CSVN – Gần đây, giá cao su liên tục giảm trong giá hồ tiêu lại ở mức cao, dao động từ 200 – 230 ngàn đồng/kg, mức giá này đã tạo ra “cơn sốt” đủ để nông dân phá cao su trồng hồ tiêu, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, quản lý Nhà nước về sự rủi ro lớn đối với loại cây “nhà giàu”.
>> Giá cao su giảm, tiểu điền chới với!
Kỳ 1: Giá thấp là chặt
Mua cao su để…chặt
Đưa chúng tôi đến vườn nhà ông Trần Đức Mạnh ở thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng – huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai chứng kiến việc chặt bỏ cây cao su để trồng tiêu, cà phê, chị Nguyễn Thị Thúy – cán bộ Trạm khuyến nông huyện Chư Sê cho hay: “Đây là hộ gia đình khá tiêu biểu trong thôn này chuyển đổi sang cây trồng khác, khi cùng một diện tích ông Mạnh đã trồng nhiều loại cây khác nhau”. Gia đình ông Mạnh có 1,6 ha hồ tiêu từ nhiều năm qua, ông vừa mua thêm khoảng 2 ha cao su năm thứ 7 của một hộ gia đình khác để chuyển sang trồng tiêu.
Ông Mạnh cho biết: “Hiện nay giá cao su thấp quá, ông hàng xóm của tôi khai thác cao su mấy năm nay không có lời là mấy, thuê nhân công thì đắt nên ông ấy bán. Chúng tôi đã mua lại khoảng 2 ha nhưng quyết định chặt bỏ để trồng tiêu vì khai thác cao su cũng không hiệu quả, trước mắt chúng tôi tận dụng cây cao su để làm trụ cho cây tiêu. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn trồng song song thêm cà phê, nếu trong trường hợp giá các loại nông sản có biến động thì các loại cây sẽ hỗ trợ cho nhau”.
Theo ông Đặng Xuân Tâm – Chủ tịch hội nông dân xã Chư Pơng, năm 2014, toàn xã có khoảng 51 ha cao su của các hộ tiểu điền, đến nay người dân đã chuyển sang trồng tiêu, cà phê nên diện tích này chỉ còn khoảng 29 ha. Trong khi đó số liệu do Phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê cung cấp thì diện tích cao su lại …tăng (!). Theo đó, hết năm 2014 tổng diện tích cao su tiểu điền toàn huyện là 421,8 ha, nhưng đến hiện nay lại tăng 54,2 ha, với cao su đang chăm sóc là 117,2 ha và cao su kinh doanh 358,8 ha.
“Đuối” quá, đành phá bỏ!
Không đứng ngoài phong trào chặt bỏ cao su để trồng cây khác vì giá thấp, tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, việc này được người dân “hưởng ứng” nhiệt tình. Theo trào lưu, cách đây 6 năm, gia đình anh N.V.H ở xã Ea Sol – huyện EaH’leo – Đắk Lắk đã huy động mọi nguồn lực từ gia đình và vay mượn thêm bạn bè để mua 5 ha đất trồng cao su, với hy vọng khi cây cao su cho mủ sẽ lấy lại vốn. Thế nhưng giờ đây cây cao su đến tuổi cạo, giá mủ cứ giảm từng ngày, anh không thể thu hoạch được vì biết cạo sẽ lỗ. Thay vào đó, giá hạt tiêu ở mức rất cao, dao động 200 – 230 ngàn đồng/kg, nhiều gia đình ở đây cũng đổ xô vào mua thêm đất để trồng tiêu. Ngẫm tình hình chờ giá cao su lên để thu hoạch thì không biết đến bao giờ nên anh đã chặt bỏ một nửa diện tích cao su hiện có để trồng tiêu.
Anh chia sẻ: “Lúc đầu trồng cao su, tôi đã không nghĩ có ngày giá cao su rớt thê thảm đến vậy. Giờ chính tay mình phá bỏ vườn cao su tâm huyết bao nhiêu năm thì tôi đau lòng lắm chứ, nhưng biết thế nào được. Nếu không chuyển đổi cây trồng khác, số tiền lãi vay để đầu tư trồng cao su ngày càng nhiều, trong khi đó tôi cũng không thể mở miệng cạo vào thời gian này được. Thôi đành chặt bỏ một nửa diện tích để trồng thêm tiêu, bắp, đậu nhằm có đồng ra đồng vào”.
Nóng bỏng nhất là tại tỉnh Đăk Nông. Tính đến hết tháng 4/2015, toàn tỉnh Đăk Nông đã có trên 1.367 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây hồ tiêu. Chính vì thế ngày 15/6/2015 Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành Công văn số 808/SNN – BTVT về việc khuyến cáo nông dân không chặt cao su và mở rộng diện tích hồ tiêu.
