CSVN – Hệ thống di tích Cố đô Huế hiện còn bảo tồn được hàng ngàn đơn vị văn thơ chữ Hán, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn nhất định trong lịch sử Việt Nam. Đây là một di sản tư liệu độc đáo, có giá trị ở tầm quốc gia và quốc tế. Hệ thống di sản tư liệu độc đáo này vừa được giải mã để đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.
Hệ thống di sản tư liệu độc đáo
Theo thống kê, tại các kiến trúc đền đài, lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn ở Huế, hiện còn 2.967 ô thơ, văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đây thật sự là một bảo tàng sống động, một “thư viện” văn chương thời Nguyễn có một không hai.
Toàn bộ hệ thống thơ văn là văn tự chữ Hán, sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván ở các di tích kiến trúc Huế được xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945). Đó là những bản gốc duy nhất hiện còn ở hệ thống di tích Cố đô Huế, đồng thời, luôn được nhìn nhận là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, vừa hàm chứa một giá trị lịch sử quý báu, nên càng lúc càng được bảo tồn trân trọng. Trong những năm gần đây, nhiều di tích được trùng tu, các văn tự này ở một số nơi được tôn vinh bằng cách dặm vá lại bằng sơn son và thếp vàng (vàng thật) như nó đã là trong quá khứ, vừa đảm bảo tính lịch sử vừa thể hiện sự trân trọng với mảng văn hóa độc đáo này.
Cần nhấn mạnh đây là một di sản tư liệu hết sức độc đáo và duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, chưa thấy di tích nào trên thế giới có một hệ thống văn tự trình bày theo lối “nhất thi nhất họa” – cứ mỗi bài thơ có một bức họa kèm theo – gần như biến thành một lề lối phép tắc quy củ của triều đình như ở cung đình Huế. Độc đáo ở Việt Nam và độc đáo trên thế giới là điều mà đa số thừa nhận, thể hiện qua nhiều khía cạnh. Hiện tại, toàn bộ hệ thống tư liệu này đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như để hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc.
Thú vị bài thơ tuyên ngôn độc lập
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Phòng Nghiên cứu Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế) cho biết điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng, thể hiện quyền uy của triều đại, đóng vai trò chính thức trong việc đối nội, đối ngoại cho nên quy mô, cấu trúc cũng như trang trí đều rất đặc biệt, thể hiện tôn ti, trật tự rõ ràng. Do tính chất quan trọng như vậy nên hệ thống thơ văn được trang trí trên điện Thái Hòa cũng mang ý nghĩa chính trị, thể hiện những thông điệp chính của triều đại.
Tại điện Thái Hòa hiện có 295 ô hộc có trang trí thơ văn chữ Hán, trong đó 248 ô hộc bằng gỗ, 47 ô hộc pháp lam. Hình thức trang trí của các ô hộc theo mô tuýp “nhất thi, nhất họa”.
Bài thơ quan trọng nhất đặt ở bức hoành phi ngay gian giữa, bên dưới bức hoành phi lớn ghi chữ Thái Hòa Điện, được khắc trên gỗ, sơn son thếp vàng. Bài thơ nguyên văn được phiên âm như sau: Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường, Ngu.
Dịch nghĩa:
Nước Việt đã ngàn năm văn hiến/ Cơ đồ vạn dặm đã thống nhất hoàn toàn/ Từ thuở Hồng Bàng mở nước/ Trời Nam đã một cõi sánh với Đường, Ngu. (bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng).
Diễn nghĩa hai câu sau rõ hơn là: kể từ thời Hồng Bàng dựng nước cho đến nay, nước VN ta đã là một cõi riêng thái bình, thịnh trị tương đương như thời Đường (thời thịnh trị của vua Nghiêu) và Ngu (của vua Thuấn) của Trung Hoa.
Cùng với bài thơ này còn có hai bài thơ mang ý nghĩa bổ sung thêm cho niềm tự tôn dân tộc, ca ngợi triều đại mới và thể hiện lý tưởng xây dựng đất nước mãi mãi phồn vinh.
Bài bên trái: Thái bình tân chế độ/ Hiên khoát cựu quy mô/ Văn vật thanh danh hội/ Xuân phong mãn đế đô.
Dịch nghĩa:
Đất nước thái bình trong chế độ mới/ Mở rộng quy mô xưa/ Văn vật người tài về tụ hội/ Gió xuân tràn ngập cả kinh đô.
Bài bên phải: Địa địa chung linh khí/ Quần tinh củng đế xu/ Thánh hoàng trung kiến cực/ Liễm phúc dĩ thời phu.
Dịch nghĩa:
Đất lành un đúc linh khí/ Tinh tú chầu về nơi vua ở / Bậc thánh đế trang nghiêm trên ngôi báu / Tích phúc để lan tỏa cho muôn dân.
Có nhiều cách kiến giải khác nhau về 3 bài thơ này, nhưng tất cả đều thừa nhận cụm thơ văn trên điện Thái Hòa mang chung một ý nghĩa đó là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, ca ngợi chế độ, ca ngợi nền thái bình thịnh trị của đất nước.
Tác giả những bài thơ trên điện Thái Hòa, theo nhiều nhà nghiên cứu là của vua Minh Mạng, trích trong tập Ngự chế thi. Tuy nhiên, điều này vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.
Như Bá
Related posts:
- Vươn lên từ cánh rừng cao su
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Hội thi Tiếng hát Công nhân cao su
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- May
- Bức tranh chân thực và sinh động về ngành cao su
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Xuân trên bản làng đồng bào Rơ Mâm
- Vị ngọt trong những ngày gian khó