Các đơn vị miền Trung: Sản lượng vượt, trồng mới, tái canh chậm

CSVN – Kiểm tra tình hình SXKD, tiến độ trồng mới, tái canh, thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết giảm suất đầu tư và suất đầu tư nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2015… Đó là những nội dung trọng tâm mà lãnh đạo VRG cùng các ban chuyên môn làm việc với 8 đơn vị thành viên khu vực miền Trung, vào ngày 21/9.
>>Sẽ hỗ trợ các đơn vị miền Trung trồng xen canh
 Dự kiến đến hết  năm nay khu vực  miền Trung vượt  khoảng 500 tấn  so với kế hoạch.  Trong ảnh:  Thu hoạch mủ tại  Công ty TNHH MTV  Cao su Hà Tĩnh.  Ảnh: Tùng Châu
Dự kiến đến hết năm nay khu vực miền Trung vượt khoảng 500 tấn so với kế hoạch. Trong ảnh: Thu hoạch mủ tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Châu
Vượt sản lượng nhưng tiêu thụ chậm

Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài nhưng sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh vẫn được 1.010 tấn, đạt 56,1% kế hoạch (KH) VRG giao. Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cũng đạt 52,36%, được 1.288 tấn trên tổng sản lượng VRG giao cả năm là 2.460 tấn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Kỹ thuật (QLKT) VRG, từ đầu năm đến nay sản lượng cao su khai thác toàn vùng đạt 57,4% KH năm. Dự tính đến hết năm nay khu vực miền Trung vượt khoảng 500 tấn so với KH.

Ngược với sản lượng khai thác, tình hình tiêu thụ tại các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết 8 công ty đều tiêu thụ chậm. Đơn cử như Công ty Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay chế biến được 989 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được 328 tấn; Công ty Quảng Trị tồn kho 1.200 tấn; Công ty Quảng Nam tiêu thụ cả sản lượng 8 tháng năm 2015 và tồn kho năm 2014 chỉ được 1.162 tấn. Khó khăn nhất vẫn là Công ty Quảng Ngãi. Đơn vị này không những phải cạnh tranh lao động với công nhân các khu công nghiệp lân cận mà sản lượng thấp, chế biến và tiêu thụ đều gặp khó.

Phân tích nguyên nhân, các đơn vị đều cho rằng tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn không chỉ do giá mủ cao su xuống thấp, mà khách hàng ngày càng giảm do nhu cầu tiêu thụ cao su của các đơn vị sản xuất chế biến sâu trong nước giảm đáng kể. “Trước tình hình này, đề nghị lãnh đạo VRG cũng như các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên hỗ trợ công ty giải phóng bớt sản lượng cao su tồn kho”, ông Nguyễn Duy Phúc – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam kiến nghị. Và đây cũng là kiến nghị của tất cả các đơn vị đang khai thác và kinh doanh cao su tại buổi làm việc.

Chia sẻ với các đơn vị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, đề nghị các ban  chuyên môn, đặc biệt là Ban Xuất nhập khẩu VRG hỗ trợ tiêu thụ cao su cho các đơn vị khu vực miền Trung vì hiện nay khu vực này có lượng cao su tồn kho lớn. “Đồng thời, các đơn vị cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tìm kiếm khách hàng”, ông Thuận nhấn mạnh.

Không nên tái canh, trồng mới bằng mọi giá
sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và diễn biến bất thường của thời tiết từ đầu năm đến nay
Sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và diễn biến bất thường của thời tiết từ đầu năm đến nay ảnh hưởng đến tiến độ trồng mới của các đơn vị miền Trung. Ảnh: Tùng Châu

Đó là khuyến cáo của ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban QLKT và ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) VRG. Bởi lẽ, tính đến thời điểm này 8 đơn vị thành viên nói trên đều không hoàn thành công tác trồng mới, tái canh đúng tiến độ. Cụ thể, năm 2015 Công ty Quảng Nam có KH tái canh 54,42 ha nhưng mới thực hiện được 20 ha; diện tích trồng mới theo KH năm là 250 ha nhưng mới thực hiện 50 ha. Đối với Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An, KH trồng mới là 1.500 ha nhưng đến nay mới trồng được 480 ha. Ngoài ra, các đơn vị như Hương Khê – Hà Tĩnh, Quảng Trị… cũng không đạt KH trồng mới.

Các đơn vị đều cho rằng, yếu tố khách quan cũng như sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và diễn biến bất thường của thời tiết từ đầu năm đến nay là nguyên nhân chính dẫn đến triển khai không đúng tiến độ. Thực tế này đã được các ban chuyên môn VRG xác nhận. Ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban QLKT VRG khuyến cáo, do ảnh hưởng bất thường của thời tiết, các đơn vị không trồng kịp thì nên chuyển sang vụ sau. Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban KHĐT cho rằng: “Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, các đơn vị cần phải điều chỉnh KH tái canh trồng mới để lãnh đạo VRG xem xét. Không nên phát triển diện tích bằng mọi giá làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây sau này”.

