CSVN – Trong 30 năm công tác, với quá trình phấn đấu miệt mài, bác Lê Thị Nuôi từng là công nhân khai thác trực tiếp tại Công ty Cao su Dầu Tiếng trở thành Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Nay đã về hưu nhưng bác vẫn tin tưởng rằng thế hệ thanh niên hiện nay sẽ tiếp nối truyền thống, là cánh tay đắc lực của Đảng, luôn tiên phong trong mọi nhiệm vụ được giao.
Thưa bác, bác có thể chia sẻ về khoảng thời gian làm việc tại Đồn điền cao su Michelin (Công ty Cao su Dầu Tiếng)?
Năm 1962, khi mười tám đôi mươi, tôi là công nhân cao su đồn điền Michelin, thời đó làm công nhân cao su cho Pháp rất khổ, giai đoạn Pháp rút quân, Mỹ tiến vào còn cực khổ hơn gấp trăm lần. Mỗi ngày bắt đầu từ lúc 3h sáng, đầu tắt mặt tối, mỗi người chúng tôi phải hoàn thành phần cạo hơn 500 cây, sáng cạo ở chỗ này, chiều cạo nơi khác. Sống trong kìm kẹp, áp bức là điều đau đớn nhất, công nhân như chúng tôi chỉ biết cạo mủ, sau đó đem về nộp cho cai xu, lương hàng tháng rất thấp và không được hưởng bất cứ chế độ nào.
Trong quá trình làm việc, tôi tham gia cách mạng và cùng với các anh chị trong cơ sở mật thành lập Chi bộ Thị trấn Dầu Tiếng, chúng tôi đấu tranh đòi tăng lương giảm giờ làm liên tục, nhưng để đối phó với cách mạng, ngăn cản sự tiếp sức cho cán bộ cách mạng đang ẩn nấp bí mật, chủ Tây còn không cho chúng tôi dở cơm đem theo.
Sau giải phóng, bác tiếp tục là công nhân cao su, với nhiều cố gắng nỗ lực vượt bậc, được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, xin bác cho biết về quá trình phấn đấu đó như thế nào?
Tôi là công nhân trực tiếp cạo mủ từ năm 1962 đến 1976, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là Tổ trưởng sản xuất. Có thể nói sau ngày giải phóng, quân ta tiếp quản đồn điền, trong tư thế người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, ai ai cũng phấn khởi, dù đói, dù vất vả nhưng tích cực tham gia các phong trào thi đua. Thêm vào đó ban lãnh đạo đơn vị có nhiều giải pháp, phong trào nhằm khích lệ, động viên tinh thần hăng say lao động.
Dù khó khăn đến đâu nhưng với niềm tin yêu ngành, tôi và các anh chị em công nhân luôn khắc phục hạn chế, học hỏi và tích cực lao động sản xuất. Trong 30 năm gắn bó với ngành cao su, từ người công nhân đến Chiến sĩ thi đua, Tổ trưởng sản xuất, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc và được tín nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa VIII, tôi luôn nỗ lực không ngừng, bởi ngày xưa ba mẹ cũng là dân công tra nghèo khổ, tiền đâu để nuôi con ăn học. Nếu tự bản thân mình không nỗ lực, không phấn đấu thì sẽ không bao giờ thành công.
Là đại biểu đại diện cho giai cấp công nhân ngành cao su tham gia Quốc hội khóa VIII phụ trách công tác thanh thiếu niên, bác có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ của ngành cao su hiện nay?
Năm 1981, tôi được bầu là đại biểu Quốc hội khóa VIII tại tỉnh Sông Bé, đó là một niềm vinh dự và hạnh phúc đối với tôi. Khóa VIII, trong ngành cao su chỉ có tôi là công nhân trực tiếp duy nhất được bầu là đại biểu, về lãnh đạo thì có bác Tư Nguyện. Là đại biểu, chúng tôi đại diện cho tiếng nói của giai cấp công nhân ngành cao su, chuyển tải những tâm tư nguyện vọng của anh chị em trong ngành đến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, các bạn được sống và làm việc trong tự do, không chịu áp bức tù đày, đó là điều tuyệt vời nhất. Sau giải phóng có những thời điểm 2 – 3 tháng chúng tôi mới được nhận lương, khó khăn trăm bề nhưng vẫn vượt qua, vậy thì khó khăn ngày nay cũng có nhưng có thấm thía gì so với ngày trước. Càng khó khăn thì càng nỗ lực gấp đôi để hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.
Tôi được giao phụ trách công tác thanh niên, nhớ lại thời đó công tác vận động thanh niên rất khó khăn. Hiện nay đại bộ phận thanh niên trẻ, có trình độ, năng lực, điều kiện vậy nên tôi và các thế hệ đi trước mong muốn các bạn hãy cố gắng giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống công nhân cao su, kế thừa, là cánh tay đắc lực của Đảng, phải gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, nhiệt tình trong công việc.
Bài, ảnh: Minh Nhiên
Related posts:
- “Không được ngồi chờ khách hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào”
- Giải cao nhờ đường cạo đẹp
- Công nhân nuôi gà ta tăng thu nhập
- Gia đình 3 thế hệ xây dựng tương lai bằng nghề cao su
- "Đồng vợ, đồng chồng" giành "vàng"
- Khát vọng mùa xuân
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- Lê Thị Thương - nữ công nhân xuất sắc
- 10 năm liền đạt kỹ thuật hạng ưu
- "Vai trò của công đoàn thể hiện rõ nét nhất trong lúc khó khăn"