Bàn chuyện tuyên thệ

CSVN – Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội vừa qua là quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts, với sự hiện diện của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama và 2 con gái.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts, với sự hiện diện của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama và 2 con gái.

Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều cơ quan liên quan vào trung tuần tháng 3/2014 đã quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Ban soạn thảo dự án luật cho biết, quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật, có ý kiến đề nghị tất cả các chức danh do Quốc hội bầu phải tuyên thệ khi nhậm chức. Ý kiến khác cho rằng chỉ nên quy định về tuyên thệ khi nhậm chức đối với các chức danh Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hoặc bổ sung chức danh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ngược lại, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về việc tuyên thệ nhậm chức. Một số vị đề nghị gộp quy định về việc tuyên thệ nhậm chức tại các điều riêng thành một điều chung quy định về vấn đề này.

Theo ban soạn thảo, quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu. “Chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội chỉ thể chế hóa nội dung này”, ban soạn thảo nhấn mạnh.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới tuyên thệ ra sao? “]

Hoa Kỳ: Để nhận trách nhiệm của mình, tân Tổng thống Mỹ phải tuyên thệ: “Tôi xin thề thực hiện trung thực nhiệm vụ Tổng thống Mỹ và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ, che chở và bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ”. Phần lớn các Tổng thống Mỹ đặt tay lên một quyển Kinh thánh để tuyên thệ. Tuy nhiên đây là việc làm không bắt buộc.

Nga: Tân Tổng thống đọc lời tuyên thệ nhậm chức bằng cách đặt tay phải lên quyển Hiến pháp Liên bang Nga – cùng với con dấu và huy hiệu Tổng thống được coi là các biểu tượng quyền lực Tổng thống ở Nga và nói: “Tôi xin thề trong khi thực hiện quyền lực Tổng thống Liên bang Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền và độc lập, an ninh, và toàn vẹn của đất nước, phục vụ nhân dân một cách trung thành”.

[/stextbox]

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề tuyên thệ còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định về lễ tuyên thệ để bảo đảm việc tuyên thệ trang nghiêm, trọng thể, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi. Còn theo loại ý kiến thứ hai thì không nên quy định chi tiết về tuyên thệ để tạo sự linh hoạt, chủ động cho các chủ thể thực hiện tuyên thệ.

Thể hiện theo ý kiến thứ nhất, dự thảo nội quy quy định, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Lễ tuyên thệ của các chức danh này được tiến hành trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội theo trình tự: sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ, thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lên bục danh dự, tuyên thệ trước quốc kỳ.

Một số ý kiến băn khoăn về thời gian, nội dung tuyên thệ, vì nếu không quy định thì có người chỉ nói mấy câu, nhưng có người cũng có thể phát biểu cả một bài dài.  “Mỗi người chỉ 5 phút thôi, và nội dung tuyên thệ là giống nhau”, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, không nên chờ bầu xong tất cả các chức danh mới làm lễ tuyên thệ, mà cứ ai được bầu xong thì sẽ tuyên thệ luôn, để có thể thực hiện nhiệm vụ mới ngay. “Tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào cần trang nghiêm, nhưng đơn giản gọn gàng thôi, không nên nghiêm trọng quá chuyện này lên làm gì!”, Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Bảo Châu

2 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Trần Lê Vy
8 years ago

Cho con hỏi tại sao Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không cần thủ tục tuyên thệ nhậm chức?

Nguyễn Phúc Nguyên
7 years ago

tại sao Viện trưởng VKSND tối cao không cần phải tuyên thệ nhậm chức trước quốc hội vậy ạ?