Thu nhập người lao động được nâng cao nhờ xen canh

Đánh giá về việc triển khai thực hiện giảm suất đầu tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, TGĐ Trần Ngọc Thuận đã biểu dương 8 đơn vị đã thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo VRG. Các vườn cây mặc dù đã giảm suất đầu tư nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. “Trong lĩnh vực này, tôi đánh giá cao mô hình trồng xen canh của đơn vị Cao su Quảng Trị và Thanh Hóa. Đây là mô hình không những giảm suất đầu tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn nâng cao thu nhập cho người lao động”, ông Trần Ngọc Thuận biểu dương.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh(bìa trái)– Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị giới thiệu mô hình xen canh lúa với các đơn vị. Ảnh: Ng. Cường
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (bìa trái)– Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị giới thiệu mô hình xen canh lúa với các đơn vị. Ảnh: Ng. Cường

“Hiện tại, tất cả diện tích tái canh của chúng tôi đều được CN triển khai trồng xen canh. Để kéo dài thời gian trồng xen trên lô cao su, ngay trong năm nay chúng tôi đã thực hiện trồng cao su theo hàng kép đúng với chủ trương của Tập đoàn”, ông Văn Lưu – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị khẳng định. Hiệu quả của việc này được thấy rõ qua chuyến tham quan mô hình trồng xen của các đơn vị tại Công ty Quảng Trị. Hầu hết các lô kiến thiết cơ bản đều được “phủ” xanh từ đậu phộng, lúa đến khoai lang, nghệ…

Từ các loại cây trồng này, thu nhập của người lao động tăng thêm trên 3 triệu đồng/ người/tháng ngoài lương, cụ thể 1 ha trồng xen cho thu nhập từ 10 -15 triệu đồng/năm. Các hàng cao su đều thông thoáng, sạch sẽ, không có loại thân leo nào bám vào cây cao su. Đến nay công ty đã có gần 2.000 ha cao su trồng xen canh, với 200 ha được trồng theo hàng kép, diện tích xen canh 60 ha keo, còn lại là cây ngắn ngày. Đặc biệt, chủ trương tăng năng suất lao động được công ty thực hiện bằng cách CN vừa khai thác vừa nhận chăm sóc vườn cây KTCB.

Ông Nguyễn Công Tình – GĐ NT Cồn Tiên cho biết, hiện tại 507 ha cao su tái canh đã được CN trồng xen canh cây ngắn ngày. “Năm 2015, công ty giao tái canh 122 ha, đến nay, chúng tôi đã trồng được 92 ha. Và 92 ha mới trồng này đã giao hết cho CN trồng xen canh. Chúng tôi rất mừng vì CN hăng hái tham gia mô hình này. Điều đáng mừng hơn là CN có ý thức chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, làm giảm suất đầu tư, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, với thu nhập từ xen canh cộng với tiền lương, CN rất gắn bó với đơn vị”, ông Nguyễn Công Tình chia sẻ.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Tính đến nay, tại khu vực miền Trung chỉ duy nhất Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam có lãi từ sản xuất kinh doanh cao su với giá thành bình quân 30 triệu đồng/tấn, giá bán 30,4 triệu đồng/tấn.[/stextbox]

Với mô hình này, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa cũng được lãnh đạo Tập đoàn và các ban chuyên môn đánh giá cao trong việc trồng xen rộng rãi nghệ và dứa. Trưởng Ban QLKT Lại Văn Lâm cho biết, “Đi thực tế nhiều tại các nông trường, vùng miền khác nhau thì mô hình trồng xen ở Quảng Trị, Thanh Hóa rất hiệu quả. Các đơn vị khác như Nghệ An, Quảng Nam, Nam Giang – Quảng Nam… cũng đã triển khai nhưng đang ở mức nhỏ lẻ, chưa rộng rãi”. Riêng tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, Hương Khê -Hà Tĩnh thì xây dựng mô hình trồng xen cây lâm nghiệp.

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG cho biết, bắt đầu từ năm 2016, tăng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định sẽ được áp dụng. Việc này sẽ gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá cao su vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. “Vì vậy, các đơn vị trực thuộc nói chung cũng như 8 đơn vị miền Trung nói riêng cần phải có giải pháp tối ưu để hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động. Tôi cho rằng các mô hình trồng xen canh phải được nhân rộng để người lao động có thêm thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Trần Khắc Chung đánh giá.

Cũng trong lĩnh vực này, TGĐ Trần Ngọc Thuận đánh giá cao sự nhạy bén của các đơn vị trong việc tiên phong triển khai thực hiện các mô hình trồng xen canh. “Lãnh đạo Tập đoàn sẽ cân đối quỹ phúc lợi để hỗ trợ vốn cho các đơn vị đặc biệt khó khăn khu vực miền Trung trồng xen canh trên lô cao su kiến thiết cơ bản nhằm ổn định thu nhập cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này, đồng thời nâng cao mức sống bền vững trong tương lai”, ông Trần Ngọc Thuận cho biết.

Ng. Cường