Đại biểu QH Trần Ngọc Thuận: “Cần hỗ trợ nông dân khi VN tham gia TPP”

CSVNO – Đó là ý kiến của Đại biểu Trần Ngọc Thuận – Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Phước, TGĐ VRG tại phiên thảo luận ở tổ của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Ông Trần Ngọc Thuận (thứ hai, phải qua) và đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Phước chụp hình cùng UV Bộ Chính trị, Đại tướng Trần Đại Quang-Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Trần Ngọc Thuận (thứ hai, phải qua) và đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Phước chụp hình cùng UV Bộ Chính trị, Đại tướng Trần Đại Quang-Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn so với dự báo, thiên tai dịch bệnh gây nhiều thiệt hại nhưng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2015 nước ta vẫn có 13/14 chỉ tiêu đạt, chỉ còn một chỉ tiêu về độ che phủ rừng là chưa đạt. Tăng trưởng kinh GDP năm 2015 ước đạt 6,5% cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch 6,2%. Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nhiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty đạt kết quả khả. Tình hình quốc phòng – an ninh ngày càng được tăng cường cao. Đời sống xã hội ngày càng được đảm bảo…

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, vẫn tồn tại một số vấn đề: mặc dù giá xăng dầu giảm nhiều lần nhưng giá cước vận tải ở một số địa phương giảm chưa phù hợp; giá cả một số mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao; giá điện bán lẻ áp dụng cho người dân sử dụng trong sinh hoạt chưa hợp lý; trên thị trường còn tồn tại tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc bày bán nhiều; tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều địa phương…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đại biểu Trần Ngọc Thuận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thị trường và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cần phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là các công ty có chiến lược về an ninh – quốc phòng; chấn chỉnh các địa phương trong thực hiện việc giao đất trái pháp luật của các công ty nông, lâm nghiệp, đồng thời tăng cường nguồn lực tiếp tục đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với tài sản của các công ty nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần phải hỗ trợ người nông dân trong đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp sau khi VN tham gia ký kết thành công Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

T.S