CSVN – Hơn 30 năm làm việc ở lĩnh vực thủy điện – thủy lợi, 10 năm gắn bó với ngành cao su, ông Nguyễn Văn Phan – Nguyên TGĐ Công ty CP Thủy điện VRG Bảo Lộc, tâm sự: “Cuộc đời tôi gắn liền với các công trình, dự án thủy điện như Trị An, Thác Mơ, Ialy Hàm Thuận, Bảo Lộc… luôn phải đối mặt với gian khó, thách thức. Tôi rút ra rằng chỉ có sức mạnh tập thể, đoàn kết, chung vai mới có những giải pháp hay nhất vượt qua khó khăn”. PV Tạp chí Cao su ghi lại những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phan với ngành cao su.
Có niềm tin, sẽ vượt qua khó khăn
Năm 2004, VRG tham gia góp vốn và trở thành cổ đông lớn nhất của dự án BOT Thủy điện Bảo Lộc trên sông La Ngà thuộc huyện Bảo Lâm và Di Linh tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, dự án này do Tổng Công ty Thủy lợi 4 và Công ty Lắp máy 45-4 liên doanh thành lập (2002), nhưng do năng lực tài chính không đáp ứng được nên nhượng lại 68% vốn điều lệ (260 tỷ đồng) cho VRG.
Khi tôi nhận nhiệm vụ giám đốc (15/6/2006) thì dự án mới triển khai tất cả các hạng mục. Điểm lại thấy rằng, buồn nhất là 2 trận lũ lụt lớn vào năm 2007, 2008 đã gây thiệt hại ghê gớm, lúc này tưởng chừng không vượt qua được do đường sá, cầu cống… bị ngập, bị trôi, sạt lở. Cảnh tượng tan hoang sau lũ lụt ai nhìn thấy cũng nản lòng. Nhưng rồi nhờ sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo VRG, mọi người ngày đêm miệt mài, bằng mọi giá tiếp tục dự án đến khi hoàn thành.
Kỉ niệm vui nhất trong những năm tháng làm thủy điện là sự hồi hộp, lo lắng đến nín thở trước giờ phút chạy thử của Tổ máy số 1. Sau khi tổ máy vận hành thành công là niềm vui vỡ òa đến trào nước mắt trên gương mặt CBCNV. Đó là thời khắc đánh dấu sự thành công của dự án sau bao nhiêu năm vất vả, nhọc nhằn của hàng triệu ngày công lao động miệt mài từ hàng trăm CBCNV tâm huyết với dự án.
Vượt qua con đường gian nan nhiều lúc tưởng đi vào ngõ cụt, tôi và anh em ở Công ty CP Thủy điện VRG Bảo Lộc vẫn thường nói với nhau: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đó cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ tới CBCNV ngành cao su. Hiện nay, giá cao su xuống thấp, đó là khó khăn do khách quan. Hơn lúc nào hết, CBCNV ngành cao su cần phải bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo VRG trong tiết giảm giá thành, kỹ thuật chăm sóc, khai thác vườn cây, tái canh… Thực tế cho thấy ngành cao su đã có những thời kỳ khó khăn gấp bội mà chúng ta vẫn vượt qua, thì với sự đoàn kết, chung vai, san sẻ, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Giữ vững truyền thống, bảo vệ thành quả
12 năm làm dự án Thủy điện VRG Bảo Lộc, trong đó 10 năm làm việc trong ngành cao su. Bản thân tôi nhận thấy rất rõ dù là lĩnh vực thủy điện, ngoài ngành cao su, nhưng quyết định của VRG tham gia dự án này (2004) là chính xác. Chứng minh kết luận này là dự án đã xây dựng trong tổng dự toán được duyệt không phát sinh vượt dự toán. Suất đầu tư 23,5 tỷ/1 MW là quá rẻ. Dự án đi vào hoạt động từ ngày 8/12/2009, mỗi năm đều vượt mức kế hoạch, hiệu quả lợi nhuận hàng năm đạt trên 40 tỷ đồng.
Trong cơ chế thị trường và quá trình tái cơ cấu VRG tuy gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhưng nhìn chung, VRG vẫn đứng vững top đầu trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều đó củng cố vị thế truyền thống của cao su Việt Nam, góp phần cho xuất khẩu hàng năm của cả nước và ổn định chính trị, ổn định đời sống của CBCNV toàn ngành. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm chúng ta phải giữ vững truyền thống vẻ vang đó. Càng khó khăn, càng đòi hỏi sự đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, kiên trì bám trụ vườn cây, sáng tạo, áp dụng KHKT để bảo vệ thành quả, chờ giai đoạn thuận lợi để phát triển.
Ngọc Cẩm (ghi)
Related posts:
- Phấn khởi vào mùa cạo mới
- Lê Thị Thương: Nhiều lần đạt giải cao tại hội thi bàn tay vàng các cấp
- Nuôi gà ta tăng thu nhập
- Người thợ trẻ dân tộc thiểu số tiêu biểu yêu ngành, tận tâm với nghề
- Nữ công nhân hết lòng vì nhiệm vụ
- Các đồn điền cao su ra đời
- Người đội trưởng trẻ đa năng
- “Phải có niềm đam mê mới thành công với nghề”
- Vinh dự, tự hào khi đạt giải nhất Hội thi
- Giải nhất Bàn tay vàng 2022 Cao su Dầu Tiếng: Thành quả của một quá trình rèn luyện