Sông có khúc, người có lúc

Ảnh: Hoàng  Công Hùng
Ảnh: Hoàng Công Hùng

Trời đã khuya lắc, khuya lơ, những hàng cà phê xen kẽ với những hàng cây cao su đứng im lìm, lặng lẽ giữa màn đêm đen bao phủ.
Cà phê cựa mình, chạm nhẹ vào Cao su:
– Anh không ngủ khiến em cũng không thể nào chợp mắt được. Sao anh cứ buồn mãi vậy?
– Không buồn sao được, khi anh chỉ là kẻ bất tài, vô dụng.
Cà phê ngạc nhiên:
– Sao lại bất tài, khi anh vẫn tạo ra những dòng nhựa trắng ngần. Anh vô dụng sao được, khi sản phẩm của anh đang phục vụ lợi ích cho biết bao người.
Cao su lắc đầu:
– Trước kia thì vậy, còn bây giờ sản phẩm của anh xuống giá liên tục, anh chỉ là kẻ đáng vứt đi.
– Kìa anh, sao lại nói gì kì vậy?
Cà phê cúi đầu nghẹn ngào nói tiếp:
– Cách đây mấy năm, sản phẩm của dòng họ em cũng rớt giá liên tục đấy thôi. Em cũng rất đau khổ, xót xa khi phải nhường chỗ ở cho bác Điều, cô Tiêu, có lúc cả dòng họ nhà em tưởng chừng bị diệt chủng!
Cao su xoa nhẹ lên đầu Cà phê như xoa dịu nỗi đau cho Cà phê khi nghĩ về quá khứ. Cà phê ngước mặt lên âu yếm nhìn Cao su:
– Chính lúc đó anh đã đón em về sống bên cạnh, anh đã an ủi, động viên em, anh cứ nói hoài câu: “Sông có khúc, người có lúc”.
Cà phê mỉm cười nói tiếp:
– Quãng đời buồn tủi của dòng họ em cũng qua rồi, nhường chỗ cho sự sướng vui và kiêu hãnh. Cuộc đời của dòng họ anh chắc chắn mai mốt cũng thế. “Sông có khúc,
người có lúc” mà anh.
Cao su xúc động, ngân ngấn nước mắt nhìn Cà phê:
– Cám ơn em đã cho anh liều thuốc bổ tinh thần rất lớn.
Cao su khẽ nghiêng mình, nhường những giọt sương xuống cho Cà phê. Cà phê ngước mặt sung sướng hứng những giọt nước Cao su cho. Nó tuy ít ỏi nhưng chan chứa biết bao tình thương của anh Cao su từng nhường nhịn và sẻ chia. Rồi cả hai đều ngước mặt hướng về phía Đông, nơi đang bừng ánh bình minh, báo hiệu một ngày nắng đẹp sắp đến.

Nguyễn Thị Minh Hiền
(Trường THCS Xuân Lập, Long Khánh – Đồng Nai)