CSVN – Trong mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng đã trải qua những mùa trung thu với nhiều điều kiện, hoàn cảnh và cung bậc cảm xúc khác nhau. Bản thân tôi không thể nào quên những năm tháng tuổi thơ cách đây trên dưới 20 năm, tuy đời sống vật chất gặp rất nhiều khó khăn nhưng tinh thần lại rất vui tươi, trong trẻo.
Thời đó, tôi và bạn bè cùng trang lứa hầu như ai cũng thuộc lòng bài hát Chiếc đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chúng tôi cùng nhau rảo bộ trên những đường thôn, lối xóm, trên tay cầm những chiếc đèn ông sao mà bản thân tự làm (hoặc nhờ anh chị, bố mẹ làm giúp). Cả đoàn vừa đi vừa hát theo nhịp rất vui nhộn “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan. Tùng rinh rinh, tùng tùng rinh rinh…”.
Kết thúc buổi rước đèn, chúng tôi tập trung về nhà văn hóa của thôn nghe kể chuyện sự tích trung thu và sinh hoạt văn nghệ. Bánh trung thu đối với chúng tôi là một thứ xa xỉ. Các anh chị trong Chi đoàn thanh niên của thôn “chiêu đãi” mỗi em một chén chè đỗ đen. Không khí thật vui tươi, đầm ấm lạ lùng. Em nào cũng háo hức chờ đến mùa trung thu năm tới.
Tôi có cảm giác rằng, trung thu nay đã khác nhiều. Vật chất không còn thiếu thốn, bánh trung thu đủ loại, đủ giá cho mọi tầng lớp, từ thượng lưu đến bình dân. Đồ chơi cũng đủ thứ, từ hàng trong nước đến nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng, cứ mỗi dịp trung thu là những câu chuyện xung quanh chiếc đèn (đèn ông sao và đèn lồng) – món quà và là đồ chơi hầu như không thể thiếu cho các em nhỏ trong ngày Tết của mình nhưng khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm.
Có thể nhận thấy rằng, các loại đèn ông sao, đèn lồng, đồ chơi truyền thống của nước ta những năm gần đây đã có sự tăng lên đáng kể cả về số lượng, chất lượng và mẫu mã. Giá bán cũng phù hợp với túi tiền của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ. Song, đáng buồn là các làng nghề thủ công truyền thống chuyên sản xuất các mặt hàng đồ chơi cho trẻ em ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định…đều chịu chung cảnh chợ chiều, ế ẩm. Nhiều em nhỏ ở thành phố, mặt mũi khôi ngô, mắt đeo kính cận đã “lắc đầu nguầy nguậy”, “ứ chịu” với những chiếc đèn ông sao, đèn lồng nức tiếng một thời “made in Dan Hoa” (sản xuất tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).
Trong khi mọi người thấy nhan nhản các loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. So sánh về mẫu mã và giá cả, dễ dàng nhận thấy hàng Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn các mặt hàng thủ công của ta. Tôi chứng kiến một bà mẹ trẻ đã bỏ ra 100 ngàn đồng để mua 2 chiếc đèn lồng “made in China” để chiều lòng 2 đứa con của mình. Chị tâm sự như muốn thanh minh với tôi rằng, tại chiếc đèn lồng có điện nhấp nháy lại kèm theo bản nhạc Gangnam style nên tụi nhỏ rất thích!
Phân tích nguyên nhân này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Chiếc đèn ông sao, chiếc đèn lồng trong ngày Tết của thiếu nhi cũng là bản sắc truyền thống. Tuy nhiên, để lưu giữ truyền thống đó thì chúng ta phải biết phát huy, sáng tạo nhằm bồi đắp, tô điểm cho nó đẹp thêm. Khi chiếc đèn trở thành một mặt hàng, thì nó phải đảm bảo các yếu tố như đẹp, sống động, bắt mắt, giá cả phù hợp…mới thu hút được người mua, dù cho “thượng đế” ở đây là các em nhỏ.
Cũng câu chuyện liên quan đến đèn trung thu, năm 2014, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã diễn ra Lễ hội đèn trung thu với sự tham gia của 32 trường học trên địa bàn thành phố. Mỗi trường đầu tư một đèn lớn và mỗi em học sinh được chọn đi rước đèn phải mang theo 1 đèn nhỏ. Điều đáng nói là mỗi chiếc đèn lớn này đều có giá “khủng”, từ 50-70 triệu đồng. Được biết, sồ tiền này các nhà trường vận động phụ huynh đóng góp theo mô hình xã hội hóa!? Tính ra, đã có khoảng 2 tỷ đồng chi phí đầu tư làm đèn phục vụ…cho một đêm trung thu. Một cái giá thật quá sức tưởng tượng!
Từ chiếc đèn ông sao được làm thủ công, đến chiếc đèn lồng Trung Quốc có nhạc Gangnam style và những chiếc đèn có giá tương đương trên dưới 10 tấn thóc ở Phan Thiết… Thiết nghĩ, vận động và phát triển là một quy luật. Nhưng nếu chúng ta không có sự định hướng, điều chỉnh để phát triển đúng định hướng sẽ tạo ra sự “lệch chuẩn”. Hậu quả của sự “lệch chuẩn” thì chắc nhiều người đã biết.
Ngọc Nguyên
Related posts:
- Độc đáo vườn cây cao su giữa lòng Sài Gòn
- Video Clip Hội thi 85 năm khu vực II
- Khi người Việt hâm mộ bóng đá
- Đừng trì hoãn vaccine phòng dịch
- Trung thu nơi biên giới
- “Mặc kệ thiên hạ” sống cuộc sống đời mình
- Sắp công bố kết quả Cuộc thi viết
- Phát động cuộc thi viết về "Ký ức người lính"
- Tưng bừng khai mạc hội diễn khu vực II
- Gia hạn cuộc thi sáng tác "Cao su - Đất và người"