8 công ty Tây Nguyên: Nhạy bén, linh hoạt trong điều hành

CSVN – Các đơn vị đã tích cực tiết giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng được thị trường tiêu thụ, nhạy bén đưa ra nhiều giải pháp ứng phó trong tình hình giá thấp. Đó là nhận xét của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tại buổi làm việc với 8 đơn vị khu vực Tây Nguyên về tình hình hoạt động SXKD 9 tháng đầu năm 2015.
 Dù công tác khai thác bất lợi, nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm của Chư Prông khá tốt. Ảnh: Vũ Phong
Dù công tác khai thác bất lợi, nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm của Chư Prông khá tốt. Ảnh: Vũ Phong
Vượt sản lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ

Mặc dù thời tiết năm nay phức tạp, hạn hán và nắng nóng đầu vụ kéo dài, các công ty đều mở miệng cạo trễ từ 39 – 51 ngày, nhưng sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm của các đơn vị Tây Nguyên vẫn thực hiện tốt theo kế hoạch (KH). Tính đến 30/9, Công ty Ea Hleo khai thác được 3.470 tấn (đạt 65,47% KH, so với cùng kỳ năm 2014 cao hơn 111 tấn), Công ty Kon Tum khai thác được 9.272 tấn (đạt 65,28% KH), Công ty Chư Sê khai thác được 3.310 tấn (đạt 57,07% KH), Công ty Chư Păh khai thác được 4.492 tấn (đạt 56% KH), Công ty Mang Yang khai thác được 2.400 tấn (đạt 65,75% KH), Công ty Krông Buk khai thác được 1.540 tấn (đạt 55% KH), Công ty Sa Thầy khai thác được 110 tấn (đạt 70% KH). Lãnh đạo 7 đơn vị trên cho biết, sản lượng cuối năm sẽ đạt và vượt từ 3 – 5%.

Riêng Công ty Chư Prông, ông Phan Sỹ Bình – TGĐ, cho biết: “Sản lượng Tập đoàn giao công ty là 7.800 tấn, thực hiện đến 30/9 là 3.461 tấn (đạt 44,36% KH), giảm 7,91% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, vườn cây khai thác nhiễm bệnh nứt vỏ do nấm Botryo chiếm tỷ lệ cao. Khó khăn đó bắt buộc công ty phải ra sức phấn đấu sản lượng, vừa phải điều chỉnh lại giá thành khai thác, chế biến và tiêu thụ cao su năm 2015”.

Ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, nhận xét: “Từ đầu năm đến nay, sản lượng cao su khai thác toàn khu vực Tây Nguyên đạt 58,25% KH năm. Kế hoạch Tập đoàn giao năm 2015 là 48.300 tấn, dự tính đến hết năm nay, toàn vùng vượt khoảng 3 – 5%”.

Mặc dù tình hình tiêu thụ khó khăn, giá cao su ở mức  thấp (chỉ bằng 75,7% so với cùng kỳ năm 2014), nhưng các CTCS khu vực Tây Nguyên đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Công ty Kon Tum đã tiêu thụ 8.495 tấn (đạt 98,2% KH), giá bán bình quân 29,75 triệu đồng/tấn, doanh thu 280,2 tỷ (lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ). Chư Păh đã tiêu thụ 3.446 tấn (KH năm là 8.000 tấn), giá bán bình quân là 32,2 triệu đồng/tấn, giá thành 28.86 triệu đồng/tấn, doanh thu 111 tỷ đồng. Chư Sê đã tiêu thụ 3.424 tấn (đạt 52,67% KH), giá bán bình quân 31,452 triệu đồng/tấn, giá thành 30.86 triệu đồng/tấn, doanh thu 107,7 tỷ đồng…

Đi đầu về trồng xen canh
Cao su trồng xen cà phê tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk. Ảnh: Văn Vĩnh
Cao su trồng xen cà phê tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk. Ảnh: Văn Vĩnh

