CSVN – Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc Công ty CPCS Sơn La đốn hạ gần 70 ha cao su 5 – 6 năm tuổi để trồng lại giống mới. Đã có luồng dư luận lên án, chỉ trích việc làm này của công ty làm mất niềm tin người dân địa phương, gây lo lắng cho người trồng cây cao su và ảnh hưởng đến chủ trương của tỉnh trong phát triển cây cao su trên địa bàn. Qua xác minh cho thấy việc công ty thanh lý diện tích cao su này hoàn toàn đúng quy trình.
>> Cao su Sơn La: Lao động đồng bào dân tộc chiếm trên 97%
Thanh lý tái canh với giống chịu rét tốt hơn
Cuối năm 2011 đầu năm 2012, Sơn La xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối, sương băng kéo dài cộng với đợt mưa đá, lốc xoáy làm hư hại nhiều diện tích cây trồng. Đối với một số tiểu vùng trũng thấp, không khí lạnh chậm tan như ở vùng khe Him Lẹp thuộc Đội Cao su Mường Bú, huyện Mường La, ảnh hưởng đến cây cao su.
Trước tình hình này, đoàn kiểm tra của VRG và Viện Nghiên cứu Cao su VN tiến hành thực tế và xét thấy 54 ha ở Mường Bú và 16 ha ở Chiềng La bị ảnh hưởng đến thân và da rất nặng, nếu để lại sẽ không có năng suất cao khi thu hoạch. Vì vậy, khi có biên bản xác nhận của chính quyền địa phương và đề xuất của công ty, VRG đã ban hành quyết định cho phép thanh lý diện tích này và tiến hành trồng lại bằng loại cây giống mới chịu rét tốt hơn như IAN 873, RRIV 124.
Ông Võ Nhật Duy – TGĐ Công ty cho biết: “Do phải kiểm tra các điều kiện thổ nhưỡng và chọn giống phù hợp nên đầu năm 2015, lãnh đạo VRG mới cho phép công ty lập kế hoạch để trồng lại. Công ty đã tiến hành chặt hạ những cây trong diện tích trên để đào hố trồng loại giống mới có năng suất cao hơn, khả năng chịu rét tốt hơn. Đây là việc làm bình thường và đúng các quy định chứ không bất thường và không phải tàn phá cây cao su đến kỳ thu hoạch như một số cơ quan thông tấn đưa tin”.
Ngày 28/4/2014, công ty đã có văn bản báo cáo và có sự xác nhận của ông Lèo Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Bú; ông Lò Văn Tươi, Trưởng bản Bủng (xã Mường Bú). Trong biên bản phúc tra diện tích thanh lý vườn cây kém hiệu quả do ảnh hưởng của rét hại, lãnh đạo ở hai địa điểm nói trên đã xác nhận một số diện tích cao su tại địa phương có mật độ thấp, sinh trưởng yếu, còi cọc, vanh thân nhỏ do ảnh hưởng của rét đậm.
Đem đến luồng sinh khí mới
Ông Võ Nhật Duy – TGĐ Công ty cho biết thêm: “Từ khi thành lập đến nay, công ty đã chi 455 tỷ tiền lương cho NLĐ. Việc cấp phát lương 8 năm nay được phát trực tiếp đến tận tay NLĐ hàng tháng”.
Những năm qua công ty còn cho tạm ứng tiền lương để nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi cá. Lũy kế đến nay công ty đã cho ứng gần 6,8 tỷ đồng. Chương trình này được địa phương đánh giá cao và đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, công ty còn xây dựng, mua sắm vật dụng học tập, sinh hoạt cho các nhà trẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc con em của CBCNV. Tính tới thời điểm hiện nay, công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động 12 nhà trẻ với 628 cháu được tổ chức học và ăn tại chỗ.
Tại Hội nghị NLĐ công ty vừa qua, ông Cà Văn Chiu – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La đánh giá cao việc công ty thực hiện rất tốt các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho CBCNV, đem đến luồng sinh khí mới tại những địa bàn có cao su đóng chân, tạo niềm động viên tích cực cho NLĐ.
Minh Nhiên
Related posts:
- Đảng ủy VRG triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương
- Hội thi Bàn tay vàng là lễ hội truyền thống, mang tính biểu tượng của ngành cao su
- Nhiều đơn vị vượt mức chỉ tiêu thi đua
- Năng suất vườn cây Cao su Phú Riềng dẫn đầu VRG
- Cao su Đồng Nai - Kratie về trước kế hoạch sản lượng 32 ngày
- Thi đua đưa năng suất vườn cây đạt trên 2,5 tấn/ha
- Giải pháp thích ứng toàn diện cho chuỗi giá trị cao su bền vững
- Tích cực hỗ trợ các công ty khắc phục thiệt hại sau bão số 9
- Cao su Phước Hòa khen thưởng 61 tập thể, cá nhân noi gương Bác
- Nâng cao vai trò nữ giới trong chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của VRG