CSVNO – Sáng ngày 26/8, tại huyện San Tuk, tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia, Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên – Kampong Thom đã long trọng tổ chức Lễ mở miệng khai thác mủ cao su và khánh thành nhà máy chế biến mủ.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Đến dự có ngài Yim Chhay Ly – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia kiêm Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và Phát triển lĩnh vực Nông nghiệp Nông thôn; đại diện các bộ ngành Chính phủ Campuchia.Về phía Việt Nam, có ông Cao Đức Phát – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Thạch Dư – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Campuchia, Thứ trưởng Bộ ngoại giao. Về phía lãnh đạo VRG có ông Võ Sỹ Lực – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, TGĐ; Phó TGĐ Huỳnh Trung Trực.[/stextbox]
Sự kiện có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia – ngài Yim Chhay Ly đánh giá sự kiện mở miệng khai thác mủ cây cao su và khánh thành nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên – Kampong Thom, là niềm vinh dự của chính sách phát triển cao su tại Campuchia. “Ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tham gia thực hiện chính sách của Chính phủ Hoàng gia nhằm mục đích phát triển công nghiệp cao su”, Phó Thủ tướng Campuchia phát biểu.
Chính phủ Campuchia nhận thấy rằng, tăng trưởng kinh tế Campuchia hiện vẫn dựa vào cơ sở nhỏ và nông nghiệp vẫn là lĩnh vực ưu tiên thu hút, tạo công ăn việc làm cho đông đảo lực lượng lao động nhất. Chính vì vậy, việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố chính của kinh tế nông thôn.
“Mặc dù các loại cây lương thực khác như lúa, gạo… đã góp phần rất lớn vào nguồn thu của Nhà nước nhưng cây cao su vẫn là một loại cây công nghiệp rất quan trọng trong việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Trên danh nghĩa Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho phép tôi bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với việc đầu tư của tất cả các công ty Việt Nam tại Campuchia, cùng tham gia với Chính phủ Hoàng gia trong công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước, đã tạo thành niềm tự hào cho Vương quốc Campuchia, đổi mới bộ mặt và từng bước tiến lên theo kịp các quốc gia trên thế giới. Chúc Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH PTCS Tân Biên – Kampong Thom hoạt động thành công tốt đẹp”, ngài Yim Chhay Ly bày tỏ.
Còn ngài It Som Orn – Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom, phát biểu, từ một tỉnh chỉ có tiềm năng nông nghiệp trồng lúa, đến nay Kampong Thom trở thành tỉnh có diện tích đất trồng cây cao su rất lớn, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho người dân địa phương. Họ được sử dụng các cơ sở hạ tầng mà các công ty Việt Nam đã đầu tư xây dựng như: Trường học; chùa chiền; đường xá; trạm y tế. Hơn nữa, các công ty cũng đã xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân an tâm công tác tại đơn vị.
“Với những thành công của công ty, tôi đánh giá cao những mối quan hệ hợp tác giữa công ty với chính quyền sở tại, các cơ quan ban ngành, lực lượng vũ trang các cấp. Chúng tôi đánh giá các công ty cao su Việt Nam là nhân tố của tỉnh, bởi các công ty đã đạt thành công kế hoạch cả về số lượng và chất lượng trồng. Đây là những công ty thấu hiểu về tình hình xã hội địa phương, từ đó có thể xây dựng được một mối quan hệ rất chặt chẽ với cả người dân địa phương và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình”, ngài tỉnh trưởng Kampong Thom bày tỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT VN Cao Đức Phát cho rằng sự hiện diện của ngài Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành và người dân Campuchia tại buổi lễ hôm nay đã thể hiện sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ đến dự án của VRG. Hợp tác toàn diện và hữu nghị là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong những năm qua, giữa VN và Campuchia đã tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, thể hiện cụ thể qua nhiều dự án được các doanh nghiệp đầu tư tại Campuchia.
