Nên có chính sách đặc biệt tạo thế và lực cho ngành cao su

CSVNO – Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại buổi làm việc với Hiệp hội Cao su VN (VRA) về những thuận lợi, khó khăn của ngành cao su và giải quyết các kiến nghị của VRA, vào ngày 7/9.
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch VRA, TGĐ VRG báo cáo tình hình ngành cao su với Thứ trưởng
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, TGĐ VRG báo cáo tình hình ngành cao su với Thứ trưởng

Trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng cao su xuất khẩu đạt 632.000 tấn, tăng khoảng 11% về lượng nhưng giảm 10,3% về giá trị, chỉ đạt khoảng 921 triệu USD với đơn giá bình quân  khoảng 1.458 USD/tấn, giảm 19,2% về giá so với cùng kỳ năm 2014. Trong cả năm 2015, khả năng xuất khẩu cao su thiên nhiên của VN được dự báo có thể đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 3,1% về lượng, nhưng do giá giảm sâu trên thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu cao su có thể chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2014.

Về thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2015, VN đã xuất khẩu cao su sang 71 thị trường, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với 248.337 tấn (chiếm 47,6%). Tiếp đến là thị trường Malaysia đạt 88.540 tấn (chiếm 17%), thị trường Ấn Độ đạt 40.288 tấn (chiếm 7,7%). Các thị trường khác có tỷ trọng rất nhỏ, dưới 4% mỗi nước.

Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, TGĐ VRG, cho biết: “Trong thời gian qua, VRA đã nghiên cứu rất kỹ về chính sách thuế GTGT gây vướng mắc cho xuất khẩu cao su. Chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT áp dụng từ năm 2014 cho các nông, thủy sản chỉ mới qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm khác đã tạo nhiều thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản. Nhưng chính sách này chưa được áp dụng đối với mủ cao su sơ chế. Lý do là mủ cao su sơ chế lại không được xếp vào mặt hàng nông, thủy sản chỉ mới qua sơ chế, mà lại được xếp vào mặt hàng nhựa thông theo quy định của Bộ Công thương, nên phải chịu thuế 5%”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng: “Mủ cao su sơ chế phải được điều chỉnh vào mặt hàng nông sản, chứ không phải nhóm hàng nhựa thông. Trong thời gian này, Bộ Công thương đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành để điều chỉnh bất cập trong các qui định, đề nghị Cục Chế biến Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối hỗ trợ về việc này”.

Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo Cục Chế biến Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối là đầu mối hỗ trợ giải quyết các kiến nghị của VRA.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo Cục Chế biến Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối là đầu mối hỗ trợ giải quyết các kiến nghị của VRA.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ đạo Cục Chế biến Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối là đầu mối giải quyết các kiến nghị của VRA như xem xét miễn giảm tiền thuê đất cho vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, các dự án trồng cao su nên được đưa vào danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp nông thôn, gỗ cao su hợp pháp nên có hướng dẫn thủ tục pháp lý, xem xét xây dựng bộ phận quản lý nhà nước để quản lý chất lượng mủ cao su sơ chế cho toàn ngành cao su trước khi xuất khẩu…

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của VRG trong việc xây dựng điển hình nông thôn mới tại các tỉnh miền núi phía Bắc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. VRG đã hỗ trợ các tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, góp phần vào chính sách xóa đói giảm nghèo tại địa phương nơi có cao su đứng chân.

Thứ trưởng nhận định: “VRG là tập đoàn kinh tế gắn với an sinh xã hội rất tốt. VRG không chỉ giải quyết việc làm cho 120.000 lao động, mà còn góp phần giữ vững quốc phòng an ninh, đặc biệt là vùng viên giới, vùng sâu vùng xa. Hơn nữa, cây cao su là cây rừng, nên xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của Chính phủ. Các Bộ, ngành sẽ phối kết hợp với nhau để giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của VRG nói riêng và ngành cao su nói chung”.

Thứ trưởng tin tưởng trong thời gian tới, VRG tiếp tục là cánh chim đầu đàn đưa ngành cao su vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.  Bộ NN&PTNT cũng sẽ sát cánh hỗ trợ ngành cao su trong thời kỳ giá thấp.

Tin, ảnh: Ngọc Cẩm