CSVN – Trước tình trạng biến động lao động diễn ra thường xuyên, các công ty đang tập trung nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền ổn định tư tưởng, vừa tăng cường quan tâm, chăm lo đời sống người lao động (NLĐ) bằng các hình thức phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập để ổn định lao động, giữ vững sản xuất kinh doanh.
Vẫn sắp xếp được nguồn lao động
Từ đầu năm đến nay, một số công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn với tình trạng lao động (LĐ) nghỉ việc do phải giải quyết chế độ thôi việc cho NLĐ với số lượng lớn. Ngoài những CN nghỉ hưu sớm để lấy tiền chế độ làm việc khác thì cá biệt một số nơi có tình trạng CN trẻ mới vào làm lấy lý do lương thấp để nghỉ. Tuy nhiên các đơn vị vẫn sắp xếp được nguồn LĐ thay thế. Điển hình như tại một số nông trường thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh thì nguồn LĐ không thiếu.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thị Duyên – GĐ NT Ia Pếch cho biết: “NT Ia Pếch là một đơn vị lớn của Công ty Chư Păh với diện tích 1.532 ha, tuy nhiên diện tích cao su thuộc khu vực không thuận lợi cho việc phát triển cao su, do đó năng suất không cao. Chính vì điều này, khi giá cao su xuống thấp người CN thường hay xin nghỉ với lý do tiền lương thấp. Mặc dù vậy, tỷ lệ giữa người xin nghỉ và CN xin vào gần như bằng nhau”. Tuy có LĐ nhưng việc sắp xếp lại nguồn LĐ mới cũng ảnh hưởng đến việc thu hoạch mủ. “Chỉ tiếc cho những CN người dân tộc thiểu số có thời gian làm việc lâu năm vẫn xin nghỉ. Thời gian gần đây, năng suất và sản lượng NT thấp hơn chính là do biến động LĐ, bởi những CN có tay nghề tốt thì lại nghỉ, CN mới tay nghề còn thấp, cạo không được nhiều mủ cũng ảnh hưởng phần nào đến tình hình sản xuất của đơn vị”, chị Duyên cho hay.
Tìm hiểu kỹ, chúng tôi thấy rằng lương thấp cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp LĐ, phân chia phần cây. NLĐ thường lấy lý do không muốn làm việc ở vườn cây xa nhà để nghỉ trong khi trước đây tình trạng này hầu như không có. Chị Duyên cho biết thêm: “Nhiều khi thấy thương CN nên chúng tôi phân chia lại vườn cây để họ có thể có những phần cạo tốt hơn, nhưng họ lại không thích xa nơi ở và sẵn sàng xin nghỉ nếu đưa đi nơi khác”.
Đến thời điểm này, tại khu vực Tây Nguyên, tình hình LĐ đã ổn định do vụ thu hoạch mủ đã được hơn 4 tháng, do đó không còn biến động. Trong 6 tháng đầu năm Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang có trên 400 LĐ xin nghỉ, Công ty Kon Tum đến hết 31/8/2015 tổng số LĐ xin nghỉ là 494 người, trong đó LĐ xin vào làm mới là 192 người, đặc biệt CN có thời gian công tác 5 năm trở lại nghỉ 209 người và CN dân tộc thiểu số xin nghỉ 175 người. Công ty Ea Hleo cũng có sự biến động LĐ như hết ngày 31/12/2014 tổng số LĐ là 1.934 người thì đến 31/8/2015 còn lại 1.731 người.
CN nghỉ nhiều nhưng tại một số đơn vị lại tỷ lệ thuận với diện tích thanh lý tái canh. Điển hình như Công Ea Hleo số LĐ nghỉ 197 người trong khi công ty tái canh 100 ha, Công ty Mang Yang số nghỉ trên 400 người nhưng lại tái canh trên 2.000 ha, Công ty Chư Prông tái canh trên 300 ha, trong khi LĐ chỉ nghỉ vài chục người…Điều này cũng phù hợp với việc hiện nay doanh nghiệp đang tích cực tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy cùng với đó là chuyển chế độ sang cạo D4 để giảm bớt gánh nặng giá thành, các loại bảo hiểm và làm tăng năng suất LĐ.
