Trồng xen canh gừng gây quỹ hoạt động Đoàn

CSVN – Với 1.500 bao gừng trồng xen trên vườn cao su, đến cuối mùa thu hoạch khoảng 1.300 kg, dự kiến doanh thu hơn 40 triệu đồng, đây là một trong những mô hình tiêu biểu gây quỹ hoạt động ĐTN Cao su Dầu Tiếng.
 ĐVTN NT Đoàn Văn Tiến  đang chăm sóc cây gừng  trong vườn cao su KTCB
ĐVTN NT Đoàn Văn Tiến đang chăm sóc cây gừng trong vườn cao su KTCB

Trao đổi với chúng tôi, chị Hà Thị Kim Duyên – Bí thư ĐTN Cao su Dầu Tiếng, cho biết Đoàn công ty đang thực hiện rất tốt mô hình hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế phụ, phát triển kinh tế gia đình. Hiện mô hình đã và đang được nhân rộng trong toàn Đoàn công ty. Hàng năm, hỗ trợ cho hơn 140 lượt ĐVTN vay vốn đầu tư sản xuất phát triển thêm kinh tế gia đình.

Bên cạnh tổ chức các hoạt động phong trào, hỗ trợ vốn vay nhằm đoàn kết tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, ĐTN công ty đang định hướng triển khai cho các cá nhân là ĐVTN và tổ chức Đoàn trực thuộc, tham gia thực hiện các mô hình hay, mới lạ và hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng sáng kiến tiết kiệm trong đầu tư, sản xuất; thực hiện các công trình thanh niên nhằm tăng thêm thu nhập cho ĐV và gây quỹ hoạt động Đoàn tại đơn vị.

Tiêu biểu trong phong trào này có ĐTN NT Đoàn Văn Tiến và NT Trần Văn Lưu với mô hình trồng cây gừng xen canh dưới tán lá vườn cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Chị Trần Thị Ngọc Yến và anh Huỳnh Minh Mẫn – Bí thư Đoàn cơ sở của hai đơn vị trên, cho biết hiện tại các bạn đã trồng được 1.500 bao gừng với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu đồng.

Hiện số gừng này đang phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Dự kiến đến thời điểm thu hoạch sẽ cho khoảng 1.300 kg gừng thương phẩm, với giá gừng thương lái thu mua tại vườn như hiện nay dao động khoảng 30.000 đồng/kg, các bạn dự kiến thu khoảng 39 triệu đồng, trừ đi chi phí ban đầu còn lời khoảng 24 triệu đồng, để bổ sung vào kinh phí hoạt động Đoàn tại đơn vị.

Theo nhận xét của chị Yến và anh Mẫn, thuận lợi trong việc trồng xen canh gừng trong vườn cây cao su của tổ chức Đoàn tại đơn vị, đó là các bạn có lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có thể tập trung số lượng lớn để cùng tham gia trồng và chăm sóc cho kịp thời vụ. Ngoài ra, việc có diện tích đất dồi dào để trồng xen canh tại đơn vị cũng là lợi thế. Bên cạnh đó, mô hình mới của ĐTN nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt của ban lãnh đạo công ty, trong việc phát triển kinh tế phụ tăng thêm thu nhập cho tổ chức Đoàn.

Chị Hà Thị Kim Duyên đánh giá qua mô hình trên có thể thấy rằng việc tận dụng diện tích đất trống trong vườn cao su để trồng xen canh tăng thêm thu nhập là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả ổn định và lâu dài, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là việc làm hết sức quan trọng và có tính chất quyết định. Phải giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định thì mới nhân rộng được mô hình này trong toàn thể ĐVTN và tổ chức Đoàn cơ sở trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thanh Sơn