CSVN – Nhìn sự chăm chút, tỉ mỉ đục đẽo từng đường nét trên tác phẩm nghệ thuật tượng gỗ, nhiều người nghĩ rằng A Yưk là nghệ nhân được truyền nghề bài bản. Thế nhưng, với người đàn ông này, mọi sự bắt đầu từ niềm đam mê và sự mày mò tự học mà nên..
Gần chục năm nay, mỗi khi trong làng có lễ hội là bà con dân làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) lại mang những con rối đặt sẵn ở nhà Rông ra biểu diễn hòa cùng nhịp điệu cồng chiêng để tạo không khí lễ hội của làng thêm vui. Điều thú vị là những con rối ấy được chính người con của làng – ông A Yưk (52 tuổi) chế tác…
Đam mê tạc tượng gỗ
Ở Ia Chim, bây giờ gần như ai cũng biết nghệ nhân A Yưk với tài tạc tượng gỗ dân gian đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Nhiều năm rồi, ông luôn được mời tham gia tạc tượng tại Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc tỉnh Kon Tum hay Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội với nhiều tượng gỗ ấn tượng.
Trong một lần trên đường đi làm thuê cho bà con ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), A Yưk vô tình nhìn thấy những bức tượng nhà mồ đặt bên những ngôi mộ của đồng bào Ja Rai bên đường. Nhìn những bức tượng thấy hay hay lại gắn với phong tục bỏ mả truyền thống của người Ja Rai nên A Yưk muốn thử sức mình với nghề tạc tượng.
Cố gắng nhớ hình ảnh những bức tượng nhà mồ trong đầu, chờ hết mùa rẫy ông A Yưk chặt gốc cây nhỏ trong vườn nhà để tạc tượng thử nghiệm. Bức tượng đầu tiên ông chế tác là tượng một người đàn ông Ja Rai. Tác phẩm đầu tay làm ra tuy vẫn ra hình hài nhưng có lẽ vì thiếu cái hồn nên ông A Yưk phải chặt hạ thêm nhiều gốc cây khác trong vườn nhà của mình nữa mới giúp ông thành công.
Vừa học vừa làm theo đơn đặt hàng của nhiều người, năm 2013, ông A Yưk chính thức được thành phố Kon Tum chọn đi tham gia tạc tượng dân gian ĐBDTTS tại Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc tỉnh Kon Tum, rồi tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội…
Bây giờ, nghệ nhân A Yưk đã tạc được khoảng 20 tác phẩm tượng gỗ dân gian DTTS như tượng người đàn ông ngồi uống rượu ghè, người phụ nữ địu con, phụ nữ đang tắm, người đàn ông đội nước, người đàn bà cho con bú, người đàn ông vác nỏ đi rừng, người nam và người nữ đang ôm nhau… Theo nghệ nhân A Yưk, khó nhất của tượng gỗ dân gian ĐBDTTS là thần thái gương mặt của bức tượng. Ông A Yưk dẫn chứng điển hình như bức tượng người đàn ông ngồi nhớ con buồn đến rơi nước mắt nếu làm liên tục phải cả tuần mới hoàn thành, trong đó thời gian dành để tạc gương mặt của nhân vật phải chiếm 4-5 ngày.
Giữ hồn làng
Nghệ nhân A Yưk cho biết niềm vui lớn nhất của ông giờ đây là ông đã tiếp nhận được 2 học trò để truyền nghề và cũng chính là những người cháu bà con của ông là anh Rơ Chăm Banh (49 tuổi) và A Thoang (25 tuổi). Từ chỗ cũng đam mê, yêu thích nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian nên trong thời gian ngắn Rơ Chăm Banh và A Thoang đã học được nghệ thuật tạc tượng gỗ ĐBDTTS.
Anh Rơ Chăm Banh cho biết, từ lâu thấy cậu A Yưk tạc tượng mình thích lắm nên khi được cậu mở lời truyền nghề mình đã chặt cây gỗ mang đến nhà để nhờ chỉ dạy. Khó nhất trong nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian ĐBDTTS đó là làm thế nào để có thể thể hiện được sắc thái biểu cảm trên gương mặt của mỗi tác phẩm tượng gỗ…
Cùng với nghệ thuật tạc tượng, thầy trò ông A Yưk và Rơ Chăm Banh còn là những người truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng (cả hai là đội trưởng và đội phó đội cồng chiêng của làng). Đội cồng chiêng Ja Rai của làng Klâu Ngo Zố hiện có đến 30 người. Vì được tập luyện thường xuyên nên đội cồng chiêng của làng cũng được chọn đi biểu diễn nhiều sự kiện lớn cấp thành phố, cấp tỉnh…
Có một điều khiến nghệ nhân A Yưk trăn trở đó là hiện nay đội cồng chiêng người lớn của làng ai nấy đều biểu diễn thành thục và nuôi giữ được niềm đam mê nhưng với thanh thiếu nhi trong làng thì vẫn chưa tập hợp được thành đội nên ông dự định, sẽ đứng ra tập hợp những người trẻ học đánh cồng chiêng để chỉ dạy với mong muốn thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ hồn làng.
Tú Quyên – Sơn Kim
Related posts:
- Rừng cao su Long Thành là bối cảnh phim "tiếng sét trong mưa"
- Cần phải nhìn lại chuyện lễ hội
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật
- Cao su Dầu Tiếng khánh thành Khu vui chơi thiếu nhi trị giá hơn 9 tỷ đồng
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- "Đa số người lao động đều thuộc các bài hát về ngành cao su sau Liên hoan"
- Vui trung thu vùng cao Sơn La
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Lên Tây Bắc ăn măng rừng nướng
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian