Nỗ lực vượt khó, đảm bảo SXKD có lợi nhuận

CSVN – TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã có lời động viên và biểu dương các công ty đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất kinh doanh có lãi, chăm lo tốt đời sống CNLĐ trong 9 tháng đầu năm 2015, tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Bà Rịa, Bình Thuận và Hòa Bình, ngày 1/10.
Công nhân chế biến Công ty CPCS Hòa Bình. Ảnh: Phan Thắng
Công nhân chế biến Công ty CPCS Hòa Bình. Ảnh: Phan Thắng
Giá bán thấp nhưng vẫn có lãi

Là những công ty có quy mô diện tích nhỏ so với các “đàn anh” trong khu vực Đông Nam bộ, lại gặp nhiều bất lợi về điều kiện đất đai thổ nhưỡng, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh nhiều, làm cho CTCS Bà Rịa và Hòa Bình khó càng thêm khó.

Ông Nguyễn Trọng Cảnh – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa cho biết, năm nay mùa khô kéo dài đến cuối tháng 5, sang giữa tháng 6 mới có mưa đều nên công tác tái canh, mở cạo và bón phân đợt 1 bị chậm trễ so với kế hoạch. Ngoài ra, vườn cây kinh doanh, bị bệnh phấn trắng vào đầu mùa khô, bệnh corynespora, bệnh nấm hồng phát sinh nhiều; giá bán cao su ở mức thấp; tình trạng công nhân xin nghỉ việc nhiều… đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của công ty. Ước sản lượng thu hoạch 9 tháng đầu năm 2015, Bà Rịa mới đạt 51,8% kế hoạch (KH), khai thác được 3.471 tấn mủ, thấp hơn 57 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Còn ông Võ Bảo – TGĐ Công ty CPCS Hòa Bình, cho hay cũng vì điều kiện thời tiết bất thường, đến cuối tháng 6 công ty mới khai thác, trễ hơn năm trước. Đến cuối tháng 9, Hòa Bình đã khai thác được 641 tấn, đạt 53,4% KH năm. Đối với CTCS Bình Thuận, ngoài khó khăn về thời tiết, còn có hơn 303 ha vườn cây khai thác bị suy kiệt, năng suất thấp, đang cạo tận thu, đã phần nào ảnh hưởng đến thực hiện KH sản lượng. Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn, công ty đã khai thác sản lượng 4.115 tấn/6.859 tấn KH, đạt trên 60% KH giao.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng 3 công ty trên đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Đó là, đảm bảo được công tác chế biến, tiêu thụ, cố gắng hạ giá thành sản phẩm, giảm suất đầu tư, duy trì hoạt động SXKD có lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cho biết, 9 tháng qua, đã chế biến 7.963 tấn, đạt trên 64% KH; thu mua 3.848 tấn, đạt 70%; tiêu thụ 6.775 tấn/12.350 tấn; tổng doanh thu 218 tỷ đồng; lợi nhuận trên 13 tỷ đồng. Giá bán bình quân 32,1 triệu đồng/tấn, giá thành bình quân 29,7 triệu đồng/tấn, lợi nhuận hơn 2,3 triệu đồng/ tấn cao su. Trong đó, giá thành cao su khai thác cố gắng kéo giảm còn 27,2 triệu đồng/tấn.

Vườn cây khai thác Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa. Ảnh: Vũ Phong
Vườn cây khai thác Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa. Ảnh: Vũ Phong

Còn Công ty CPCS Hòa Bình cũng đạt kết quả khả quan, đã tiêu thụ được trên 1.610 tấn, trong đó sản lượng khai thác 465 tấn và cao su thu mua 1.145 tấn; tổng doanh thu hơn 98 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 38 tỷ đồng; bình quân cao su khai thác, giá bán và giá thành lần lượt là 30,5 triệu đồng/tấn và 28,5 triệu/tấn, lợi nhuận trên mỗi tấn cao su là 2 triệu đồng. Đối với Cao su Bà Rịa, 9 tháng qua, chế biến được 7.100 tấn; tiêu thụ 4.705 tấn, đạt gần 62% KH; giá bán bình quân 33,3 triệu đồng/tấn. Công ty đạt tổng doanh thu trên 199 tỷ đồng (trong đó doanh thu cao su trên 156 tỷ đồng), đạt hơn 66% KH; ước lợi nhuận 21 tỷ đồng; nộp ngân sách 19 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy thế mạnh thương hiệu

