Hướng đến nền sản xuất cao su bền vững và hiệu quả

CSVN – Hội nghị IRRDB năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước sản xuất cao su đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ những tác động giá do giá cao su giảm sâu. Xung quanh nội dung Hội nghị, Tạp chí Cao su VN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Kim Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN (RRIV), đơn vị phối hợp tổ chức hội nghị năm 2015.
Đây là lần thứ 3 RRIV phối hợp IRRDB tổ chức hội nghị. Trong ảnh: Phó Viện trưởng Viện NCCS VN Đỗ Kim Thành (bên trái) và Tổng Thư ký IRRDB tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ ngành cao su năm 2014. Ảnh: Tùng Châu
 Phó Viện trưởng Viện NCCS VN Đỗ Kim Thành (bên trái) và Tổng Thư ký IRRDB tiến sĩ Abdul Aziz S.A Kadir tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ ngành cao su năm 2014. Ảnh: Tùng Châu

>> Ngày 2 – 6/11 diễn ra Hội nghị Cao su Quốc tế IRRDB 2015

Thưa ông, chủ đề của Hội nghị năm nay là gì, trong bối cảnh giá cao su giảm mạnh, hội nghị có bàn đến những giải pháp ứng phó ?

 Ông Đỗ Kim Thành: Chủ đề của Hội nghị Cao su Quốc tế IRRDB năm 2015 là “Năng suất và chất lượng hướng đến một nền sản xuất cao su thiên nhiên bền vững và hiệu quả”. Vài năm gần đây, giá cao su liên tục giảm, đã tác động nhiều đến các nước sản xuất cao su thiên nhiên trên thế giới. Tuy giá giảm, nhưng vẫn tính đến hướng phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên. Vấn đề phát triển bền vững là xu hướng chung toàn thế giới đều quan tâm và trên tất cả các lĩnh vực.

Trong bối cảnh giá cao su tụt giảm quá thấp, nguy cơ sản xuất cao su không có lợi nhuận, nhưng vẫn cố gắng sản xuất với giá thành thấp nhất để có lợi nhuận. Muốn giá thành thấp phải đẩy được năng suất, sản lượng tăng lên. Việt Nam hiện đang đứng thứ nhì thế giới về năng suất, sau Ấn Độ, còn sản lượng đứng thứ ba sau Thái Lan và Indonesia. Tiềm năng nâng cao năng suất và sản lượng của Việt Nam và các nước vẫn còn. Hội nghị có bàn thảo về việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đối phó tình trạng giá mủ thấp. Riêng đối với Việt Nam, hiện đã áp dụng một số giải pháp kỹ thuật như thay đổi chế độ cạo, tăng cường cơ giới hóa, tăng cường trồng xen canh…

Hội nghị diễn ra trong tình hình khó khăn mà hầu hết các nước sản xuất cao su thiên nhiên đang phải đối mặt với những tác động của giá cao su thấp. Tất cả các nước sản xuất cao su hiện đang tìm kiếm các giải pháp để đạt được lợi nhuận. Năng suất và chất lượng sản phẩm là một trong những phương pháp tiếp cận để thúc đẩy một ngành cao su bền vững và mang lại hiệu quả cho người sản xuất.

 Thưa ông, có bao nhiêu báo cáo khoa học được trình bày tại hội nghị, để Hội nghị Cao su Quốc tế diễn ra thành công tốt đẹp, IRRDB và RRIV đã phối hợp tổ chức như thế nào?

 Ông Đỗ Kim Thành: Hội nghị sẽ có gần một trăm bài báo khoa học, trình bày bởi các diễn giả đến từ Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Nigeria, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, Côte d’Ivoire, Thái Lan và Việt Nam. Những báo cáo khoa học bao gồm tất cả các lĩnh vực nghiên cứu cao su như: Nông học; công nghệ sinh học; giống cây trồng; bảo vệ cây trồng; công nghệ môi trường; kinh tế-xã hội, chế biến cao su và công nghệ cao su….

Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế –  IRRDB, đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để tổ chức Hội nghị thường niên năm 2015. Là đơn vị đăng cai, RRIV thấy vinh dự và xác định đây là dịp để khẳng định vị thế của ngành cao su Việt Nam. RRIV sẽ giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật hiện hành trong nước để khách quốc tế biết, xem đây là môi trường tốt để trao đổi thông tin với nhau về khoa học, kỹ thuật, đồng thời cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất, rất có lợi cho người làm công tác nghiên cứu cao su.

Cách đây vài tháng, chúng tôi đã thành lập Ban Tổ chức Hội nghị, với nhiều tiểu ban giúp việc như: Tiểu ban tài liệu; tiểu ban lễ tân; hậu cầu; tham quan… Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp.

Phan Thắng (thực hiện)