CN trẻ nghỉ không nhiều
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015, Công ty CPCS Tây Ninh có 586 CN nghỉ việc, số tiền giải quyết chế độ đã chi trả hơn 16,5 tỷ đồng. Trong số CN nghỉ việc chỉ có 78 người đến tuổi nghỉ hưu, số CN trẻ xin nghỉ khoảng 70 – 80 người, còn lại đa số đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Tây Ninh, cho biết năm nay tình trạng CN xin nghỉ việc nhiều, do thu nhập thấp so những năm trước chỉ là một yếu tố. Việc chuẩn bị thực hiện một số chính sách pháp luật mới từ đầu năm 2016, có những điều khoản ảnh hưởng đến quyền lợi của những người xin nghỉ hưu trước tuổi nên CN lo lắng. Một số CN đã đóng đủ số năm BHXH cần thiết, đủ điều kiện để được hưởng chế độ lương hưu, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tìm cách chạy chế độ “hưu non” với lý do mất sức lao động.
Ngoài ra, trên địa bàn cao su công ty đứng chân hiện có nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, nhu cầu lao động rất lớn, lên đến mười mấy ngàn người. Chỉ riêng các nhà máy khu vực ngã ba Đất Sét, cũng “ngốn” khoảng 7.000 – 8.000 lao động. Trước mắt, tiền lương tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã cao hơn công ty, nên NLĐ có thêm lựa chọn. Tình trạng này đã gây cho công ty những khó khăn: gánh nặng chi phí phải trả cho CN khi nghỉ việc; nguy cơ thiếu hụt lao động; mất CN có kinh nghiệm, tay nghề giỏi…
Để rõ hơn cuộc sống của CN hiện nay ra sao, chúng tôi đã tìm đến nhà vợ chồng CN Nguyễn Thị SaRay (Tổ 3, Đội K3, NT Cầu Khởi) – Đặng Chí Linh (Tổ 1, Đội G3, NT Gò Dầu). SaRay cho biết thu nhập của hai vợ chồng những tháng gần đây hơn 10 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khá ổn, khéo chi tiêu mỗi tháng vẫn có dư. Bên cạnh thu nhập từ làm CN, anh chị còn có vườn nhãn 0,5 ha, khoảng 175 gốc. Thu nhập từ vườn nhãn mỗi năm khoảng trên 100 triệu đồng. Cả 2 vợ chồng đều là CN trẻ, vào làm tại nông trường mới được 2 năm, kinh tế gia đình khá nhưng anh chị không có ý định nghỉ việc. “Khó khăn mấy chúng em cũng không bỏ việc. Tiền lương không bằng năm trước nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống gia đình. 3 thế hệ gia đình em gắn bó với cây cao su làm sao bỏ được”, SaRay chia sẻ.
Trước những khó khăn, song Cao su Tây Ninh vẫn cố gắng đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho CN. Duy trì chế độ ăn giữa ca 15.000 đồng/người/ suất ăn, phụ cấp bồi dưỡng độc hại, cấp phát bảo hộ lao động, 100% CN được đi tham quan nghỉ mát, khám sức khỏe định kỳ. Hàng trăm CN có thành tích lao động xuất sắc được khen thưởng; nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, hỗ trợ vật chất; 4 nhà “Mái ấm Công đoàn” đã trao cho Đoàn viên. CNLĐ được quan tâm, chia sẻ, tâm tư nguyện vọng qua những buổi đối thoại trực tiếp tại vườn cây, nhà máy…
Đa dạng đối tượng và lý do nghỉ việc
Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, từ đầu năm đến nay số người nghỉ việc chiếm khoảng hơn 10% trên tổng số CB.CNVC-LĐ. Đối tượng xin thôi việc cũng đa dạng chứ không chỉ tập trung ở khối CN cạo mủ. Theo ông Lê Văn Kim – Chủ tịch CĐ công ty, lý do xin nghỉ việc rất nhiều, một phần do doanh thu lợi nhuận thấp ảnh hưởng thu nhập của người lao động, số khác có kinh tế gia đình khá, nghỉ về chăm lo phát triển hộ gia đình hay có vườn cây riêng. Ngoài ra, cơ hội kiếm việc làm tại địa phương cũng khá nhiều do các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mọc lên trong những năm gần đây.
