Học Bác cách viết báo

CSVN – Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền Báo chí Cách mạng VN và bản thân Người là một nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng VN, để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo các loại bên cạnh gần 300 bài thơ và gần 500 trang truyện, ký. Theo thống kê, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh.

>> Báo chí phải “sống chung” với mạng xã hội

>> Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng VN

 Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh
Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh

Tài năng viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng hành với quá trình đấu tranh cho cách mạng VN. Người đã lấy báo chí làm vũ khí lý luận của mình và coi báo chí là một mặt trận vô cùng quan trọng, mặt trận văn hóa tư tưởng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bác từng căn dặn đối với lực lượng báo chí: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trách nhiệm của nhà báo là định hướng và bảo vệ tư tưởng của Đảng trong cán bộ và quần chúng nhân dân.

Đối với hoạt động sáng tạo báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các nhà báo phải khách quan đối với từng con người, từng sự việc trong tác phẩm của mình, phải tránh “thổi phồng”; những gì không biết, không được nghe hoặc nhìn thấy cụ thể thì “chớ nói, chớ viết”. Theo Người, báo chí phản ánh đời sống nhân dân, phản ánh sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy, không lúc nào người làm báo được quên trách nhiệm của mình với Đảng, với dân.

Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật… là phong cách làm báo Hồ Chí Minh. Trong những lần làm việc và nói chuyện với đội ngũ nhà báo, Người đã từng phê phán cách làm báo của một số nhà báo thiếu đi sâu vào đời sống thực tiễn nên viết ba hoa, viết “dây cà ra dây muống” hoặc “tầm chương trích cú” khiến cho người đọc như “lắt chắt vào rừng xanh”…

Những lời dạy của Người như kim chỉ nam cho báo chí và các nhà báo. Điều quan trọng nhất của người làm báo đó là sự lĩnh hội từ Bác Hồ cái tâm, cái đức của nghề báo. Thiếu điều đó không thể trở thành nhà cách mạng giỏi. Từ cái tâm, cái đức của người làm báo sẽ định hướng cho việc học hỏi suốt đời, cho tính trung thực, sự bảo đảm cho người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, báo chí phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong cuộc vận động này. Đó là phải tuyên truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, báo chí phải trở thành kênh thông tin để không những giáo dục cho nhân dân học tập mà còn phải giúp nhân dân làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Phải khuyến khích những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong nhân dân. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, những tật bệnh trong xã hội…

Người làm báo phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, sống trung thực, kính trọng và chan hòa với quần chúng nhân dân, có ý thức phê bình và tiếp thu phê bình, có tinh thần học hỏi để không ngừng vươn lên, để xứng đáng với tấm gương Nhà báo Hồ Chí Minh.

T.S