Ban hành Quy trình kỹ thuật vườn cao su xen canh

CSVN – Ngày 26/5, VRG đã ban hành “Quy trình Thiết kế và Quản lý kỹ thuật vườn cao su xen canh”, quy định những biện pháp quản lý kỹ thuật trên vườn cao su xen canh với các cây trồng khác. Mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo sinh trưởng vườn cao su theo Quy trình kỹ thuật.
Ảnh: Vũ Phong
Ảnh: Vũ Phong

Vườn cao su trồng xen cho mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu: Cao su là cây trồng chính được trồng với mật độ ≥ 500 cây/ha, được trồng và chăm sóc theo QTKT. Cây được trồng xen trên vườn cao su là cây trồng kết hợp có mật độ thiết kế theo từng loại cụ thể, được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình trồng và chăm sóc phù hợp với từng loại cây.

Cây trồng xen không là ký chủ của những nguồn bệnh chính gây hại cho cao su. Cấp quản lý có biện pháp quản lý, chăm sóc, đảm bảo cả cây trồng chính và cây kết hợp cùng phát triển tốt, hiệu quả.

Thiết kế lô và bố trí hàng trồng vườn cao su tái canh trồng mới

Tùy theo mục đích trồng xen trong ngắn hạn hay dài hạn và điều kiện cụ thể, hàng trồng được thiết kế theo hàng kép hoặc hàng đơn. Đối với mục đích trồng xen ngắn hạn: Trên vườn cao su thiết kế hàng đơn bình thường và không thay đổi mật độ, khoảng cách trồng. Đối với mục đích trồng xen dài hạn: Thiết kế theo hàng kép tạo khoảng giữa hàng cho xen canh lâu dài, mật độ trên 500 cây/ha. Các diện tích có điều kiện thuận lợi (thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, lao động, thị trường) thích hợp cho thâm canh cây trồng xen có giá trị kinh tế cao có thể thiết kế trên 400 cây/ha, phải được các ban chuyên môn thẩm định và chấp thuận của TGĐ VRG.

Thiết kế lô và bố trí mật độ khoảng cách trồng cho xen canh hàng kép: Các yêu cầu về bản đồ, sơ đồ mặt bằng, kích thước lô chuẩn theo Quy trình kỹ thuật 2012.

Các mật độ thiết kế hàng kép cho xen canh dài hạn như sau:[table id=9 /]

Có thể trồng xen trên vườn KTCB nếu có cây trồng xen thích hợp, trường hợp này công tác làm đất cho trồng xen phải đảm bảo các yêu cầu chống xói mòn, rửa trôi, thực hiện làm đất tối thiểu.

Về hướng hàng trồng và bố trí cây cao su trên hàng, cao su hàng kép trên đất bằng bố trí trồng theo hướng Đông – Tây, cao su trên hàng trồng dạng nanh sấu. Sơ đồ bố trí cao su trồng theo hàng kép mật độ 500 cây/ha.

Về bố trí cây trồng xen trên hàng kép, đối với cây xen canh dài ngày, dạng cây thấp hơn cao su (như cà phê), trồng cách hàng cao su ≥ 3m, mật độ cây xen canh theo quy trình từng loại. Có thể trồng xen cây lâm nghiệp có chu kỳ tương đương (hoặc nhỏ hơn) cây cao su vào giữa 2 hàng kép, mật độ tùy theo loại cây, có thể trồng từ 2-3 hàng. Đối với xen canh cây ngắn ngày trên hàng kép có thể thiết kế trồng luân canh, thay đổi cây trồng xen trong chu kỳ cây cao su.

Chăm sóc quản lý vườn cao su trồng xen

Để đảm bảo mục tiêu không cạnh tranh xấu với cây cao su, cây trồng xen cần phải được đầu tư hợp lý nhất về phân bón để không ảnh hưởng bất lợi đến cây cao su, phân bón cho cây trồng xen theo quy trình riêng cho từng đối tượng. Phân bón cho cao su theo Quy trình kỹ thuật bổ sung 2014. Cây trồng xen được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình trồng và chăm sóc phù hợp từng loại cây trồng.

Khoảng cách giữa cây trồng xen và hàng cao su cần đảm bảo khoảng cách: Cây ngắn ngày cách hàng cao su ≥ 1,5m; Cây công nghiệp dài ngày thân thấp ≥3m, cây lâm nghiệp ≥ 5m.

Tăng cường hữu cơ cho vườn cây trồng xen qua thiết lập thảm phủ

Đối với xen canh cây ngắn ngày trên hàng đơn, khi hết chu kỳ trồng xen thiết lập thảm phủ họ đậu Mucuna Bracteata để cải tạo, tăng hữu cơ cho đất. Trên đường luồng giữa 2 hàng đơn của hàng kép (nếu không trồng xen cây ngắn ngày) và giữa hàng cao su và cây lâm nghiệp nên thiết lập thảm phủ hỗn hợp Kudzu và Mucuna ngay từ đầu; nếu có trồng xen trên đường luồng giữa 2 hàng đơn, trồng thảm phủ Mucuna sau khi kết thúc trồng xen.

Tạo tán cây cao su trên vườn cây trồng xen

Tạo tán vườn cây cao su KTCB như Quy trình kỹ thuật bổ sung 2014, cân chỉnh tán cao su trong trường hợp tán lệch cong nghiêng. Đối với xen canh cây lâm nghiệp, nếu cây trồng xen có tán ảnh hưởng tới cao su phải cắt tỉa, đảm bảo ưu tiên cho cao su phát triển.

Các biện pháp giảm thiểu cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng giữa cây trồng xen với cây cao su

Phân bón áp dụng theo quy trình của từng loại cây trồng; Tổ chức tạo tán, cân chỉnh tán cao su và cây trồng xen; Chấp hành đúng quy định về khoảng cách cây trồng xen với cao su; Cày rãnh sâu hoặc đào rãnh cách ly (rộng 20cm, sâu 30cm) cách cây lâm nghiệp, cây dài ngày 1-1,5m.

P.V