CSVN – Phiên chất vấn tại Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại kỳ họp Quốc hội vừa qua trở nên rất “nóng” với nhiều câu hỏi xoáy vào các vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải pháp gỡ khó trong khâu tiêu thụ nông sản và cả tình hình phát triển cây cao su.
>> Cây cao su không phải là số 1 trong giai đoạn hiện nay
Các địa phương còn chậm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn về nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Phát cho hay, qua hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản, tài liệu cụ thể hóa định hướng và các giải pháp tái cơ cấu trong từng tiểu ngành, lĩnh vực và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện. Ở các địa phương, chủ trương và đề án tái cơ cấu cũng đã được quán triệt và triển khai thực hiện, tuy nhiên, mức độ, hình thức tổ chức thực hiện và kết quả đạt được là khác nhau.
Việc chậm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu trước hết thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương mà nguyên nhân chính là sự quan tâm, chỉ đạo thiếu sâu sát quyết liệt của cấp có thẩm quyền. Mặt khác, có sự lúng túng trong việc xác định nội dung, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ở địa phương; nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu hạn chế.
Bộ trưởng cũng cho hay tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương còn lại phê duyệt ngay đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Không thể kỳ vọng có thị trường luôn có giá ổn định mức cao
Trước câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về chính sách đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với cơ chế này.
Nền nông nghiệp đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới, trong khi bản chất thị trường thế giới và thị trường nông sản nói chung luôn có sự thay đổi, nên để đạt được sự ổn định tương đối, nghĩa là sản xuất nông nghiệp nước ta phải bám sát và phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến thị tường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả cao nhất. “Không thể kỳ vọng có thị trường luôn có giá ổn định mức cao có lợi cho nông dân mà phải tìm cách thích ứng với thị trường”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng hiện vẫn tồn tại thực tế nông dân sản xuất chạy theo phong trào, liên kết giữa khu vực nông thôn còn thấp, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao? Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung rà soát quy hoạch hướng dẫn cho nông dân hướng sản xuất, cây trồng có khả năng cạnh tranh, thị trường tốt hơn và sản xuất các sản phẩm năng suất cao, giá thành hạ. “Trong điều kiện hiện nay với nhiều yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi phải phát triển mạnh 2 thành phần là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN). Chỉ khi phát triển theo chuỗi mới khắc phục được hạn chế hiện nay”- Bộ trưởng Phát khẳng định.
Sẽ điều chỉnh quy mô trồng cây cao su
Liên quan đến giải pháp đầu ra cho sản phẩm cao su và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cao su ở VN, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) chất vấn rằng sau một giai đoạn phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay ngành cao su đang đứng trước khó khăn, cần phải làm gì để khắc phục? Ông Phát cho biết sẽ điều chỉnh quy mô sản xuất, theo đó tạm dừng không trồng mới cao su; tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng.
Đối với vùng Duyên hải Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão không tiếp tục trồng cao su, sau khi đã hết chu kỳ kinh doanh, diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão, cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trong khi đó, đối với vùng miền núi phía Bắc, tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc; tập trung chăm sóc, thu hoạch diện tích đã trồng, đánh giá hiệu quả kinh tế.
Trung Kiên
Related posts:
- 325 thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên
- Đẩy mạnh thi đua nước rút hoàn thành nhiệm vụ năm 2020
- Hội nghị Người lao động VRG – công ty cổ phần: Dự kiến vào Quý II/2019
- 2 nông trường Cao su Dầu Tiếng thi thợ giỏi
- Trường CĐ CN Cao su tặng máy rửa tay sát khuẩn tự động
- VRG sẽ hợp tác đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp
- Ông Trần Thanh Phụng đảm nhiệm Chủ tịch HĐTV Cao su Mang Yang
- Cao su Thanh Hóa vượt khó chăm lo cho người lao động
- Tổ chức cuộc vận động hiến kế phát triển ngành cao su
- Cao su Phú Thịnh tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng 2020