Đặc biệt, các CTCS ở Tây Nguyên rất tích cực trong công tác trồng xen, giảm suất đầu tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người lao động. Điển hình như Công ty Chư Sê, năm 2015 có diện tích cao su tái canh là 508,72 ha, công ty đã liên kết với Công ty CP Tây Nguyên Xanh trồng xen 398,53 ha (trong đó cà phê là 264,05ha, hồ tiêu 87,64 ha và trồng cỏ là 46,84 ha). Số diện tích còn lại 110,19 ha, công ty cho CN trồng xen cây hoa màu ngắn ngày và sẽ tiếp tục hợp tác với Công ty CP Tây Nguyên Xanh tiến hành trồng xen cỏ, cây lâm nghiệp (bời lời và xoan đào) trong năm 2016. Hiện nay các loại cây trồng xen đều phát triển tốt, cỏ trồng xen đang thu hoạch đợt 1. “Mô hình trồng xen ở Công ty Chư Sê cần được nhân rộng để người lao động có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, gắn bó lâu dài với đơn vị” – ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG, đánh giá.

Thiếu CN khai thác tay nghề cao

Cùng chung khó khăn khi lao động nghỉ việc vì giá cao su thấp, các đơn vị khu vực Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp ứng phó: tuyển dụng lao động liên tục, mở rộng diện tích cạo D4, cạo choàng… Đáng lo nhất là tình trạng thiếu CN khai thác có tay nghề cao. Với tình hình hiện nay, không thể thu hút được lao động người Kinh, lao động tuyển mới hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến tay nghề yếu, năng suất và kỹ thuật khai thác chỉ bằng 70% so với lao động là người Kinh.

Lao động nghỉ việc hiện là một trong những khó khăn của các đơn vị Tây Nguyên. Ảnh: Văn Vĩnh
Lao động nghỉ việc hiện là một trong những khó khăn của các đơn vị Tây Nguyên. Ảnh: Văn Vĩnh

Khó khăn nhất về lao động là Công ty Kon Tum, ông Lê Khả Liễm – TGĐ, cho biết: “Số lao động làm việc lâu năm đã tích lũy được nhiều nương rẫy, họ xin thôi việc về nhà tự làm kinh tế gia đình, đồng thời nhận được khoản trợ cấp khi thôi việc. Một số lao động lớn tuổi gần tới tuổi nghỉ hưu, đã đóng bảo hiểm trên 20 năm, xin nghỉ việc để vừa nhận được trợ cấp thôi việc của công ty, vừa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, đồng thời để hưởng chế độ hưu trí. Tổng số CN nghỉ việc 9 tháng đầu năm 2015 là 413 người, trong đó trợ cấp thôi việc cho 164 người là 1,9 tỷ đồng. Tổng số lao động thiếu hiện tại là 208 người, tương đương với 600 ha cao su”.

Về thu nhập bình quân 9 tháng đầu năm, các CTCS Tây Nguyên đạt 80 – 87% so với cùng kỳ năm 2014. Cao nhất Công ty Chư Păh, bình quân 4,7 triệu đồng/người/ tháng. Tiếp đến là hai Công ty Kon Tum và Krông Buk, bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là Công ty Mang Yang, bình quân 2,97 triệu đồng/người/tháng.

Kết luận buổi làm việc, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Là địa bàn có nhiều khó khăn với hơn 50% lực lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với tinh thần đồng lòng, chung vai, sát cánh, các CTCS Tây Nguyên đã thể hiện kinh nghiệm và bản lĩnh, cùng nhau từng bước vượt qua khó khăn. Lãnh đạo Tập đoàn biểu dương tinh thần cố gắng đó của các công ty. Thời gian tới, các đơn vị cần tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ tối đa cho người lao động nâng cao thu nhập…, nhạy bén xây dựng kịch bản xấu nhất, ứng phó cụ thể với từng giai đoạn và không nao núng. Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị, các ban chuyên môn của Tập đoàn phải nhanh nhạy giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý… hỗ trợ tối đa cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngọc Cẩm