Mặc dù có biến động nhưng nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh tại công ty đến thời điểm này vẫn ổn định. Sản lượng khai thác vẫn đảm bảo. 6 tháng đầu năm, tiền lương bình quân trên 4,3 triệu đồng/người/tháng. Để cải thiện thu nhập cho CN, công ty đã trích quỹ phúc lợi, bổ sung vào tiền lương, trong tháng 6 mỗi người được nhận thêm 1 triệu đồng và tháng 7 mỗi người 500.000 đồng
Ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch CĐ Công ty CPCS Tây Ninh.
“Trong số CN xin thôi việc, số lượng CN trẻ vào làm 3, 4 năm rồi xin nghỉ không nhiều, chủ yếu lực lượng CN khai thác có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm xin nghỉ việc với số lượng khá nhiều. Xảy ra tình trạng này, có yếu tố CN lo lắng về chế độ bảo hiểm xã hội sẽ có thay đổi khi Luật (BHXH) sửa đổi 2014 áp dụng từ đầu năm 2016. Trước tình hình trên, các cấp CĐ trong công ty đã chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động CNVCLĐ chia sẻ khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nêu cao tinh thần đoàn kết nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao”, ông Kim chia sẻ.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, bố trí lại vườn cây, lao động, thay đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, thay đổi phương thức cạo tận thu, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Cao su Dầu Tiếng vẫn tiến triển tốt. Tính đến đầu tháng 9/2015, công ty khai thác sản lượng 15.769 tấn/27.200 tấn kế hoạch, đạt hơn 57% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ 2014 là 7,7%. Tháng 7/2015, bình quân tiền lương 5,1 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2014. Còn lũy kế 7 tháng đầu năm 2015, bình quân tiền lương đạt 4,2 triệu đồng, thu nhập 4,6 triệu đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ 2014. Bên cạnh đó, công ty vẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca 10.000 đồng/suất ăn.
Các chế độ chính sách khác công ty đều giải quyết thỏa đáng, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã giải quyết chi bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật trên 12 tỷ đồng, trang cấp phòng hộ lao động hơn 1,6 tỷ đồng, thực hiện trích nộp BHXH, BHYT và BHTN trên 52 tỷ đồng, thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản với số tiền 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty vẫn duy trì chương trình quay vòng vốn phát triển kinh tế phụ, hỗ trợ 77 hộ gia đình CN có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn làm nhà trả góp với số tiền 2 tỷ đồng. Các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vẫn được tổ chức đều khắp các nông trường, xí nghiệp và cấp công ty.
“Do giá cao su thấp, lợi nhuận không cao, nhưng công ty vẫn đảm bảo chế độ khen thưởng để khuyến khích CN cố gắng nỗ lực trong công việc. Dự kiến, quý III này, chúng tôi sẽ tổ chức khen thưởng cho CN hoàn thành vượt mức sản lượng từ 33% trở lên, với tổng số tiền từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức khen thưởng con công nhân đậu đại học, sinh viên có thành tích học tập giỏi, chăm lo Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi”, ông Kim cho hay.
Tích cực chăm lo đời sống NLĐ
Chị Lê Thị Mỹ Thuận – Phó Chủ tịch CĐ Công ty CS Lộc Ninh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, có khoảng 500 lao động nghỉ việc, tập trung vào độ tuổi trên 40, sức khỏe giảm nên CN xin nghỉ để lấy lương hưu, cũng có CN trẻ tuổi xin nghỉ việc nhưng số lượng này không nhiều. Do đã dự báo được tình hình ngay từ đầu năm nên công ty rất chủ động trong việc sắp xếp LĐ, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn LĐ. Công ty thực hiện chế độ cạo D4 trên diện tích lớn, bố trí lao động hợp lý.
Nhờ đó sản lượng thực hiện tính đến cuối tháng 8 đạt được 53% kế hoạch”. Trong những buổi đối thoại định kỳ, CĐ công ty đã lắng nghe tâm tư,nguyện vọng của NLĐ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền về truyền thống ngành cao su, truyền thống của Công ty để NLĐ hiểu được tình hình chung của toàn ngành, cùng đồng hành với đơn vị phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cấp trên giao phó, cộng đồng trách nhiệm vượt qua khó khăn.
