CSVN – Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long có diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản năm 2015 là 848 ha. Trong đó, có 500 ha trồng xen canh các loại cây ngắn ngày: lúa, bắp, đậu phụng, mè đen… Công tác trồng xen canh được thực hiện tại hầu hết các nông trường trực thuộc công ty, nổi bật nhất là Nông trường Xa Trạch, với diện tích trồng xen 151 ha.
Nhiều kinh nghiệm trồng xen
Trồng xen canh cây ngắn ngày quá quen thuộc với công nhân (CN) chăm sóc ở Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Là người có 35 năm làm CN chăm sóc cao su, anh Lưu Bá Sinh – Tổ trưởng Chăm sóc Đội 3 Nông trường Xa Trạch, chia sẻ: “Những năm trước, khi giá mủ cao, CN có thu nhập khá nên ít quan tâm đến việc trồng xen canh. Vài năm gần đây, khi giá mủ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đặc biệt là CN chăm sóc. Bởi vậy khi công ty có chủ trương cho CN chăm sóc mượn đất trồng xen canh cây ngắn ngày, hầu hết mọi người đều phấn khởi, hăng hái nhận đất trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Với kinh nghiệm trồng xen canh cây lúa, anh Sinh cho biết giống lúa được CN trồng là giống lúa nương ngắn hạn, được trồng ở trên đồi, không cần nhiều nước, cũng như công chăm sóc như lúa nước. Thời hạn thu hoạch lúa chỉ sau 3 tháng, năng suất đạt 15 tạ/ha. Trừ chi phí, CN thu lãi gần 10 triệu đồng/ha.
Với kinh nghiệm trồng bắp qua nhiều vụ, chị Lê Thị Lý – CN chăm sóc Đội 3 Nông trường Xa Trạch, chia sẻ: “Lợi thế của vùng Bình Long là đất đai màu mỡ tốt tươi, khí hậu trong lành, mưa thuận gió hòa, vì vậy rất tốt để trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày. Từ khi xuống giống cho đến thu hoạch bắp chỉ mất 75-80 ngày. Với cự ly trồng 60 x 20cm, 1 ha trồng bắp nếp cho thu 1,5 tấn bắp tươi. Trừ mọi chi phí, lãi không dưới 3 triệu đồng”.
Tiết giảm chi phí chăm sóc cao su
Ông Mai Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Nông trường Xa Trạch cho biết: “Trong thời gian cao su chưa khép tán thì có thể trồng xen nhiều loại cây trồng khác nhằm tăng thêm thu nhập.Việc trồng xen canh đã giúp phủ xanh nhiều diện tích đất bỏ trống trong thời gian chờ cao su phát triển. Ngoài ra còn giảm bớt tình trạng xói mòn đất tại những nơi đồi dốc, giúp cản gió cho cây cao su mới trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho cao su phát triển. Hơn nữa, cây trồng xen hấp thụ các chất khó tan trong lòng đất, sau khi thu hoạch để lại lượng chất hữu cơ làm tăng độ phì cho đất và có sản phẩm ủ gốc giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông để cây cao su trồng mới sinh trưởng, phát triển tốt”.
Mô hình trồng xen canh trong vườn cao su chưa khép tán không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động trong lúc giá mủ cao su thấp, giúp họ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, tích cực chăm sóc vườn cây mà còn góp phần cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất.
Trần Huỳnh
Related posts:
- Hệ thống thu gom mủ tự động: Hữu ích nhưng cần khắc phục các khuyết điểm
- Tổ 6, Nông trường 1, Cao su Phú Riềng dự kiến năng suất vườn cây 3,4 tấn/ha
- Hiệu quả cải tiến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu
- Nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp
- Cao su Sơn La tập huấn khai thác mủ
- Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng
- Tận tâm, sáng tạo trong công việc
- Chi bộ Ban Tuyên giáo Thi đua VRG linh hoạt, sáng tạo trong sinh hoạt Chi bộ
- Không bón phân vườn cây khai thác
- Các công ty cao su Tây Nguyên vượt khó thành công