CSVN – Căn cứ kết quả làm việc của Ban lãnh đạo VRG với các đơn vị thành viên và cuộc họp tổng kết của HĐTV, Ban TGĐ, KSV, Trưởng – Phó các phòng ban chuyên môn, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã chỉ đạo ban hành suất đầu tư cho các đơn vị chia thành 4 khu vực. TGĐ cũng yêu cầu Ban QLKT ban hành các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để làm khung áp dụng tiết giảm suất đầu tư.
>> Giảm suất đầu tư – vấn đề sống còn của ngành cao su
Tăng cường kiểm soát thực hiện suất đầu tư năm 2015
Suất đầu tư 2015 được ban hành theo 4 khu vực: Khu vực 1 (Đông Nam bộ) suất đầu tư là 70 triệu đồng/ha, Khu vực 2 (Tây Nguyên, Hòa Bình, Bình Thuận, Campuchia, Nam Lào) suất đầu tư là 80 triệu đồng/ha, Khu vực 3 (Bắc Trung bộ, Trung Lào) suất đầu tư là 90 triệu đồng/ha, Khu vực 4 (Miền núi phía Bắc, Bắc Lào) suất đầu tư là 115 triệu đồng/ha. TGĐ cũng chỉ đạo các phòng ban chuyên môn VRG và các đơn vị thành viên cứ thống nhất theo quy trình mà thực hiện và tăng cường kiểm soát vốn ở khu vực miền múi phía Bắc.
TGĐ chia sẻ: “Trong lúc ngành cao su gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các chủ trương lớn của VRG như tiết giảm suất đầu tư cần sự đồng bộ, chung sức của cả hệ thống từ tập đoàn cho đến các công ty, nông trường, đội, tổ. Các đơn vị chủ động triển khai làm sao để các cấp lĩnh hội hết chủ trương, để cả hệ thống cùng thực hiện đồng bộ”.
Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG Lại Văn Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cơ giới hóa, tiết giảm chi phí nhân công. Ông Lâm cho biết: “Khu vực Đông Nam bộ đã thực hiện rất tốt việc cơ giới hóa, các khu vực còn lại vẫn chưa triệt để áp dụng cơ giới hóa. Các đơn vị cần tiếp tục rà soát và cắt giảm các hạng mục không cần thiết, sử dụng cơ giới hóa tối đa nhằm giảm nhân công, giảm chi phí đầu tư”.
Khuyến khích các đơn vị trồng xen canh
Ban lãnh đạo VRG khuyến khích các đơn vị trồng xen canh để giảm suất đầu tư. TGĐ tiếp tục nhấn mạnh: “Trong tình hình này các đơn vị phải thay đổi tư duy về đầu tư, suất đầu tư. Tùy tình hình thực tế, các đơn vị tự đề xuất xây dựng mô hình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc thực hiện dự án trồng cây gì, nuôi con gì thì các đơn vị phải chủ động tự huy động vốn để thực hiện. Nhưng tuyệt đối các dự án trồng xen không được làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su. Đặc biệt các đơn vị nên lấy ý kiến cụ thể từ cơ sở, vì chính cơ sở sâu sát thực tế sẽ đưa ra nhiều giải pháp hay”.
TGĐ cũng giao Ban QLKT hỗ trợ các đơn vị về các giải pháp khoa học trong việc trồng xen canh. TGĐ chỉ đạo: “Đối với các cá nhân, đơn vị ngoài ngành đầu tư trồng xen canh thì chỉ cần tờ trình, lãnh đạo VRG sẽ phê duyệt. Nếu công ty đứng ra trồng xen canh thì phải tự huy động vốn”.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Áp dụng cơ giới hóa là yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Ứng dụng quy trình phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh - hiệu quả đa mục đích
- “Nông nghiệp tái tạo” - biện pháp khôi phục và duy trì sức khỏe của đất, góp phần giảm thiểu biến đổ...
- Triển vọng xen cao su "gỗ - mủ" nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất
- Phát triển cao su bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Chẩn đoán dịch hại cây cao su trên thiết bị di động
- Công nghệ mới làm tăng khả năng chống nứt cao su
- Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su SVR 10
- Trồng mới, tái canh đảm bảo đúng thời vụ
- Góp ý xây dựng cơ cấu giống cao su