Kiến nghị chưa chuyển đổi mô hình Tập đoàn

CSVN – Căn cứ theo Nghị định 69/2014/NĐ – CP ngày 15/7/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị có kế hoạch chuyển đổi mô hình Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành Tổng Công ty theo quy định. Tuy nhiên, xét theo tình hình hoạt động và đặc điểm thực tế, VRG đã có kiến nghị gởi các Bộ, ngành về việc chưa tiến hành việc chuyển đổi trong giai đoạn hiện nay.
 Thương hiệu VRG  đã được các đối tác trong  và ngoài nước đánh giá cao.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty  TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Tùng Châu

Thương hiệu VRG đã được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Tùng Châu
Thương hiệu VRG tạo được uy tín trên thị trường

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo số 4225 ngày 29/6/2015 rà soát tiêu chí Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước theo tinh thần Nghị định 69/2014/NĐ – CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ, theo đó VRG không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ – CP. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo VRG đã trình bày những lợi thế về việc duy trì mô hình Tập đoàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trong giai đoạn hiện nay và chiến lược phát triển của VRG trong tương lai.

Thứ nhất, thương hiệu VRG được các đối tác đánh giá cao, việc duy trì hình thức Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với việc phát triển cao su trong nước, VRG hiện đang thực hiện chương trình hợp tác phát triển cao su giữa Việt Nam với Chính phủ hai nước Lào, Campuchia, với diện tích đất đang quản lý gần 150.000 ha với hơn 115.000 ha cao su, việc giữ mô hình Tập đoàn sẽ giúp Tập đoàn giữ được vị thế để làm việc với chính quyền các nước sở tại.

Thứ hai, sản lượng tiêu thụ của VRG khoảng 350.000 tấn/năm và sẽ tăng dần hàng năm khi các vườn cao su ở Lào, Campuchia đưa vào khai thác, để tăng sản lượng hàng năm Tập đoàn tăng cường công tác thu mua mủ của cao su tiểu điền. Dù sản lượng chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng cao su cả nước nhưng VRG đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát triển thương hiệu cao su Việt Nam vì có hệ thống chế biến tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, có hệ thống kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ các yếu tố này nên VRG có thị trường rộng, không bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như cao su tiểu điền.

Phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, an sinh xã hội

Về đất đai, VRG hiện đang quản lý quỹ đất lớn, khoảng gần 400.000 ha ở trong nước, đây là quỹ đất rất lớn có thể sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế, quốc phòng, an sinh xã hội khi cần thiết mà thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng không quá phức tạp (như dự án sân bay Long Thành, các dự án phát triển nông thôn mới, giao thông, đường điện…).

Cây cao su là cây trồng đa chức năng, vừa là cây nông nghiệp vừa là cây lâm nghiệp nên có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng, nhất là ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như khu vực miền Đông Nam bộ. Phần lớn diện tích cao su VRG nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hiện nay VRG sử dụng trên 30.000 lao động người dân tộc, hoạt động của VRG mang tính hỗ trợ rất lớn cho an sinh xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT nhận định: “Công tác nghiên cứu phát triển thị trường trong nước và thế giới có nhiều bước phát triển mới, sản phẩm mang thương hiệu VRG có mặt trên 50 nước và vùng lãnh thổ. Năng lực, vị thế, hình ảnh của VRG trên thị trường thế giới được nâng cao. VRG quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, đời sống vật chất CBCNV, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, góp phần tích cực thực hiện công tác chính trị xã hội trên địa bàn có đơn vị cao su đóng chân”.

Với kiến nghị này của VRG, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị: “Hiện tại với tên gọi Tập đoàn, VRG đang có vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ tạo cơ hội tốt cho việc mở rộng và phát triển hơn nữa. Vì vậy, việc “thay tên đổi họ” của Tập đoàn là chưa cần thiết”.

Minh Nhiên