CSVN – Mặc dù toàn bộ diện tích cao su Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray là kiến thiết cơ bản và trồng mới, nhưng người công nhân vẫn rất vất vả trong mùa chống cháy. Mắc võng ngoài lô cả đêm phòng chống cháy là chuyện thường tình.
Được dự báo là một năm nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít nên nguy cơ xảy ra cháy cao, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong những tháng đầu năm là công tác phòng chống cháy.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo công ty đã tiến hành lập 6 chòi canh gác, cùng với đó là chỉ đạo 3 nông trường tập trung mọi nguồn lực phát quang bìa rừng, mở rộng đường ranh giữa cao su với rừng tự nhiên lên 6m nhằm ngăn không cho lửa bén sang cao su nếu có cháy.
Đến thăm một chòi gác tại Nông trường 3, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất vả và kiên trì của những “lính gác” khi phải ngồi quan sát tình hình cháy rừng giữa cái nắng gay gắt. Bảo vệ Mai Thanh Hoàn gác ca một của chòi thứ 2 Nông trường 3 với tầm quan sát khoảng 600 ha cao su của đơn vị mình và một phần của Nông trường 2.
Anh cho hay, “Được lãnh đạo nông trường phân công tôi và một bảo vệ khác thường xuyên túc trực tại chòi này từ 7 giờ sáng đến khoảng 22 giờ cùng ngày. Đây là chòi có vị trí quan sát tốt nhất nên quan sát được nhiều diện tích cao su và nhiều cánh rừng, quả đồi. Mỗi khi ở bìa rừng hay quả đồi nào có khói bốc lên thì chúng tôi sẽ báo về lãnh đạo ngay lập tức để cử người đến xử lý”.
Theo Giám đốc công ty Trương Minh Tiến thì trong tháng 3 – 4 là thời điểm cao độ của mùa khô tại đây, nên cháy rừng xảy ra rất nhiều. Ý thức của một số người dân chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng như dân đi lấy mật ong, phá rừng làm nương rẫy.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lực lượng lao động của công ty chuẩn bị mọi phương tiện cần thiết chống cháy. Tuy nhiên với những thiết bị đơn giản không thể dập tắt nếu có cháy, Công ty mẹ Cao su Mang Yang đã cử 10 xe bồn hỗ trợ Công ty Chư Mom Ray thường xuyên túc trực cùng với lực lượng cán bộ, công nhân của công ty để ngăn chặn nếu có cháy xảy ra.
Cùng với đó, công ty đã trang bị cho mỗi nông trường từ 1 – 2 máy bơm cao áp, kết hợp với xe càng vận chuyển nước đến tận những điểm có đám cháy nhỏ của những bìa rừng xử lý triệt để những tàn lửa, đám cháy đó.
Giám đốc Nông trường 3 Lưu Văn Tới dẫn chúng tôi đến tận nơi những công nhân đang xử lý đám cháy ở bìa rừng còn sót lại và chỉ cho chúng tôi những cây cao su bị ngọn lửa táp nơi giáp với đường phân cách.
“Cao su chúng tôi phần lớn giáp với bìa rừng, với thời tiết nắng nóng thế này việc xảy ra cháy rừng là khó tránh khỏi. Vì thế, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo chúng tôi làm đường phân cách rộng kết hợp với lực lượng quan sát đặt ở nhiều điểm, lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra, giám sát cùng với việc tuyên truyền để người công nhân và gia thuộc không đốt rừng làm rẫy…Chính vì thế, mùa khô năm nay, nông trường không có diện tích bị cháy, chủ yếu bị lửa táp một vài hàng gần bìa rừng”, ông Tới cho biết.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Các đơn vị miền núi phía Bắc thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch
- "Vượt nắng thắng mưa" trên từng lô cao su
- Nhớ mãi lần gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Quyết tâm ngay từ đầu mùa cạo
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- An cư lạc nghiệp bên tán rừng cao su
- Nông trường Xa Trạch vô địch giải bóng đá lão tướng Cao su Bình Long năm 2024
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tổ sản xuất
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu khai thác hơn 27.200 tấn mủ
- Tranh suất về Dầu Tiếng!