Báo chí cùng cây cao su về “vùng đất mới”

CSVN – 7 năm (2008 – 2015) là quãng thời gian mà cây cao su tại Hà Giang trải qua nhiều thử thách của thời tiết, đặc biệt là việc đưa loài cây mới này “bén rễ” vào tư duy của người dân vùng đất mới. Trong khó khăn ấy, sự nỗ lực của Công ty CPCS Hà Giang, sự vào cuộc của công tác tuyên truyền, trong đó có báo chí, đã góp phần đưa cây cao su trên vùng đất mới Hà Giang.
Nữ phóng viên Quỳnh Mai của Tạp chí Cao su Việt Nam tại vườn cây Công ty CP Cao su Hà Giang.
Nữ phóng viên Quỳnh Mai của Tạp chí Cao su Việt Nam tại vườn cây Công ty CP Cao su Hà Giang.

Nhớ lại những ngày đầu, khi Chương trình đưa cây cao su về vùng đất địa đầu Tổ quốc được tỉnh Hà Giang và VRG triển khai. Để loại cây mới với thời gian kiến thiết dài như cao su được người dân đồng tình là cả một vấn đề. Thật không dễ gì để người dân có thể hiểu ngay và góp đất trồng cao su. Nhưng những người làm công tác tuyên truyền, trong đó có những phóng viên của Báo Hà Giang, Đài PT – TH Hà Giang là những người đi tiên phong tuyên truyền, giải thích cho đồng bào về chủ trương của tỉnh Hà Giang và VRG.

“Mưa dầm thấm lâu”, ở vùng đất lắm rừng, nhiều núi, đồng bào các dân tộc sống duy tình như vùng đất Hà Giang là vậy. Thấy những gương điển hình được nêu trên báo, đài về góp đất phát triển, bảo vệ các vườn cây cao su và thấy thu nhập từ việc hợp tác phát triển cao su, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thấy ưng cái bụng.

Nhờ việc chuyển tải kịp thời những chính sách của tỉnh, của Công ty CPCS Hà Giang đối với địa phương và những hộ tham gia phát triển cao su, đã giúp cho người dân ngày càng tin tưởng, ủng hộ vào tương lai cây cao su. Khi những tiếng hát, tiếng cười đang rộn rã giữa vườn cao su thì cái rét mùa đông năm 2010 là một thử thách nghiệt ngã.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Anh Lê Trí Trường, Phó TGĐ Công ty CPCS Hà Giang cho biết, trong hành trình 7 năm qua, báo chí nói chung và báo, đài địa phương nói riêng đã cùng đồng hành với Chương trình phát triển cây cao su. Báo chí trở thành cầu nối đưa chủ trương phát triển cao su của Tập đoàn, của tỉnh Hà Giang và Công ty CPCS Hà Giang đến với người dân, góp phần giúp công ty phát triển.[/stextbox]

 

Nhiều diện tích cao su bị thiệt hại, kéo theo đó là lòng tin của người dân, đặc biệt là những người góp đất trồng cao su suy giảm mạnh. Nhưng anh Nguyễn Xuân Phú, nguyên Tổng giám đốc Công ty CPCS Hà Giang, một con người rất nặng lòng với đất Hà Giang và cây cao su khi ấy vẫn rất quyết tâm, không lùi trước thất bại.

Chính hình ảnh và nghị lực của anh Phú cùng với Công ty CPCS Hà Giang được báo, đài tỉnh truyền tải đến cấp ủy, đến các cơ sở như xóa đi nghi ngại của người dân với cây cao su. Thiên tai nghiệt ngã, nhưng lòng người không dễ bị khuất phục. Những giống cao su chịu lạnh được thay thế, phát triển vững chắc với trên 1.500ha, như khẳng định sự quyết tâm của người và cây cao su trên vùng đất Hà Giang.

Đến nay, cây cao su được tỉnh Hà Giang xác định là một trong 15 chương trình trọng tâm của tỉnh Hà Giang. Qua 7 năm thực hiện Chương trình phát triển cây cao su, Báo, Đài PT – TH Hà Giang là các cơ quan tuyên truyền chủ lực, thường xuyên cập nhật chủ trương của tỉnh, của VRG về chính sách, định hướng phát triển cao su ở địa phương.

Có nhiều nhà báo, phóng viên của Báo Hà Giang, Đài PT – TH Hà Giang cùng “xắn chân quần” về với các đội sản xuất với sự am hiểu về cây cao su như những công nhân cao su thực thụ. Cùng với quyết tâm của công ty, các cơ quan báo chí, những người làm báo ở Hà Giang luôn tin tưởng về sự phát triển của cây cao su sẽ đem đến tư duy mới, sự đổi mới cho vùng đất Hà Giang.

Huy Toán