CSVN – Nay đã ngoài 60 nhưng lúc nào có dịp chị Vũ Thị Nhung – công nhân đã nghỉ hưu tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, đều thể hiện tình yêu với cây cao su bằng cách giáo dục cho con cháu về nghiệp cạo mủ, về truyền thống của nông trường và của công ty. Chị luôn vững tin công ty và người công nhân sẽ vững vàng vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Làm nghề gì cũng cần tâm huyết
Là một trong số những người đầu tiên vào đất Chư Prông trồng cao su, chị Nhung vẫn nhớ như in những khó khăn thuở lập nghiệp. Chị kể: “Tháng 12 năm 1976, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, những thanh niên của tỉnh Hà Nam Ninh đã hăng hái lên đường vào vùng kinh tế mới. Lúc bấy giờ Chư Prông hoang vu lắm, không người, không đường đi. Chúng tôi đã phải mất 3 năm mới có thể đặt được cây cao su đầu tiên trên vùng đất này”.
Thấm thoát đã hơn một chu kỳ cây cao su, người phu cao su năm nao giờ đã là bà nội, bà ngoại với 4 người con đang theo nghiệp mẹ. Nhớ về công việc cạo mủ ngày xưa, chị Nhung chia sẻ: “Thời chúng tôi, tuy vất vả nhưng lúc nào cũng phơi phới niềm vui, niềm tin vào một ngày cây cao su sẽ thay đổi cuộc sống của mình”.
Nghỉ hưu đã 14 năm, nhưng không lúc nào chị Nhung thôi nghĩ về cây cao su. Mỗi khi có cơ hội chuyện trò với đồng nghiệp chị luôn ôn lại những kỷ niệm của thời kỳ đầu vào đất Chư Prông lập nghiệp.
Chị hồi tưởng: “Lúc mới vào, sợ lắm, đã có nhiều người bỏ về, tôi cũng từng có ý định bỏ về quê, nhưng sau khi lấy chồng thì thôi ý định bỏ về. Từ đấy vợ chồng động viên nhau vượt qua khó khăn, chăm chỉ làm ăn. Năm 1991 vợ chồng tôi được Đội 20 của Nông trường Ia Drăng (nay là Nông trường Thống Nhất) cử tham gia hội thi tay nghề, tôi thì được giải nhì công ty còn chồng đạt giải nhất. Tôi cứ nghĩ làm nghề gì cũng cần có tâm huyết, cần phải quý trọng nó rồi nghề ấy sẽ nuôi mình, giúp mình vượt qua khó khăn trong cuộc sống thôi”.
“Mong giá cao su tốt lên”
Chị Nhung và anh Phạm Văn Vang luôn được mọi người nhắc đến bởi cách sống giản dị và những thành tích mà vợ chồng anh chị đã gặt hái trong gần 30 năm gắn bó với cây cao su. Khi nhắc đến những thành tích mà anh chị đã đạt được, chị Nhung ngại ngùng cho biết: “Có gì đâu, mình cứ làm bằng tất cả khả năng của mình thôi. Lúc đi cạo cũng như khi ở nhà chúng tôi đều giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì thế, nên được anh em trong đội yêu quý”.
Nay đã ngoài 60 nhưng lúc nào có dịp chị Nhung đều thể hiện tình yêu với cây cao su bằng cách giáo dục cho con cháu về nghiệp cạo mủ, về truyền thống của nông trường và của công ty. Chính vì vậy, chị Nhung cũng chỉ mong muốn giá cao su sớm tốt lên để người công nhân có thể cải thiện cuộc sống.
Chị bày tỏ: “Thấy công ty ngày càng lớn mạnh, là một công nhân của công ty tôi rất vui mừng và hãnh diện, chỉ mong sao cho giá bán cao su nhanh nhanh cải thiện để người công nhân đỡ phần khó khăn, có điều kiện trang trải cuộc sống. Tôi cũng tin tưởng rằng Công ty Chư Prông và người công nhân sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, dù trong hoàn cảnh nào”.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- Đinh Mlênh - Người truyền cảm hứng cho thanh niên thoát nghèo
- Anh – người thủ lĩnh công nhân cao su
- Cần cơ chế hỗ trợ người lao động làm việc ở Lào, Campuchia
- Nghĩa vụ và trách nhiệm
- Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
- "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"
- Không dứt tình với cây cao su
- Sáng kiến giá trị của một thợ giỏi
- Cán bộ trẻ đồng bào dân tộc: Khi năng lực được khẳng định
- Người nữ đội trưởng “đi đường Cồi” (*)