“Tính từ năm 2009 đến nay đã có 171 dự án của VN đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn hơn 3,2 tỷ USD. Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Trong đó, các dự án đầu tư vào nông nghiệp chiếm 51%. Riêng cây cao su, tính đến cuối năm 2014, VRG đã trồng được hơn 90.000 ha. Với sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và người dân Campuchia các dự án đầu tư của Việt Nam đều có hiệu quả”, Bộ trưởng cho biết
Tôi vui mừng khi thấy nhiều vườn cây cao su xanh tốt và những nhà máy chế biến mọc lên, và càng vui mừng hơn thấy người dân Campuchia có việc làm, thu nhập ổn định từ khi có cây cao su. Ngoài ra, người dân bản địa còn được thụ hưởng đường sá, trường học, trạm y tế, chùa chiền… Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của VRG và các công ty thành viên đã thực hiện nghiêm túc chương trình hợp tác phát triển cao su của hai nước. Để các dự án của Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ Campuchia và các bộ, ngành và người dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Sẽ mở rộng diện tích khai thác lên 4.535 ha vào năm 2016
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, TGĐ Trần Ngọc Thuận đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành, tri ân sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo và các Bộ ngành hữu quan của hai Nhà nước, đã hỗ trợ Tập đoàn và các đơn vị thành viên tại Campuchia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt mục tiêu đầu tư trồng và phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia theo thỏa thuận của 2 Chính phủ trong suốt 10 năm vừa qua.
TGĐ VRG cho hay, thực hiện chương trình thúc đẩy các quan hệ đầu tư, hợp tác tại Campuchia của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế – văn hóa, công nghệ giữa Campuchia và Việt Nam, đặc biệt là Biên bản ghi nhớ ngày 22/9/2009 giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Vương quốc Campuchia về hợp tác đầu tư trồng 100.000 ha cao su, giao cho VRG làm đầu mối. Từ năm 2006, Tập đoàn đã thực hiện chương đầu tư phát triển trồng cao su tại Campuchia với quy mô tổng mức đầu tư được thỏa thuận là 1 tỷ USD, đến nay đã triển khai thực hiện được tương đương 666 triệu USD.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Tập đoàn hiện có 14 đơn vị thành viên đang triển khai thực hiện 18 dự án trồng cao su tại Vương quốc Campuchia với tổng quỹ đất tô nhượng được Chính phủ Campuchia cấp là 129.993 ha. Đến nay, đã triển khai trồng được hơn 90.000 ha tại các tỉnh: Kampong Thom, Kratie, Moldulkiri, Rattanakiri, Stung Treng, Preah Vihear, Siêm Riệp và Oddor Meanchey và dự kiến tiếp tục đầu tư hoàn thành chương trình phát triển cao su theo thỏa thuận giữa 2 Chính phủ trong năm 2015.
Hiện nay, Tập đoàn đã đưa vào khai thác với tổng diện tích gần 700 ha, dự kiến năm 2016 sẽ mở rộng diện tích khai thác lên 4.535 ha cao su thuộc các Công ty Tân Biên Kampong Thom, Bà Rịa Kampong Thom, Phước Hòa Kampong Thom, Đồng Nai Kratie, Đồng Phú Kratie và Mang Yang Rattanakiri. Tập đoàn đã triển khai đầu tư 2 nhà máy chế biến cao su tại Vương quốc Campuchia đó là: Nhà máy Chế biến Cao su Oyadav thuộc Công ty TNHH PTCS Mang Yang, chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 12/2014 và Nhà máy chế biến Cao su Tân Biên Kampong Thom được tổ chức khánh thành hôm nay.
[/stextbox]“Song song với việc đầu tư trồng chăm sóc cây cao su, trong chương trình đầu tư của mình, Tập đoàn đã dành một khoản kinh phí tương đương 30 triệu USD để triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội trong vùng dự án như giao thông, điện, nước, các công trình giáo dục, y tế, tôn giáo. Ngoài ra, chúng tôi đã tích cực tham gia đóng góp cho các chương trình phúc lợi với tổng kinh phí đã tham gia hỗ trợ đến nay hơn 10 triệu USD.
Có thể nói rằng tại những nơi có dự án của Tập đoàn đứng chân, đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư quanh vùng dự án đã phát triển, chuyển biến rõ rệt và trở thành những khu vực phát triển cây công nghiệp trù phú cùng với các điều kiện an sinh xã hội tốt hơn trước nhiều lần. Hàng năm, tại các dự án cao su ở Vương quốc Campuchia, các dự án của Tập đoàn đã tạo công ăn việc làm bình quân cho hơn 14.000 lao động địa phương đến làm việc dài hạn và thời vụ cho các đơn vị, với mức thu nhập ổn định và đời sống được cải thiện hơn nhiều lần so với trước khi có dự án”, ông Thuận cho biết.
Mốc son đánh dấu thành quả lao động
Đối với Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom, sau 8 năm triển khai dự án, đến nay đã trồng hoàn chỉnh 7.239 ha cao su. Đây là công ty đầu tiên của VRG mở miệng khai thác mủ cao su tại Campuchia. Ngoài mục tiêu đầu tư phát triển cao su tại tỉnh Kampong Thom, công ty cũng là đơn vị đặc biệt quan tâm thu hút lao động địa phương vào làm việc tại dự án với hơn 1.200 lao động hàng năm, thu nhập bình quân 161 USD/người/tháng.
Ngoài tiền lương, công ty còn tích cực chăm lo đời sống cho đội ngũ công nhân, người lao động thông qua các chế độ khen thưởng nhân ngày Lễ, Tết, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động cho toàn thể người lao động theo pháp luật Campuchia.
Tất cả công nhân vào làm việc cho công ty đều được cấp nhà ở, cung cấp điện, nước sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân ổn định cuộc sống. Đến nay, công ty đã xây dựng được 128 căn nhà tường song lập, 212 căn nhà gỗ, 8 dãy nhà tập thể. Ngoài ra, công ty cũng tích cực tham gia phối hợp cùng với địa phương tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng hạ tầng kết nối tại địa phương.
Cụ thể, đã xây dựng 1 trường học với 5 phòng học; đầu tư 1 trạm y tế và tổ chức mạng lưới y tế từ cấp công ty đến các đơn vị trực thuộc. Từ năm 2007 đến nay, công ty luôn tích cực tham gia đồng hành cùng với địa phương trong các chương trình phúc lợi – xã hội, với tổng số tiền đóng góp đến nay hơn 230.000 USD. Đặc biệt năm 2012, công ty cùng với 2 đơn vị trên cùng địa bàn là Phước Hòa Kampong Thom và Bà Rịa Kampong Thom đóng góp xây dựng 1 ngôi chùa với trị giá 55.000 USD tạo điều kiện cho cư dân trong và quanh vùng dự án có nơi để sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhà máy chế biến mủ của công ty được bắt đầu triển khai xây dựng vào năm 2014 với dây chuyền sản xuất mủ RSS với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 3.000 tấn/năm. Dự kiến năm 2016, đơn vị tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất đưa tổng công suất nhà máy lên 9.000 tấn/năm và sang năm 2017 Tập đoàn có kế hoạch thỏa thuận cho công ty tiếp tục triển khai dây chuyền chế biến mủ SVR 5, 10 với công suất 6.000 tấn/năm, đưa tổng công suất chế biến mủ cao su đa chủng loại của đơn vị lên 15.000 tấn/năm đủ năng lực để đảm nhiệm công tác chế biến cao su cho 2 đơn vị liền kề là Công ty TNHH PTCS Phước Hòa Kampong Thom và Bà Rịa Kampong Thom, trong giai đoạn đầu 2 đơn vị chưa triển khai xây dựng nhà máy chế biến.
“Ngày hôm nay, những diện tích cao su xanh tốt của Công ty TNHH PTCS Tân Biên Kampong Thom chính thức được đưa vào mở miệng khai thác, Nhà máy chế biến cao su hiện đại, công nghệ chế biến tiên tiến được hoàn thành, vinh dự được lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Chính phủ Việt Nam đến dự và cắt băng khánh thành. Đây là dấu son quan trọng đánh dấu thành quả của một chặng đường lao động hăng say, nhiệt huyết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong triển khai thực hiện phát triển 100.000 ha cao su tại nước bạn Campuchia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của VRG nói chung và tập thể CBCNVC-LĐ của Công ty TNHH PTCS Tân Biên – Kampong Thom nói riêng”, ông Thuận bày tỏ.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép
- Phát triển cao su bền vững là xu hướng tất yếu
- Bàn giao Khu du lịch Hàm Rồng cho huyện Sa Pa
- Cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn
- Công ty Mang Yang ký kết giao ước thi đua 2018
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tham gia Hội thi tay nghề cấp Bộ
- "Không thể kỳ vọng giá nông sản lúc nào cũng cao"
- Chủ động xây dựng 3 kịch bản ứng phó
- Hỗ trợ giá bán cho đơn vị Tây Nguyên và miền Trung
- Thành công của sự hợp tác hữu nghị và phát triển