Diện tích tiêu đã vượt tầm kiểm soát
Theo giải thích của một số người trồng tiêu có kinh nghiệm, hiện nay trên địa bàn huyện Chư Sê dường như bão hòa về diện tích tiêu. Bởi, đối với Chư Sê đây là vùng đất trồng tiêu từ lâu đời, nay cây dễ bị bệnh nên rất nhiều người đã đến những địa phương khác để mua đất trồng tiêu.
Chị Nguyễn Thị Tính ở xã Ia Hlốp – huyện Chư Sê có 5.000 trụ tiêu đã khai thác được 3 năm, nay tiêu bị dịch chết gần 4.000 trụ. Đượm buồn, chị chia sẻ: “Người nông dân trồng tiêu để cải thiện kinh tế gia đình là rất tốt, nhưng rủi ro cũng khá cao. Nhiều người đã phải “tự sát” trên chính vườn tiêu của mình vì nợ nần quá nhiều khi tiêu chưa vào thu hoạch đã bị dịch bệnh làm cho tan gia bại sản”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng số 32.000 ha cao su, trong đó có 5.970 ha cao su quốc doanh, 3.990 ha cao su của các doanh nghiệp tư nhân và 22.300 ha cao su tiểu điền, tổng diện tích đang khai thác là 12.766 ha. Qua kiểm tra, rà soát của sở tính đến ngày 10/7/2015, nông dân đã chặt bỏ 359,3 ha cao su trong năm nay để chuyển sang trồng tiêu, cà phê… tập trung nhiều tại các huyện Đăk Rlấp 212 ha, Đăk Song 83 ha, Tuy Đức 32 ha, Krông Nô 23,5 ha, Chư Jút 8,9 ha và rải rác tại một số địa phương khác.
Lý giải trên Báo Đăk Nông ngày 3/8/2015, ông Lê Viết Sinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Song cho rằng: “Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn hiện đang được người dân mở rộng ồ ạt đến mức khó kiểm soát. Bởi, hiện nay địa phương chưa có quy hoạch chi tiết cho cây hồ tiêu, chưa có quy hoạch cụ thể về vùng, diện tích nên việc kiểm soát, xử lý những trường hợp trồng sai quy hoạch là không thể. Người dân thì ai cũng muốn có thu nhập cao nên họ thấy cái gì có giá, mang lại lợi ích kinh tế thì trồng chứ huyện cũng không thể ngăn cấm được”.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Cũng như gia đình anh N.V.H, nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Ea Sol cũng tìm nhiều giải pháp “cứu cánh” trong thời gian này. Hầu như các hộ gia đình đều có diện tích cao su tiểu điền nhỏ lẻ, đến thời điểm mở miệng cạo nhưng họ đang “treo” kế hoạch không biết đến bao giờ chỉ vì câu chuyện về giá. Thay vào đó, các hộ gia đình xen canh bắp, đậu, cà phê… trên vườn cao su để có thu nhập.[/stextbox] Hiện trên địa bàn huyện Đăk Song có khoảng 8.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích trồng mới từ năm 2014 đến nay khoảng 3.000 ha. Cũng theo ông Sinh thì: “Đó là con số áng chừng chứ việc thống kê chính xác diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là hết sức khó khăn”. Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có khoảng 500 ha hồ tiêu trồng mới. Diện tích này được thay thế bằng việc người dân chặt bỏ khoảng 80 ha cao su và 400 ha cà phê.Không riêng gì trên địa bàn huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông mà tại huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk diện tích cao su tiểu điền cũng có sự giảm sút đáng kể. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ea H’leo thì hết năm 2014 tổng diện tích cao su tiểu điền toàn huyện khoảng xấp xỉ 14.000 ha, nhưng đến thời điểm này con số chỉ còn khoảng 13.000 ha, giảm khoảng 1.000 ha do người dân chặt bỏ cây cao su để thay thế cây trồng khác, trong đó có cây hồ tiêu.
Trên địa bàn Gia Lai theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số huyện vốn không phải là nơi truyền thống của hồ tiêu như huyện Đăk Đoa, Mang Yang hay Chư Prông cũng có tình trạng người dân chặt bỏ cao su để trồng hồ tiêu, do đây là vùng đất mới nên cây tiêu có thể sinh trưởng tốt và khó bị nhiễm bệnh.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
(Kỳ tới: Cao su tự “cứu mình”)
Related posts:
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- Lan tỏa tinh thần thi đua
- Cao su Phú Riềng: Duy trì năng suất vườn cây ổn định 2,26 tấn/ha
- Cao su miền núi phía Bắc vui đón xuân sang
- Mong được làm công nhân cao su
- Tổ chức Oxfam Campuchia đánh giá cao việc kết nối cộng đồng của Cao su Chư Sê Kampong Thom
- Cao su Quasa Geruco: Linh hoạt vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Cao su Đồng Nai
- Cao su Bình Long khen thưởng vận động viên đạt thành tích cao tại Hội thao VRG năm 2024
- Nông trường Bãi Lau (Cao su Sa Thầy) về đích sản lượng sớm nhất trong công ty