Về thôn “VAC” thời cao su mất giá

CSVN – Giá cao su đang ở mức thấp, người công nhân (CN) đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để cải thiện tình hình, các công ty đang tìm cách giúp CN nâng cao đời sống như trồng xen canh các loại cây hoa màu, thay đổi chế độ cạo nhằm nâng cao năng suất…Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, đã có nhiều mô hình kinh tế gia đình mới ra đời mang lại hiệu quả cao.
Trồng tiêu không đủ sống, vợ chồng anh Dương, chị Hạnh chuyển sang trồng cỏ cho hươu ăn thay vì phải đi mua
Trồng tiêu không đủ sống, vợ chồng anh Dương, chị Hạnh chuyển sang trồng cỏ cho hươu ăn thay vì phải đi mua
VAC: Vườn cỏ, ao cá, chuồng hươu

Trong một lần theo anh Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc NT Thống Nhất (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông) tìm hiểu về cuộc sống của người CN trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi được nhiều người giới thiệu về thôn Nhân Nghĩa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, Gia Lai – một thôn đang trở thành điển hình tiên tiến trong việc làm kinh tế gia đình với mô hình “vườn – ao – chuồng” (VAC) kiểu mới.

Mô hình VAC đã được bà con nông dân trên khắp cả nước thực hiện từ nhiều năm trước với vườn rau, ao cá và chuồng heo hoặc bò. Tuy nhiên, ở thôn Nhân Nghĩa mô hình này lại là vườn cỏ, ao cá và chuồng nuôi hươu lấy nhung.

Gia đình CN Trần Duy Dương – Lê Thị Hồng Hạnh của Đội 3, NT Thống Nhất là một trong những gia đình điển hình nhất cho mô hình này. Cơ ngơi của đôi vợ chồng trẻ thuộc thế hệ 8x là căn nhà xây đơn sơ của bố mẹ để lại làm kế sinh nhai cho vợ chồng làm ăn, cùng mảnh vườn chừng 3 sào (3.000m2) với mặt tiền đường liên thôn rộng 30 m, chiều dài trên 100 m chạy dọc theo con suối.

Hơn 11 giờ trưa chị Hạnh mới đi trút mủ về, còn anh Dương cũng hoàn thành một buổi sáng với công tác phóng tiêu phục vụ tái canh. Vừa về đến nơi, cả 2 vợ chồng liền bắt tay ngay vào công việc nhà với bữa cơm trưa cho gia đình, người lo cơm nước, người cắt cỏ, thêm cám cho hươu ăn…

Chị Lê Thị Hồng Hạnh cho hươu ăn ngay sau khi từ lô cao su về
Chị Lê Thị Hồng Hạnh cho hươu ăn ngay sau khi từ lô cao su về

Tranh thủ trước giờ cơm, anh Dương chia sẻ: “Tôi vô tình xem một phóng sự trên VTV2 nói về việc nuôi hươu lấy nhung ở Đăk Lăk, thấy hay và cho thu nhập cao nên quyết tâm làm theo. Lúc đầu khi thực hiện chúng tôi nhập về 2 con, vài ngày sau thì nó chết, bán thịt lấy lại một ít nhưng cũng lỗ khoảng 40 triệu đồng. Khi ấy, vợ chồng tôi nhìn nhau chả nói được câu nào, phần ai người đó làm, rồi bố mẹ cũng có ý kiến, bà con thì tiếc…Nói chung là rất buồn, song cũng nhiều người động viên. Tôi quyết không nản chí, tiếp tục thế chấp ngân hàng để vay 100 triệu mua tiếp 4 con với giá 72 triệu đồng”.

Thôn Nhân Nghĩa hiện có 68 hộ gia đình, với 231 nhân khẩu được thành lập từ năm 2002, tiền thân của nó là một đội sản xuất cao su thuộc NT Thống Nhất – Công ty Cao su Chư Prông. Thôn có diện tích sử dụng cho nông nghiệp chiếm 34,3 ha, trong đó có 9 ha tiêu, 16 ha cao su còn lại là cà phê và hoa màu khác, có 9/68 hộ gia đình có ao cá với khoảng gần 2 ha diện tích mặt nước.

