Nỗ lực vượt khó, tạo dựng niềm tin nơi vùng cao

CSVN – Năm 2014, các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của vườn cây cao su. Với sự nỗ lực của tập thể CBCNV – LĐ, các công ty đã chủ động vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, củng cố vườn cây, chăm lo đời sống NLĐ, thực hiện công tác xã hội, tạo dựng niềm tin với người dân trên vùng cao.
Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG trao cờ thi đua xuất sắc năm 2014 cho Công ty CPCS Yên Bái.
Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG trao cờ thi đua xuất sắc năm 2014 cho Công ty CPCS Yên Bái.
Tập trung nâng cao chất lượng vườn cây

Năm qua, Công ty CPCS Hà Giang chủ yếu tập trung vào trồng giống kháng lạnh IAN 873. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị giống, trồng đúng thời vụ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay đạt 4 đến 5 tầng lá. Công ty đã trồng mới 304,5 ha, đạt 101,5% kế hoạch, chăm sóc tốt 1.101 ha KTCB. Chất lượng vườn cây A,B đạt 87 – 93%.

Bà Phạm Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết: “Cao su là cây công nghiệp rất mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy lần đầu tiên người dân tiếp nhận và chăm sóc rất bỡ ngỡ. Sau trận rét lịch sử năm 2010 bà con địa phương cũng hoài nghi về lợi ích của cây cao su, nhưng nhìn những kết quả năm 2014 vừa qua, việc phát triển cây cao su của VRG nói chung và Hà Giang nói riêng đã dần lấy lại niềm tin bước đầu của bà con.

“ Vườn cây được chăm sóc đúng kỹ thuật, sinh trưởng tốt hứa hẹn một kết quả khả quan. Tôi tin rằng sự nỗ lực của công ty và sự cố gắng của công nhân sẽ đem lại những trái ngọt, đời sống NLĐ dần ổn định, các chương trình an sinh xã hội được công ty quan tâm, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi vùng cao”, bà Hà nhấn mạnh.

Công nhân người đồng bào dân tộc chăm sóc cao su tại công ty cao su Điện Biên. Ảnh: Tùng Châu
Công nhân người đồng bào dân tộc chăm sóc cao su tại công ty cao su Điện Biên. Ảnh: Tùng Châu

Năm 2014, Công ty CPCS Yên Bái cũng trồng mới 818,6 ha, đạt 102,3% kế hoạch. Công ty trồng mới và trồng dặm bằng 3 loại giống chịu lạnh là IAN 873, Vân Nghiên 774, RRIV 124. Vườn cây trồng mới 2014 sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao bình quân đạt trên 2,5m, phần lớn diện tích đã tiến hành tạo tán. Các hạng mục chăm sóc và bảo vệ vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Vườn cây A,B đạt tỷ lệ trên 90%.

Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG cho biết, “Với điều kiện các tỉnh miền Bắc còn nhiều khó khăn so với Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, việc phát triển cao su ở Tây Bắc và Đông Bắc cần nhiều sự cố gắng, đoàn kết và chung tay của chính quyền và người dân địa phương. Khi vườn cây đưa vào khai thác, NLĐ sẽ có thu nhập cao hơn, vì vậy chúng tôi hi vọng bà con sẽ tin tưởng vào chính sách phát triển cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội

Trong 2.501 CBCNV của Công ty CPCS Sơn La được đóng bảo hiểm thì có đến 2.403 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Các chế độ về chính sách, bảo hộ lao động được công ty thực hiện kịp thời. Tiền lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua công ty đã cho tạm ứng tiền lương để nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi cá. Nhờ đó, chỉ số giảm nghèo ở tất cả các bản đều giảm theo từng năm với mức bình quân 1,5– 2,5%/năm. Sau hơn 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, quỹ “Vì bệnh nhân nghèo” của công ty đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những tấm lòng hảo tâm. Tổng số tiền ủng hộ đến nay hơn 2,3 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ cho 77 trường hợp bệnh nhân nghèo và vận chuyển 133 trường hợp miễn phí từ các bệnh viện xã lên bệnh viện tuyến trên.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG chỉ đạo, hiện tại, các công ty cần phải tập trung nâng cao chất lượng vườn cây, tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng tỷ lệ vườn cây A,B lên cao. Tăng cường quản lý suất đầu tư. Bên cạnh hoạt động SXKD, các công ty phải chú trọng đến chăm lo đời sống NLĐ, đây là động lực để NLĐ yên tâm công tác. Đồng thời, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, như chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…[/stextbox]

 

Còn Công ty CPCS Điện Biên có 335 lao động trong biên chế là đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.000 người lao động địa phương với thu nhập bình quân 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày. Năm 2012 công ty tham gia thực hiện các dự án thành phần bản Mường Nhé 1 và bản Mường Nhé 2 thuộc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Đề án 79 của Chính phủ).

Các hoạt động từ thiện, an sinh cộng đồng được công ty quan tâm như: Ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt, phong trào tấm lưới nghĩa tình, ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động từ thiện này được 100% CBCNV trong công ty hưởng ứng nhiệt tình và tự nguyện tham gia. Tổng số tiền chi cho công tác an sinh xã hội năm 2010 – 2015 hơn 1,5 tỷ đồng.

Từ 2010 – 2015, Công ty CPCS Lai Châu II trồng được 4.438,74ha, tạo việc làm và tuyển dụng công nhân 1.333 người. Tiền lương bình quân của người lao động 3.078.000đồng/người/tháng. Công ty cũng thành lập được 15 đơn vị sản xuất. Xây dựng và mở các tuyến đường lô và liên lô trên 200km và hệ thống cống thoát nước, ngầm tràn trên các vườn cây.

Để cho con em CB.CNVC-LĐ được học hành, công ty xây dựng 2 điểm trường mầm non và 1 điểm y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động trong toàn công ty. Công tác quản lý lao động, tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động được công ty quan tâm hàng đầu.

Trong nhiệm kỳ qua công ty đã ban hành Quy chế tài chính, Quy chế quản lý CBCNV- LĐ, phương án quản lý và phân phối tiền lương, tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ

Là những công ty mới thành lập, lãnh đạo các công ty luôn chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ trẻ. Sắp xếp công việc hợp lý, phù hợp với trình độ, đồng thời tạo điều kiện để CBCNV được theo học các lớp nghiệp vụ.

Khảo sát vườn cây chuẩn bị đưa vào khai thác.
Khảo sát vườn cây chuẩn bị đưa vào khai thác.

Tính đến nay, Công ty CPCS Yên Bái có 393 CBCNV – LĐ, những người làm công tác quản lý và chuyên môn đều có trình độ từ trung cấp trở lên. Thu nhập bình quân 3.120.000đ/người/tháng. Công ty thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn nghiệp vụ như tham gia các lớp về đấu thầu, chế độ bảo hiểm, phòng chống cháy nổ. Năm 2014, công ty đã cử 32 cán bộ chủ chốt và cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và các lớp đào tạo do VRG tổ chức.

Xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển sản xuất, công ty ưu tiên đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo tại các trường trong và ngoài ngành. Ngoài ra luôn khuyến khích, tạo điều kiện CBCNV và NLĐ được tham gia học tập, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt.

Chủ trương của công ty là tất cả các CBCNV – LĐ đều có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện đào tạo nghiệp vụ theo yêu cầu của từng vị trí công việc. Mọi chi phí cho đào tạo nghiệp vụ theo nhu cầu của từng vị trí công việc được công ty chi hỗ trợ.

Tại Công ty CPCS Lai Châu, đến hết năm 2014, công ty đã ký kết hợp đồng lao động dài hạn được 1.885 lao động. Trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ với số tiền 11 tỷ 754 triệu đồng. Thu nhập bình quân gần 2,5 triệu đồng/ người/tháng. Ban lãnh đạo công ty luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thu hút và duy trì đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ phù hợp với công việc SXKD, qua đó tạo dựng được đội ngũ cán bộ tâm huyết.

Quỳnh Mai