Mùa nấm mối

CSVN – Khi xuất hiện những đám mưa nặng hạt kéo dài vài ngày thì trời chớm nắng – có khi là tiết trời oi bức vào cuối buổi chiều – cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc. Mùa nấm mối kéo dài từ khoảng đầu tháng 5 đến nửa tháng 6 âm lịch, rộ nhất vào đầu tháng 6.
Hớn hở thu hoạch nấm mối
Hớn hở thu hoạch nấm mối

Đây thực sự là món quà thiên nhiên ban tặng cho con người. Dưới lớp lá cao su ướt đẫm vì nhiều cơn mưa dài ngày, từng chiếc dù nhỏ màu nâu đen nhú lên từ lòng đất, có khi là những chiếc dù nhỏ trắng tinh khôi. Thời gian nấm mọc và thời gian tàn lụi cũng rất nhanh, chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ. Biết được đặc điểm này, người dân “săn” nấm mối phải dậy từ rất sớm để đi dò tìm khắp nơi
trong vườn. Có điều, nấm mối thường mọc lại hay mọc xung quanh nơi mà năm trước đã có nên dễ tìm.

Ngày nay nấm mối trong vườn không còn nhiều mà chủ yếu mọc trong các rừng cao su bạt ngàn. Người chuyên đi kiếm nấm theo mùa vụ có thể kiếm bạc triệu mỗi ngày. Công nhân cao su trong những ngày nấm mọc vô tình đạp phải cây nấm mới lên khi đi cạo, hoặc trong giờ chờ trút mủ cùng nhau đi dọc theo đường lô cố tìm những cây nấm đang lẫn trốn dưới lớp lá.

Nấm mối trốn lẫn dưới lớp lá cao su
Nấm mối trốn lẫn dưới lớp lá cao su

Sau giờ nhập mủ, người thì tụ họp bên gia đình, người thì cùng đồng nghiệp quây quần bên chảo bánh xèo nghi ngút khói. Cảm giác thật ấm cúng khi ngoài trời mưa bay se lạnh, từng chiếc bánh xèo nóng hổi được đúc ra từ bột gạo và cây nấm hái được, chan vào một ít nước mắm chua ngọt, rau thì bên vườn có cây lá lốt, lá xoài non hái vào ăn kèm.

Cứ như thế, một năm trôi qua người công nhân lại mong chờ một mùa nấm bội thu, và đi kèm là những “bữa tiệc” ấm cúng. Đó chỉ là những chiếc bánh đơn sơ mộc mạc nhưng thấm đượm vị ngọt của đất trời, của tình cảm người công nhân dành cho gia đình – cho đồng nghiệp.

Bài, ảnh: Công Mai