CSVN – Nhằm mục tiêu tăng độ che phủ của rừng, giải quyết tình trạng rừng trống cây, đồi trọc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định giao cho nhiều doanh nghiệp (DN) đất rừng ở các địa phương trong tỉnh để khai hoang trồng rừng và trồng cao su. Tuy nhiên, hiện nay sau khi được giao rừng, có không ít DN thực hiện sai cam kết trong việc trồng rừng.
Cụ thể, tháng 7/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho Công ty CP ĐTXD Tân Phú Hưng khai hoang 371,9ha đất để trồng cao su, ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo. Theo tiến độ trong dự án đầu tư, công ty sẽ trồng hết diện tích cao su theo quy hoạch trong 2 năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại – sau 5 năm được giao đất rừng, DN này chỉ mới trồng được 26ha cao su.
Đầu năm 2012, Công ty TNHH Anh Quốc (tại tiểu khu 239, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) hoàn thành việc trồng thí điểm 100ha cao su trên diện tích đất tỉnh cho thuê. Dù vậy, theo ý kiến của địa phương, hiện nay công ty này có biểu hiện thiếu năng lực để tiếp tục thực hiện dự án. Năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra, kết quả cho thấy, tại dự án này nhiều diện tích cao su sinh trưởng kém, tỉ lệ chết tương đối cao do bị ngập úng và bị chết khô do tỉa cành không đúng kỹ thuật, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức. Đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
Ngoài ra, Công ty TNHH TMSX Lộc Phát thuê đất rừng tại tiểu khu 106, thuộc địa phận xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo và Công ty CP Địa ốc Thái Bình Phát được thuê đất rừng tại tiểu khu 267, 268 thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp thay vì trồng rừng như cam kết lại triển khai trồng cà phê và sắn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần có văn bản yêu cầu 2 công ty khắc phục trồng lại rừng trên diện tích đã trồng cà phê, sắn sai mục đích nhưng DN vẫn cố tình không thực hiện.
Riêng đối với Công ty TNHH Hoàng Nguyễn, năm 2009 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 438ha đất rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên cần khoanh nuôi, bảo vệ gần 76ha, đất rừng chuyển đổi trồng cao su gần 364ha. Tuy nhiên, đến nay công ty mới trồng được hơn 100 ha cao su phát triển không tốt, còn lại tổ chức trồng mỳ và một số cây hoa màu khác. Nghiêm trọng hơn, một số DN đang chờ UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét hồ sơ nhưng lại tự ý khai hoang trái phép. Điển hình như Công ty TNHH 27/7 (tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp) tháng 10/2012, hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải tạo rừng của DN được Sở NN&PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh xin chủ trương xử lý cây gỗ trên diện tích rừng được thuê để cải tạo. Tuy nhiên, trong thời gian chờ UBND tỉnh xem xét giải quyết, DN đã tự ý khai hoang trái phép 38,66ha trong diện tích quy hoạch cải tạo rừng và tiến hành trồng 24,43ha cao su, 2ha điều.
Trước thực trạng này, đã có 9 Dự án trồng rừng và cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bị thu hồi và kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư do không thực hiện đúng cam kết với chính quyền địa phương.
Trường Ngữ
Related posts:
- Tích cực hỗ trợ các đơn vị khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Campuchia
- Sôi nổi ra quân
- Cao su Kon Tum: Năm thứ 9 là thành viên CLB 2 tấn/ha của VRG
- Cao su Chư Păh tập huấn phòng cháy chữa cháy
- Tổng Lãnh sự Campuchia tại TP.HCM thăm, làm việc với VRG
- Cao su Đồng Nai thưởng 3 tháng lương cho người vượt sản lượng cao nhất
- Cao su Phú Riềng được tôn vinh tại Triển lãm Tự hào trí tuệ Lao động VN
- Đại hội Đảng bộ VRG lần VIII nhiệm kỳ 2015 - 2020
- Tập trung vào giải pháp cho năm 2019
- Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG: "Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nội ...