Cây cao su – Giá trị vàng vô hình (*)

CSVNO – Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 nhắc đến cây cao su và giá trị kinh tế của nó thì ai ai cũng biết đây là loại cây cho ra dòng vàng trắng, nó góp phần vào phát triển kinh tế cho hầu hết các tỉnh Đông Nam bộ cũng như một số tỉnh thuộc miền Trung Tây nguyên và Duyên hải miền Trung, đóng góp không hề nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu cũng như GDP cho đất nước.
Những dải đồi bạt ngàn cao su phủ xanh gắn với đồng bào tái định cư bên lòng hồ thủy điện Sơn La
Những dải đồi bạt ngàn cao su phủ xanh gắn với đồng bào tái định cư bên lòng hồ thủy điện Sơn La

Tuy nhiên trong những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái nền kinh tế toàn cầu do đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến thị trường sản phẩm mủ cao su. Đến nay tuy sản phẩm mủ cao su không còn hoàng kim như những năm trước nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại theo một khía cạnh khách quan và khoa học thì cho thấy rằng giá trị kinh tế, chính trị cũng như môi trường và an sinh xã hội mà cây cao su mang lại không hề nhỏ.

Thứ nhất là về ổn định công ăn việc làm và đời sống kinh tế cho hàng trăm ngàn lao động trong cả nước cũng như nước bạn Lào, Campuchia. Trong đó hàng chục ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, công ăn việc làm không ổn định, tập quán phá rừng làm nương, du canh du cư, một số không hề nhỏ bộ phận công dân này trước đây đã góp phần tạo nên những tệ nạn xã hội như nghiện hút và trồng cây thuốc phiện.

Ngoài ra cũng trong số những công dân này là đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa của các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, bộ phận người dân này phải di dân tái định cư, mất hết ruộng nương không có công ăn việc làm, nguy cơ tiếp tục chặt phá rừng làm nương rẫy là rất cao nhưng nhờ vào các dự án phát triển cao su.

Đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc chăm sóc cao su
Đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc chăm sóc cao su

Họ đã tham gia lao động, giảm thiểu tình trạng chặt phá đốt rừng làm nương, săn bắn thú rừng. Đến nay đi qua các vùng tái định cư này đã cho thấy một sự đổi khác hoàn toàn về kinh tế, ổn định đời sống vật chất tinh thần. Thử hỏi nếu không có cao su thì hàng chục ngàn lao động này sẽ ra sao, hay chờ vào nguồn trợ cấp hàng tháng của Chính phủ và sau 3 năm hết nguồn trợ cấp họ sẽ phải làm gì để mưu sinh kiếm sống hay lại trở về với tập quán canh ta ngày xưa.

Thứ hai về mặt an ninh chính trị: Như chúng ta đã biết đồng bào vùng sâu vùng xa đồng bào dân tộc thiểu số đa phần có trình độ dân trí và nhận thức thấp, từ đó các thế lực thù địch đã lợi dụng điều này để tuyên truyền cho người dân chống phá cách mạng.  Trong những năm trước tại một số địa phương của các tỉnh Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc người dân đồng bào còn tham gia vào các cuộc bạo loan, chống phá cách mạng, chống phá Đảng ta. Từ sau khi có công ăn việc làm ổn định, được vào công nhân, được các tổ chức đoàn thể cũng như tổ chức đảng của các doanh nghiệp trồng và phát triển cao su tuyên truyền vận động, đến nay đa phần bộ phận công nhân và người dân trên địa bàn những vùng nói trên đã nhận thức rõ được tư tưởng chính trị cũng như ý đồ chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, họ đã dần ổn định và tham gia lao động sản xuất là trồng và chăm sóc cây cao su để chờ ngày đón dòng nhựa trắng.

Mỗi doanh nghiệp phát triên cao su đều có những lực lượng dân quân tự vệ hùng hậu mà đã phần các đồng chí đều là những người đồng bào địa phương. Phải nói rằng về mặt đảng về mặt chính trị thì đây là một tài sản vô giá mà ngành cao su đã mang lại cho đảng và cho đất nước ta, giá trị này không thể cân đo đong đếm bằng tiền hay bằng những vật chất hữu hình nào khác.

Thứ ba, ngành cao su nâng cao vai trò gắn kết hữu nghị tình anh em giữa nước bạn Lào Campuchia và Việt Nam. Trong những năm qua chúng ta cũng đã phát triển hơn 130.000 ha cao su sang các nước bạn Lào, Campuchia. Sự phát triển này cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động các nước bạn, nhằm nâng cao vai trò hữu nghị và tình bạn gắn kết với truyền thống cách mạng từ xưa đến nay của ba nước đông dương anh em.

Địu con lên đồi chăm sóc cao su, nét đẹp của đồng bào vùng cao.
Địu con lên đồi chăm sóc cao su, nét đẹp của đồng bào vùng cao.

Thứ tư là giá trị về kinh tế đất nước cũng như môi trường. Mới đây thôi chúng ta đã tổ chức buổi lễ mít tinh ngày môi trường thế giới, mỗi năm chúng ta mất đi từ 1,5-2% GDP cho việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Cũng trong những năm đầu của thế kỷ 21 này Thủ tướng đã phê chuẩn Quyết định số 661/QĐ-CP về việc trồng 5 triệu hecta rừng từ nguồn vốn ngân sách, để có được diện tích rừng như trên chúng ta cũng đã phải mất hàng chục nghìn tỷ từ nguồn vốn ngân sách. Dự án này chỉ mang tính chất về môi trường, còn giá trị kinh tế mà dự án này mang lại phải nói là không đáng kể. Vậy cây cao su là một loại cây rừng, thuộc tán lá rộng, cây thường xanh, loại cây đã được Bộ NN&PTNT công nhận là cây đa mục đích. Về mặt giá trị kinh tế nó mang lại là sản phẩm mủ và gỗ cao su, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào, đưa về nguồn thu ngoại tệ không hề nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu sản phẩm.

Về giá trị môi trường nó đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho hàng trăm ngàn héc ta rừng đã bị thiêu rụi, tàn phá dưới bàn tay con người, nó tiêu hủy đi các khí thải công nghiệp đang ùn ùn từ các nhà máy, để sản sinh ra khí ôxi cho chúng ta được hít thở không khí trong lành.  Giá trị này chắc hẳn các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà chính trị chưa từng cân đo đóng đếm để ghi nhận cho cây cao su .

Qua bài viết này chúng ta cũng không cần phải nêu cao thái quá vai trò của cây cao su nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ những giá trị vàng vô hình mà cây cao su đã mang lại cho đất nước, cho người dân, không chỉ riêng về kinh tế mà cả về chính trị. Bởi bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào cũng có rủi ro nhưng cái mất mà cao su đem đến chỉ là phần nhỏ trong vô vàn cái được vô giá mà cây cao su mang lại.

Linh Phan

(*)Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, sống tại một tỉnh khu vực miền núi phía Bắc