CĐ công ty cũng có những phong trào khuyến khích tăng năng suất lao động, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình trong lao động sản xuất, ngoài ra còn chỉ đạo BCH CĐ cơ sở bám sát những nội dung trong các buổi đối thoại định kỳ, báo cáo lên cấp trên để có những giải pháp hợp tình hợp lý. “Bên cạnh các hoạt động phong trào, công ty rất chú trọng đến thu nhập của NLĐ, tiền lương bình quân 8 tháng đầu năm đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng”, chị Thuận cho biết thêm.
Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, lượng LĐ nghỉ việc từ đầu năm đến nay khoảng 700 người, tuy nhiên song hành theo đó là có nhiều LĐ xin vào làm CN cao su, do vậy công ty không thiếu hụt nguồn LĐ. Trong hoàn cảnh khó khăn Ban lãnh đạo công ty xác định, tiết giảm suất đầu tư, tiết kiệm trong sản xuất nhưng tiền lương của NLĐ không được phép giảm nhiều. Công ty cũng chú trọng đến việc tăng thu nhập cho NLĐ, động viên NLĐ làm kinh tế gia đình, vận động CN trồng xen trên vườn cây kiến thiết cơ bản như trồng xen các loại cây họ đậu, cây nghệ… Đặc biệt, tiền lương bình quân của NLĐ vẫn duy trì
ở mức 5,8 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Trong 5 năm trở lại đây, CĐ đã cho hàng ngàn lượt CN vay vốn với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng để làm kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Để giữ chân NLĐ, nhiều đơn vị đã tổ chức các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống CN, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó với đơn vị. Năm 2015 là năm kỷ niệm 40 thành lập TCT CS Đồng Nai, đây là sự kiện lớn của đơn vị, vì vậy ngay từ đầu năm TCT đã tổ chức nhiều hoạt động quan tâm đến CN như tặng 40 căn nhà “Nghĩa tình cao su” cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vinh danh 239 gia đình truyền thống công nhân cao su tiêu biểu.…
Ông Lê Hữu Phước – Chủ tịch Công đoàn TCT CS Đồng Nai chia sẻ: “Những hoạt động phong trào của CĐ, Đoàn thanh niên TCT thể hiện sự tôn vinh các cán bộ công nhân qua nhiều thời kỳ đã đoàn kết, nhiệt tâm nỗ lực làm việc để góp phần bền bỉ vào sự phát triển của ngành cao su. Và đây cũng là lời tri ân sâu sắc và chân thành của TCT CS Đồng Nai đối với các thế hệ cán bộ CN đã gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp cao su. Chúng tôi hy vọng rằng với sự quan tâm sâu sắc của Ban lãnh đạo TCT, tập thể CBCNVC – LĐ trong toàn TCT sẽ đoàn kết, gắn bó hơn nữa, phát huy truyền thống CN Cao su Đồng Nai để cùng đơn vị vượt khó, chung tay xây dựng TCT ngày càng phát triển bền vững, đời sống NLĐ được nâng cao”.
Văn Vĩnh –Minh Quân -Minh Nhiên
Related posts:
- Ông Lê Thanh Hưng - TGĐ VRG: Các công ty cao su khu vực Đông Nam Bộ xây dựng kịch bản vượt 10% kế ho...
- Cao su Chư Sê Kampong Thom: Hiệu quả từ việc ứng dụng các phần mềm chuyên dụng vào công tác chuyên m...
- Cao su Chư Prông - 45 năm xây dựng và phát triển
- Giá cao su giảm, tiểu điền chới với!
- Mùa cạo mới với niềm tin thắng lợi!
- Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: 40 năm vượt khó, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Nhà nước trên v...
- Nông trường Bachiang IV: Năng suất vườn cây dẫn đầu Cao su Việt Lào
- Tất cả thí sinh đều đạt điểm cao tại Hội thi Bàn tay vàng Cao su Dầu Tiếng
- Ấm lòng Tết xa nhà
- Cao su Phú Riềng: Đổi mới phương pháp giao kế hoạch sản lượng đem lại hiệu quả