Tại buổi làm việc, ban lãnh đạo VRG đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các công ty trong việc tổ chức hoạt động SXKD có hiệu quả, tiếp tục chăm lo đời sống CNLĐ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. TGĐ Trần Ngọc Thuận chỉ đạo, 3 công ty cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa để thực hiện hoàn thành và vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác, tích cực tổ chức thu mua cao su tiểu điền để tăng doanh thu, tạo việc làm và thu nhập cho CN. Đặc biệt, cả 3 công ty đều có thế mạnh về thương hiệu, sản phẩm cao su chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng. Những sản phẩm như RSS, CV 50, 60… được hỏi mua nhiều, cần tăng cường sản xuất những chủng loại này, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, bán được giá tốt nhất.

TGĐ nhấn mạnh, trong tình hình giá bán mủ còn thấp, không vì vậy mà lơ là chất lượng, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, đó cũng là cách khẳng định uy tín, thương hiệu với khách hàng. “Đây là thời điểm chúng ta phải “thắt lưng buộc bụng”, những gì đầu tư trực tiếp cho sản xuất thì tiếp tục, còn những thứ chưa cần thiết thì phải cắt giảm và tạm dừng. Đặc biệt, hết sức lưu ý công tác quản lý, nhất là quản lý suất đầu tư”, TGĐ chỉ đạo.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty CPCS Hòa Bình đề nghị được thành lập Phòng Quản lý chất lượng và nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ lò sấy nhà máy chế biến. Riêng công ty Bình Thuận, công tác chế biến hiện nay đã vượt công suất đến hơn 60%, đề nghị công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng dây chuyền chế biến tại Nhà máy Suối Kè.

Thu mua mủ tiểu điền tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Ảnh: N.K
Thu mua mủ tiểu điền tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Ảnh: N.K

Theo ông Nguyễn Văn Thái – Phó Ban Công nghiệp VRG, hiện nay một số nhà máy chế biến của Tập đoàn đã áp dụng công nghệ lò sấy lắp ghép Panel trong chế biến mủ tờ, giúp tiết giảm đến 50% chi phí chất đốt, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV Võ Sỹ Lực lưu ý các công ty vấn đề sản xuất sạch, tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong chế biến, áp dụng công nghệ biomass sẽ tiết kiệm từ 25 – 30% chi phí nhiên liệu.

Đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật, công tác tái canh trồng mới của các công ty đạt chất lượng tốt, sử dụng cây giống có tầng lá, tỷ lệ cây sống cao. Trong mùa tái canh năm nay, một số công ty đã chủ động trồng xen canh để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư vào vườn cây. Hòa Bình đã hoàn tất công tác tái canh trồng mới 591 ha, đạt 100%, trong đó trồng xen cây keo lai trên 242 ha và trồng độc canh hơn 22 ha, hợp đồng liên kết trồng xen cây dó bầu 276 ha. Đến ngày 10/7, Cao su Bà Rịa cũng đã hoàn thành tái canh 242 ha cao su. Trên một số diện tích, công ty cho CNLĐ xen canh một số loại cây hoa màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập, đồng thời giúp giảm suất đầu tư vào vườn cây trong thời kỳ KTCB.

Thực hiện cổ phần hóa (CPH), đến nay Công ty Bà Rịa đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và đang tiếp tục soạn thảo phương án CPH để chuyển thành công ty cổ phần vào đầu năm 2016. Thực hiện đề án tái cơ cấu, công ty đã thoái vốn tại một số đơn vị, số tiền thu về cao hơn giá trị ghi sổ sách trên 5,4 tỷ đồng. Công ty CPCS Hòa Bình cũng đã thoái vốn hàng chục tỷ đồng tại một số công ty.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống CNLĐ được các đơn vị thực hiện đầy đủ và kịp thời, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, thu hút đông đảo người lao động tham gia. 9 tháng đầu năm 2015, tiền lương bình quân CTCS Bà Rịa gần 4 triệu đồng/người/tháng (tương đương cùng kỳ năm trước); Cao su Bình Thuận trên 3,3 triệu đồng, ước cả năm trên 4,7 triệu đồng.

Bài, ảnh: Bình Nguyên