Dương Trung Hiếu: Giữ niềm tin vào cây cao su

CSVN – Chỉ hơn một năm sau khi được nhận vào công tác tại Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, bằng khả năng và vốn kiến thức, vượt qua vòng phỏng vấn gắt gao của Ban Quốc tế TW Đoàn TNCS HCM, Dương Trung Hiếu xuất sắc trở thành một trong 10 đại biểu tham dự Liên hoan văn hóa Thanh niên quốc tế 2015 (IYCF) được tổ chức tại Campuchia vừa qua. Hiếu đã có những chia sẻ về niềm vinh dự này với bạn đọc Tạp chí Cao su.

>> Thanh niên ngành cao su góp sức hợp tác văn hóa ASEAN

 Đại biểu Dương Trung Hiếu chào đón ngài Sok An – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia đến tham quan gian trưng bày của đoàn Việt Nam tại triễn lãm văn hóa các nước trong khuôn khổ IYCF 2015. Ảnh: Quốc Duy
Đại biểu Dương Trung Hiếu chào đón ngài Sok An – Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia đến tham quan gian trưng bày của đoàn Việt Nam tại triễn lãm văn hóa các nước trong khuôn khổ IYCF 2015. Ảnh: Quốc Duy

Cơ duyên nào đưa anh đến IYCF 2015? 

Dương Trung Hiếu: Tham dự IYCF 2015, đoàn VN tham gia bao gồm 10 đại biểu đến khắp vùng miền trong cả nước. Các đại biểu phải trải qua hai vòng tuyển chọn bao gồm: xét chọn hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh do Ban quốc tế TW Đoàn trực tiếp thực hiện. Bên cạnh sự chuẩn bị kiến thức về đất nước con người Campuchia, lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN, thanh niên hướng đến cộng đồng ASEAN 2015…, tôi còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo, ĐTN Cao su Phú Riềng, Tỉnh đoàn Bình Phước.

Khi chính thức trở thành đại biểu của VN tham dự IYCF, tôi rất vui sướng vì đây là niềm vinh dự lớn, được đại diện cho hình ảnh thế hệ trẻ VN tham gia một sự kiện thanh niên quốc tế. Lần đầu tiên tham gia một chương trình giao lưu văn hóa có quy mô lớn nên tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ, hồi hộp.

Tuy nhiên, xác định đây là cơ hội quý giá để rèn luyện bản thân, vì vậy tôi nhanh chóng tìm hiểu các kiến thức về lịch sử hình thành khối ASEAN, đất nước con người Campuchia và những nét đặc sắc của ngành cao su VN cũng như quê hương Bình Phước để giới thiệu với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới.

-Là đại biểu đại diện cho tỉnh Bình Phước, cũng là đại biểu duy nhất của ngành cao su tham dự Liên hoan, anh cảm thấy như thế nào?

Dương Trung Hiếu: May mắn có bố mẹ xuất thân từ người CN cao su, từ nhỏ tôi đã có nguyện vọng sau khi học tập sẽ được trở về công tác tại quê hương đem những kiến thức học được phục vụ cho sự nghiệp phát triển cây cao su. Tự hào khi được sinh ra trên vùng đất Phú Riềng Đỏ với truyền thống hơn 85 năm lịch sử hào hùng, là cái nôi của phong trào CN cao su, nên khi tham dự IYCF mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được đại diện cho hình ảnh thế hệ trẻ của ngành cao su VN năng động, sáng tạo, tự tin hội nhập với bạn bè năm châu.

Liên hoan thật sự đã giúp mình thu nhặt được rất nhiều điều bổ ích, là cơ hội vô cùng quý giá để tìm hiểu tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Được giao lưu, hòa nhập vào một môi trường thanh niên quốc tế đầy năng động, sáng tạo sẽ giúp tôi có thêm những động lực trong công việc cũng như xây dựng ý thức dần hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực, trình độ, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

-Được biết anh có trao đổi với thanh niên các nước về ngành cao su. Anh có thể cho biết nội dung trao đổi cụ thể và kết quả những buổi thảo luận đó như thế nào?

Dương Trung Hiếu: Trong khuôn khổ phiên thảo luận các vấn đề về thanh niên thế giới trong vấn đề hội nhập quốc tế, tôi và một số các đại biểu đến từ các quốc gia khác như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… đã có một cuộc trao đổi ngắn xung quanh chủ đề mô hình phát triển nông nghiệp tối ưu hiện nay. Trong cuộc trao đổi này, tôi đặc biệt ấn tượng khi một đại biểu đến từ Ấn Độ đưa ra mô hình về cụm công nghiệp liên kết đang được Chính phủ Ấn Độ thực hiện thí điểm tại tiểu bang Kerala.

Trong mô hình này sẽ lấy cây cao su làm trọng tâm phát triển bên cạnh việc phát triển trồng xen canh các loại cây như: dứa, đậu phộng… giữa vườn cây nhằm tối đa hóa giá trị sử dụng đất đai. Những kết quả thử nghiệm cho thấy, trong giai đoạn khó khăn của thị trường hiện nay những nguồn thu từ các loại cây trên hoàn toàn có thể bù đắp được những chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất cao su như: chi phí nhân công, vật tư phân bón giúp duy trì hoạt động sản xuất cao su.

Quỳnh Mai (thực hiện)