CSVN – Không khó mấy khi hỏi thăm chỗ chị Phạm Thị Hồng Ngọc, Đội G2, NT Gò Dầu, Công ty CPCS Tây Ninh, bởi chị Ngọc không chỉ là một trong những công nhân tiêu biểu nhất của đội trong phong trào thi đua nước rút, hoàn thành sớm kế hoạch nhiều năm liền, mà còn được biết đến với tinh thần trách nhiệm cao, luôn giúp đỡ đồng nghiệp.
Chị Phạm Thị Hồng Ngọc, sinh năm 1967, bắt đầu vào làm công nhân từ năm 24 tuổi cho đến nay. Năm nào chị cũng được giấy khen của Công đoàn ngành. Chị cười cho biết, chỉ có năm sinh con chị mới để vuột mất giấy khen mà thôi. Có năm chị được tới mấy giấy khen, nào là giấy khen hoàn thành sớm kế hoạch trong phong trào thi đua nước rút, nào là khen nữ hai giỏi…
Chị tâm sự, không phải làm để được giấy khen mà với tính cần cù lao động, chịu thương chịu khó, không quản khó khăn, bất kể trời mưa hay nắng, thức khuya dậy sớm, chị luôn gương mẫu trong công việc. Với bề dày kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với cây cao su, chị biết cách cạo mủ đúng quy trình kĩ thuật nên thu được năng suất cao.
Anh Nguyễn Tấn Hùng, chồng chị Ngọc, cũng là công nhân trong tổ. Hằng ngày anh chị luôn có ý thức tận thu mủ, tranh thủ thời gian trút vét. Những phần mủ phải tận thu theo quy định như mủ bèo, mủ bọt, mủ sót lại trong thùng… anh chị đều thu rất kỹ lưỡng không để sót chút nào.
Những ngày bạn đồng nghiệp trong tổ có việc không tận thu mủ được, anh chị đều giúp. Từ lược mủ giúp, tráng rửa thùng, mang theo rây mủ, mang theo miếng chùi thùng cho mình và các đồng nghiệp… Mọi người trong tổ đều ghi nhận nên những phần mủ tận thu ít ỏi từ việc tráng thùng của từng người mà chị thu được đều được ghi công cho chị. Đó cũng là một phần đáng kể giúp chị đạt và vượt kế hoạch đúng thời gian quy định.
Chị Ngọc và chồng luôn là người rời khỏi lô cao su sau cùng. Vì vậy, không ít lần anh chị đã giữ giúp những vật dụng đồng nghiệp để quên. Những việc làm nhỏ đó đã gây xúc động đồng nghiệp. Ngoài ra, anh chị luôn biết chia sẻ với các anh chị em trong tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và tận tụy với nghề, anh chị được mọi người trong tổ quý mến.
Ông Lê Minh Quang – Đội phó Đội G2 NT Gò Dầu nhận xét, anh chị luôn biết giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, tác phong đạo đức tốt. Ông Quang còn cho biết thêm, hồi trẻ, chị Ngọc luôn là tấm gương tích cực trong việc thi tay nghề của đội. Ngoài ra, chị còn là một trong những công nhân xuất sắc nhất của đội về việc cạo mủ đúng quy trình kĩ thuật, thể hiện qua những lần công ty kiểm tra hằng quý. [stextbox id=”stb_style_259398″]Hiện nay giá cao su xuống thấp, lương công nhân cũng ảnh hưởng theo. Nếu chị Ngọc nghỉ hưu thời điểm này, lương hưu của chị cũng khá cao, nhiều lần đồng nghiệp phân tích cho chị thấy điều đó, nhưng chị Ngọc nhất quyết không xin nghỉ hưu trước tuổi. Bởi cái nghề làm công nhân cạo mủ đã gắn bó với chị mấy chục năm ròng. Lúc chưa vào làm công nhân chính thức cho công ty, chị đã theo phụ giúp mẹ khi vừa rời ghế nhà trường.[/stextbox]
Vừa qua, chị được Công ty CPCS Tây Ninh tuyên dương “Gia đình tiêu biểu truyền thống công nhân cao su Tây Ninh” vì gia đình có 3 thế hệ đã và đang công tác trong ngành cao su.
Tạm biệt chị Ngọc, anh Hùng, tạm biệt vườn cao su rợp mát. Đi dưới những tán cây vừa đủ xanh sau mùa thay lá mà lòng vui rộn rã, hứa hẹn mùa mới bội thu. Chắc chắn sẽ như thế vì nông trường có những công nhân luôn hết lòng với công việc như vợ chồng chị Ngọc.
Trần Trung Tín
Related posts:
- "Ngành cao su đến nay vẫn chưa phải là khủng hoảng"
- Anh công nhân đa tài ở cao su Dầu Tiếng
- Sáng kiến từ lòng nhiệt huyết
- Nữ an toàn viên có tay nghề xuất sắc
- Mưa và mùa cạo mủ
- "Vinh dự và tự hào khi đem vinh quang về cho đơn vị"
- Nghĩa vụ và trách nhiệm
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- "Sao vàng Cao su" tài năng
- Phòng Công nghệ Thông tin VRG: Sáng kiến tiết kiệm trên 10 tỷ đồng