩm nên chưa có doanh thu, lợi nhuận, do vậy, gây khó khăn cho việc nộp tiền thuê đất trồng cao su, mặt khác làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành và khiến người trồng có xu hướng chuyển đổi sang cây trồng khác. Vì vậy, việc miễn tiền thuê đất vườn cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản là cần thiết.

Ngọc Cẩm