Cao su Kon Tum: Hiệu quả cao từ phương án khoán mới

CSVN – Trước những khó khăn trong việc tổ chức điều hành sản xuất mô hình Hộ nhận khoán, năm 2011 công ty đã báo cáo lãnh đạo các cấp xây dựng lại Phương án khoán mới theo hướng tăng lợi ích cho người lao động, nhận được sự đồng thuận cao. Kết quả đã tạo được hiệu quả rõ rệt.
Hướng dẫn kỹ thuật trang bị vật tư cho công nhân tại NT Ple Kần. Ảnh: Văn Vĩnh
Hướng dẫn kỹ thuật trang bị vật tư cho công nhân tại NT Ple Kần. Ảnh: Văn Vĩnh
Tăng tỷ lệ lợi ích cho hộ nhận khoán

Phương án khoán mới được công ty áp dụng triển khai từ năm 2012. Theo đó, công ty đầu tư 100% vốn trong giai đoạn vườn cây kiến thiết cơ bản, chi trả toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp, vật tư sản xuất, tổ chức đào tạo tay nghề về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch mủ cao su cho Hộ nhận khoán. Sau khi cho sản phẩm công ty được hưởng lợi ích ăn chia với tỷ lệ 54,67% (giảm tỷ lệ lợi ích được hưởng xuống 6,33% so phương án trước năm 2012).

Hộ nhận khoán thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích vườn cây, chăm sóc, khai thác vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật, giao nộp sản phẩm mủ đủ cho công ty. Sau khi vườn cây cho sản phẩm được hưởng lợi ích ăn chia với tỷ lệ 45,33%. (tăng tỷ lệ lợi ích được hưởng lên 6,33% so phương án trước năm 2012).

Bên cạnh đó công ty còn triển khai một loạt các giải pháp trong công tác quản lý để điều hành và tổ chức sản xuất kinh doanh như sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo nông trường đến tổ sản xuất theo hướng “được người, được việc”, kết hợp với chủ trương tổ chức “dồn điền đổi thửa” được hơn 2.100 ha/4.205 ha, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sản xuất của người lao động và công tác quản lý cho nông trường.

Công ty đã xây dựng phương án giao sản lượng một cách khoa học với cách làm cụ thể, tổ chức thẩm định năng lực vườn cây, công khai giao kế hoạch sản lượng cho Hộ nhận khoán thực hiện, minh bạch trong giao nhận mủ. Đồng thời quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động bằng những việc làm cụ thể như thăm hỏi, hỗ trợ khi đau ốm, hỗ trợ một phần làm nhà ở, tổ chức bình chọn người ưu tú cho đi tham quan, nghỉ dưỡng trong và ngoài nước.

Hiệu quả rõ nét về xã hội và kinh tế

Về các giải pháp quản lý kỹ thuật, công ty đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như đào hố tích mùn đa năng, bón phân theo chuẩn nghiệm dinh dưỡng, chủ động phòng trị bệnh trên vườn cây một cách kịp thời hiệu quả, nhất là bệnh phấn trắng, đào tạo tay nghề cho người lao động, làm tốt công tác bảo vệ sản phẩm, hạn chế thấp nhất tình trạng lấy cắp mủ… và một số giải pháp khác nhằm tăng năng suất sản lượng vườn cây khai thác.

Để kịp thời kích thích tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất, công ty tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với khen thưởng. Từ năm 2010 đến 2014, công ty đã thưởng vượt mức kế hoạch sản lượng giao hàng tháng cho 76 tổ sản xuất là Hộ nhận khoán với số tiền là 152 triệu đồng, thưởng vượt kế hoạch sản lượng tháng cho 379 người với số tiền 189 triệu đồng, thưởng hoàn thành kế hoạch năm cho 3.958 lao động là Hộ nhận khoán với số tiền 791 triệu đồng, tổ chức thăm hỏi ốm đau, hoạn nạn và các hỗ trợ đột xuất khác với số tiền hơn 118 triệu đồng.

Nhờ các giải pháp được triển khai đồng bộ đã đem lại hiệu quả rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Về mặt xã hội đã giải quyết tốt công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tại chỗ, đời sống ổn định. Về mặt kinh tế, sau khi sắp xếp hiệu quả mang lại rõ rệt, năng suất vườn cây đã tăng tương đương hơn 50%/năm. Doanh thu và lợi nhuận từ mô hình Hộ nhận khoán trong năm 2010 là 151,6 tỷ đồng đến năm 2013 đạt 235,2 tỷ đồng, trong 2 năm tăng 0,64%. Lợi nhuận trong năm 2010 đạt 19,3 tỷ đồng, đến 2013 đạt 24 tỷ đồng, tăng 0,8%.

Về thu nhập, Hộ nhận khoán có mức lương thu nhập bằng hoặc cao hơn mô hình sản xuất công nhân. Năm 2010 là 4 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2011 là 5,49 triệu đồng (công nhân là 5,37 triệu đồng); năm 2012 là 7,35 triệu đồng (công nhân là 7,1 triệu đồng); năm 2013 là 6,56 triệu đồng (công nhân là 6,5 triệu đồng); năm 2014 là 5,3 triệu đồng/người/tháng (công nhân là 5,2 triệu đồng).

Q.K