Cao su tự “cứu mình”

CSVN – Trước thực trạng giá mủ cao su giảm mạnh và chưa có chiều hướng tăng lên, nhiều hộ trồng cao su tiểu điền tại Bình Dương, Bình Phước – địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất vùng Đông Nam bộ đã chủ động tìm các giải pháp tự “giải cứu” mình.
Người trồng cao su tiểu điền nên tính toán thiệt hơn trước khi thanh lý vườn cây
Người trồng cao su tiểu điền nên tính toán thiệt hơn trước khi thanh lý vườn cây

Kỳ 1: Chặt cao su trồng tiêu: Nông dân lại “đánh bạc”

Tiêu chết, trồng su, giá su thấp lại trồng tiêu

Tại tỉnh Bình Phước, chuyện nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng – chặt” không còn lạ trong những năm qua. Vào những năm 2010, 2011 lúc giá mủ cao su lên mức đỉnh điểm, thì nhà nhà, người người ồ ạt cưa cây điều, chặt trụ tiêu để trồng cao su. Còn hiện nay, do giá xuống quá thấp, nhiều hộ tiểu điền bỏ mặc vườn cây không thu hoạch, hay chặt bỏ để trồng cây khác. Theo Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư của tỉnh, cuối năm 2014 đến nay có khoảng trên 700 ha cao su, chủ yếu của dân tiểu điền bị chặt để chuyển sang trồng cây tiêu, cây điều và các loại cây ăn quả khác.

Đầu vụ xuống giống hồ tiêu vừa qua, chúng tôi đến xã An Lộc (huyện Lộc Ninh) – một xã vùng sâu, vùng xa, nơi có gần 1.000 ha hồ tiêu/12.000 ha toàn tỉnh Bình Phước. Dọc theo con đường đá lởm chởm của ấp 6, chúng tôi chứng kiến “nhà nhà” đã chuẩn bị xong mọi thứ, chỉ chờ mưa đều là xuống giống hồ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Thuấn – người có 5 ha đã phủ kín cao su, cây ăn trái và 500 trụ tiêu già, cho biết: Trước đây cả xóm trồng tiêu, tiêu chết chuyển qua cao su vì không ai dám trồng lại tiêu trên đất cũ. Nhưng năm nay, giá mủ cao su thấp mà giá tiêu quá cao nên nhiều người không còn chần chừ “liều” chặt cả cao su để trồng tiêu.

Còn bà Vi Thị Mai – nhà ở ấp 8, cho hay trước đây nhà bà trồng tiêu nhưng bị chết vì đất có đá bàng, ứ nước nên chuyển qua trồng cao su. Thế nhưng, nay giá cao su thấp quá nên bà đã quyết định cưa 2 sào cao su cạo năm thứ 4 để trồng lại tiêu. “Nếu giá tiêu còn cao thì nhà tôi sẽ dần dần cưa hết cao su để trồng. Năm nay, đa phần người dân ấp 8 thanh lý cao su để trồng tiêu”. Bà Mai nói.

Quan sát thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều diện tích đất hai bên đường, người dân đã phóng nọc, căng kẽm, che lưới để chờ có mưa là xuống giống trồng tiêu. Nọc tiêu đa phần tận dụng gỗ cao su thanh lý. Thậm chí có cây mới 2 – 3 năm tuổi, nhỏ khẳng khiu, chỉ vài mùa nắng mưa là mục đổ nhưng để giảm chi phí đầu tư, nhiều người “liều” tận dụng làm nọc tiêu.

Điều đáng nói, nông dân có câu “khó – khổ và tốn kém như trồng tiêu” nhưng do giá quá cao, nên hấp dẫn nhiều người. Mặc dù không có kinh nghiệm nhưng nhiều người cũng đổ sức để trồng tiêu, có thể chưa chờ đến rớt giá thì cũng dễ trắng tay do tiêu chết vì nhiễm bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch HĐND xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) lo lắng: Vùng trồng tiêu trọng điểm tập trung ở ấp Đồi Đá nhờ còn nhiều đất mới, đất đỏ phì nhiêu. Năm nay, trước hấp dẫn của giá tiêu nên nhiều hộ dân ở các ấp Sóc Lớn, Trà Đôn, Ba Ven đã vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng tiêu. Nhiều bà con thiếu kinh nghiệm nên rất lo, nếu không biết cách chăm sóc, tiêu chết không biết lấy gì để trả nợ. Trong khi đó, bà Trần Thị Yến, cán bộ về hưu ở xã Bù Gia Mập, tỏ vẻ bất an: “Năm nay, nhiều hộ dân tộc STiêng, Mnông chặt cao su, điều để trồng tiêu đến mùa khô không biết lấy nước đâu để tưới”. Ở các xã Thiện Hưng, Thanh Hòa, Hưng Phước (huyện Bù Đốp) nhiều hộ trồng tiêu ở cả những khu vực đất thấp nhiều nguy cơ ngập úng trong mùa mưa.

Nhiều vườn cây cao su bị triệt hạ để trồng tiêu. Trong ảnh: Cây cao su non mới vài ba năm tuổi, qua vài mùa mưa nắng là mục đổ nhưng được tận dụng làm nọc tiêu
Nhiều vườn cây cao su bị triệt hạ để trồng tiêu. Trong ảnh: Cây cao su non mới vài ba năm tuổi, qua vài mùa mưa nắng là mục đổ nhưng được tận dụng làm nọc tiêu

Còn tại huyện Chơn Thành, nơi có trên 137 ha cao su bị chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng, trong đó gần 100 ha thuộc diện thanh lý và 37 ha đang khai thác. Tuy nhiên, chỉ có 44 ha trồng tái canh cao su, còn lại trồng cây mì, cây tiêu và các loại cây khác. Theo Trưởng trạm Khuyến nông huyện, ông Đoàn Đình Hoan, đất ở Chơn Thành là đất xám bạc màu, độ chua cao, nghèo dinh dưỡng, mùn thấp, không phù hợp phát triển hồ tiêu. “Những năm gần đây, thời tiết có nhiều bất lợi, xảy ra lũ lụt, hạn hán thường xuyên, trong khi hồ tiêu có sức đề kháng kém, nếu nhà vườn không chủ động được nước tưới, cộng với việc không kỹ trong khâu chăm sóc, phòng trừ nấm bệnh gây hại thì thất bại là điều khó tránh”, ông Hoan cảnh báo.

Thanh lý – giải pháp trước mắt

Thời gian này, đến các vùng trồng cao su của tỉnh Bình Dương, Bình Phước có thể dễ dàng nhận ra câu chuyện thời sự của nông dân tại đây là giá bán mủ cao su. Tuy nhiên, khác những năm trước, thời điểm từ đầu mùa khai thác năm 2015 đến nay, việc cao su mất giá đã được các hộ trồng cao su tiểu điền “đón nhận” một cách nhẹ nhàng hơn. Bởi lẽ, những năm trước đây, cao su mất giá đột ngột khiến người dân hụt hẫng. Còn hiện tại, trong thời gian khá lâu cao su cứ tăng giá nhẹ, rồi giảm nhẹ nên người trồng cao su trở nên bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, trước tình hình này, nhiều nông dân Bình Dương đã chọn giải pháp thanh lý vườn cây – một trong những giải pháp tình thế trước mắt để bảo đảm có nguồn trang trải chi phí cuộc sống.

Vườn cao su xanh tốt đã trở nên trơ trọi, khẳng khiu do chuyển “chức năng” làm nọc tiêu
Vườn cao su xanh tốt đã trở nên trơ trọi, khẳng khiu do chuyển “chức năng” làm nọc tiêu

Thực tế cho thấy, nếu trước đây việc thanh lý vườn cây thường chỉ diễn ra trên những vườn cây già cỗi thì hiện nay ngay cả những vườn cây mới đưa vào khai thác vài ba năm cũng bị nhiều nông dân “khai tử”. Ông Nhân, ngụ xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng cho biết, nhà có 4 ha cao su khai thác được trên chục năm, những tưởng sẽ khá lên từ vườn cây này nhưng đến nay sau nhiều lần đắn đo ông buộc phải thanh lý vì giá xuống thấp, trong khi năng suất, sản lượng không cao, lại phải thuê nhân công cạo. Tính toán thiệt hơn ông thấy, hiện tại nguồn thu từ vườn cao su sau khi trừ hết chi phí chẳng được là bao nên quyết định thanh lý và trồng lứa cây mới bằng giống năng suất cao.

Còn ông Tín – hộ cao su tiểu điền, ngụ ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, buồn rầu chia sẻ: “Năm ngoái, gần 2 ha cao su của gia đình cho thu lợi không nhiều do giá mủ quá thấp. Mặc dù, vườn cây mới đưa vào khai thác chưa được 5 năm nhưng cũng phải thanh lý chứ trồng cao su với giá cả như thế này có tiếp tục cạo cũng không đủ trả tiền nhân công, tiền đầu tư phân bón, kiềng, máng”.

Với giá thu mua gỗ cao su dao động từ 200.000 – 600.000 đồng/cây như hiện nay thì trung bình với 1 ha cây có độ đồng đều tốt, người bán cũng thu được từ 60 – 120 triệu đồng. Đây có thể coi là mức giá có thể chấp nhận được trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt như hiện nay của nông dân. Với số tiền này nhiều hộ gửi ngân hàng để lấy lãi hàng tháng hoặc đầu tư vào các hướng làm ăn khác. Nhiều hộ dân sau khi thanh lý đã cho các hộ dân khác thuê lại đất vì vậy vẫn có nguồn thu kha khá trong thời gian dài.

Bài, ảnh: Bình Nguyên – Trí Việt – Phương Thảo

(xem tiếp kỳ sau)