Trưởng thôn Phạm Văn Niên cho biết, “Một vài năm gần đây trong thôn đã xuất hiện mô hình VAC mới, mà điển hình là gia đình anh Dương, chị Hạnh. Trong thôn hầu như nhà nào cũng có kinh tế gia đình kết hợp với công việc làm CN cao su hay lĩnh vực khác nên thu nhập cũng khá. Nhiều hộ gia đình có diện tích mặt nước chăn nuôi lớn lên đến cả sào, có gia đình nuôi đến vài chục con bò, nuôi lợn hoặc gà, vịt…như gia đình ông Hoàng là gia đình tiên phong trong thôn về mô hình VAC với việc trồng cỏ, nuôi bò, nuôi cá”.

Kinh tế vững chắc

Trong câu chuyện về đời sống người CN cao su lúc mất giá, chị Hạnh bày tỏ: Cả 2 vợ chồng lương tháng cũng được khoảng trên 6 triệu nhưng lại phải chi tiêu đủ thứ nên hết sức khó khăn, gia đình nào cũng cố gắng làm thêm cái gì đó mới có thể trang trải cho cuộc sống. Thực ra, cũng không có gì đáng nói chỉ với ít cà phê, ao thả cá và vườn của bố mẹ để lại, nhưng chúng tôi còn trẻ cần phải cố gắng tìm kiếm hướng đi mới cho kinh tế gia đình nhằm từng bước thoát khỏi khó khăn”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn huyện Chư Prông cũng có nhiều gia đình chăn nuôi hươu lấy nhung như ở xã Ia lâu, Ia Mơr hay những xã lân cận thị trấn Chư Prông. Trong NT Thống Nhất cũng có anh Nguyễn Tuân – Đội trưởng Đội 8 nuôi 6 con từ nhiều năm qua, mỗi vụ anh thu được từ 2,8 – 3kg nhung.

Ao cá nhà anh Dương, chị Hạnh diện tích 500 m2 thu hoạch  mỗi năm cũng 20 triệu đồng
Ao cá nhà anh Dương, chị Hạnh diện tích 500 m2 thu hoạch mỗi năm cũng 20 triệu đồng

Chia sẻ về thu nhập từ mô hình này, anh Dương cho biết: “Hiện gia đình tôi cả 4 con đều trong thời gian thu nhung, mỗi năm thu 2 lần, mỗi lần cắt nhung bình quân khoảng 20 cm/con, mỗi đợt thu được hơn 80 cm nhung, chừng trên 2 kg, giá hiện nay mỗi kg nhung khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình chúng tôi thu được khoảng 80 triệu đồng tiền nhung”.

Trong mô hình VAC, gia đình anh chỉ thu được từ ao và chuồng, bởi khoảng 1/3 diện tích đất vườn anh chị dành để trồng cỏ cho hươu ăn. Còn diện tích ao cá khoảng 500 m2 mỗi năm cũng thu được từ 4 – 5 tạ cá rô phi, trắm cỏ…tính ra tiền cũng được khoảng trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn 6 sào cà phê đang cho thu hoạch. Nhìn chung, thu nhập từ kinh tế hộ gia đình của đôi vợ chồng trẻ này mỗi năm cũng trên 200 triệu đồng, một con số khá ấn tượng để tích lũy ngoài đồng lương làm CN cao su.

Thôn Nhân Nghĩa có 2/3 hộ gia đình làm CN từ những ngày đầu thành lập Nông trường Cao su Chư Prông, đến nay trong thôn vẫn còn 36 lao động là CN trực tiếp khai thác mủ cao su, hầu như gia đình nào cũng có kinh tế phụ tuy không đầy đủ như gia đình anh Dương nhưng cũng không đến mức nghèo. Điển hình như anh Nghiệp – nhân viên bảo vệ của nông trường, gia đình anh Đương –chị Ước hay anh Sinh –chị Tâm đều là CN của nông trường, tuy không có ao cá vườn cỏ nhưng cũng có vườn cà phê, tiêu…thu nhập hàng năm cũng vài chục triệu cho đến trăm triệu đồng.

Trong lúc khó khăn như hiện nay, đây là nguồn kinh tế vững chắc để người CN củng cố niềm tin, tiếp tục theo đuổi nghiệp cao su.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh