CSVN – Khi giá mủ biến động bất lợi, hơn ai hết, người công nhân cao su là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Thu nhập từ kinh tế phụ giúp họ đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống.
Thu nhập kinh tế phụ lên đến 200 triệu đồng/năm
Huyện Chư Prông (Gia Lai) – một huyện biên giới, cách trung tâm Tp.Pleiku hơn 40 km, xa các khu công nghiệp, đời sống người dân chủ yếu gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại đây, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông nổi lên như một điểm sáng của huyện về phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho trên 3.298 người lao động (NLĐ). Với diện tích đất canh tác trải dài tới 16 trong tổng số 20 xã, thị trấn toàn huyện, đứng chân trên 72 bản làng dân tộc, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, công ty luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ phát triển kinh tế gia đình.
Chính quyền đã trích Quỹ phúc lợi, phối hợp với Công đoàn công ty cho NLĐ vay vốn không tính lãi, hỗ trợ một phần vốn để phát triển các cây công nghiệp như: cao su, cà phê, hồ tiêu… Từ nguồn hỗ trợ quý giá đó, kinh tế hộ gia đình của CNLĐ hàng năm cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng, đặc biệt có những hộ đạt mức thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các lao động khó khăn, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số.
Với những thuận lợi như thổ nhưỡng đất đỏ bazan nằm trên cao nguyên với địa hình gợn sóng, cao trình trung bình khoảng 500-600m so với mực nước biển, cho phép CNLĐ phát triển kinh tế hộ gia đình với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu, trồng và tận dụng nguồn cỏ tự nhiên cho chăn nuôi trâu, bò, dê… Chính vì sự đa dạng về cây trồng và vật nuôi khi phát triển kinh tế hộ gia đình giúp người CN phá vỡ thế độc canh cao su, giảm rủi ro khi chỉ trông chờ vào một loại cây trồng chủ lực. Từ đó, giúp họ vượt qua những khó khăn trong tình hình giá bán mủ cao su xuống thấp hiện nay.
Bên cạnh đó, các thế hệ CN công ty luôn ý thức được những khó khăn, chuẩn bị tốt tâm lý khi đối mặt với biến động giá cả, nhờ vậy tình trạng NLĐ xin nghỉ việc rất ít. Họ luôn chung tay vượt qua những thách thức bằng những việc làm thiết thực, lấy ngắn nuôi dài, từ việc trồng lúa, ngô, lạc, giải quyết vấn đề lương thực cho sản xuất ở giai đoạn khó khăn trước kia cho đến phát triển các cây công nghiệp hiện nay.
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Kinh tế hộ gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển cuộc sống gia đình người CN, đặc biệt CN làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển kinh tế phụ gia đình là nhu cầu thiết thực nhằm nâng cao đời sống kinh tế của bản thân và gia đình trong tình hình khó khăn của ngành hiện nay.
CN cao su có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế phụ gia đình trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, do họ sinh sống và làm việc ở những vùng đất đai rộng lớn chuyên canh cây cao su và một số cây công nghiệp khác. Hằng ngày, CN được tiếp xúc với các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến về chăm sóc và phát triển cây trồng, hơn nữa có thể tận dụng quỹ đất đai có giá thuê, mua thấp hoặc đất đai chưa khai thác ở xung quanh nơi đang sinh sống, làm việc để phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Phát triển kinh tế phụ gia đình không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, đa dạng hóa nguồn hình thành thu nhập, mà còn tạo ra không khí thi đua phát triển kinh tế trên một bộ phận dân cư nhất định. Còn gì tốt đẹp hơn khi người CN yên tâm gắn bó với công ty trong lúc khó khăn nhưng vẫn ổn định cuộc sống, phát triển tốt kinh tế gia đình, thậm chí vẫn có thể vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Mai Văn Cường
Related posts:
- Ngang qua màu xanh thơ ấu
- Được và mất mùa World cup
- Su mới bắp trồng xen lô
- ĐTN VRG phối hợp ĐTN Cao su Phước Hòa thực hiện công trình tuyến đường cây xanh Thanh niên
- Trao giải 4 môn thi đấu Hội thao Khu vực VI
- Kết quả bộ môn Điền kinh Hội thao khu vực III ngày 27/8
- Tháng bảy đã về
- 220 vận động viên tham gia Hội thao Cụm thi đua số VI Công đoàn
- Mùa nhựa tràn
- Đợi em ở phía mùa Xuân